Mùa xuân là cả một mùa xanh
Trời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
1937
Dáng quê - Ảnh: L.MINH |
Cảm hứng bao trùm toàn bài Mùa xuân xanh là một niềm vui sống yêu đời giữa ngày xuân. Mùa xuân tự nó vốn đã đẹp, vốn đã chứa nhiều hy vọng hứa hẹn của một sự mở đầu năm. Nhưng Nguyễn Bính còn nhấn mạnh thêm, tô đậm thêm cảnh đẹp và niềm hy vọng đó bằng cách gắn liền màu xanh với mùa xuân. Cả bài thơ là một bức tranh với một gam màu xanh trải rộng: trời xanh, lá xanh, lúa xanh. Mà lúa ở đây xanh cả trên ba cánh đồng của tôi, của anh và của nàng, điều đó quả thực là một niềm vui. Câu thơ vắt dòng cho màu xanh tràn trề cả đất trời lan vào hồn người. Khổ đầu của bài thơ chỉ mới tả cảnh thôi nhưng phập phồng trong cảnh đã có những rạo rực tình cảm lứa đôi. Khổ hai nói cái xanh tươi của sự sống ở ngày xuân lên một mức cao nữa bằng một câu thơ thật nhân hậu tài tình - cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh. Mùa xuân vẫn là mùa xuân, dù cho ở nơi chôn cất người chết. Nấm mộ là một chấm dứt, kết thúc, khép lại. Ấy vậy mà ngọn cỏ trên mộ thì vẫn mọc, vẫn xanh, và kỳ lạ thay cho quy luật của đất trời và tâm hồn của thi sĩ, cỏ cũng đang rạo rực được yêu, được sống. Chỉ một từ “đợi” thôi, Nguyễn Bính đã làm cho cỏ không sống đời của cỏ nữa, cỏ sống đời người.
Trong khung cảnh bát ngát màu xanh đầy mời gọi giục giã ấy xuất hiện một người yêu đợi một người yêu. Chàng đợi nàng đến bên lũy tre làng. Đó lại là một bóng mát xanh tỏa êm dịu xuống tình yêu đôi lứa. Và kia, từ xa nàng hiện ra tiến lại phía lũy tre thì cái đầu tiên chàng nhận thấy ở người yêu là cái thắt lưng xanh. Câu ca dao cũ chợt hiện về: Hỡi cô thắt dây lưng xanh, Có về
Nguyễn Bính viết thơ rất tự nhiên, linh hoạt, công phu lắm nhưng ngỡ như không dụng công gì cả. Nhân đang nói đến màu xanh ông vẽ lại của mùa xuân ở đây, chúng ta có thể cùng nhau thưởng thức thêm một bữa tiệc màu xanh nữa mà nhà thơ dâng tặng.
Xanh cây xanh cỏ xanh trời
Xanh rừng xanh núi da trời cũng xanh
Áo chàm cô Mán thanh thanh
Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư.
Con mắt thi nhân vừa như nhìn khắp lượt một lần lại vừa như nhìn từ xa tới gần để thấy một màu xanh phủ khắp nhưng vẫn nhận ra những gam độ khác nhau rất tinh tế. Cảnh vật bầu trời xanh màu xanh đậm đà. Chiếc áo chàm của cô gái miền núi có màu xanh nhẹ hơn. Chỉ duy có đôi mắt cô không chỉ xanh, mà còn là xanh biêng biếc đến lung linh, trong trẻo đầy một nỗi nhớ nhung, đợi chờ.
Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh?
Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm?
Da giời ai nhuộm mà lam?
Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai?
Các sắc độ của màu xanh ở đây đã chuyển hóa hơn do nhuốm vào tình yêu. Xanh - chàm - lam, gam màu cứ giảm dần độ sáng, cứ nhạt phai dần đi như tình đang phai nhạt. So với màu xanh trong bài thơ xuân là xanh vui, màu xanh này rõ ràng là xanh buồn.
Và như thế Nguyễn Bính, nhà thơ yêu mến của bao người dân Việt, trong muôn lý do của con tim để yêu, có một lý do cứ mỗi độ xuân về nhìn ra quang cảnh đất trời đổi sắc, người người dọn mình để thương nhớ chờ mong. Trong niềm vui đón chào một năm mới ai trong chúng ta mà chẳng có lần thốt lên như nhà thơ:
Mùa xuân là cả một mùa xanh.
PHẠM XUÂN NGUYÊN