Ngày xưa ở miền quê nhà nào cũng có mái bếp. Đó là một phần cuộc sống của con người, gồm vật chất lẫn tinh thần. Mái bếp, nơi mẹ nấu những nồi cơm, xoong canh bốc hơi thơm quyến rũ trong ngày đông để cả nhà no lòng và cũng là nơi khởi nguồn những câu chuyện đời xưa do bà nội kể hấp dẫn hết ngày này qua ngày khác lấy từ kho truyện trong ký ức của bà.
Mái bếp còn là nơi lý tưởng để chú mèo mướp nương thân trong ngày đông tháng giá. Nơi có nguồn ấm như lò sưởi vô cùng quý giá đối với lũ mèo. Có những lần mèo mướp cuộn mình trong tro ngủ ngon lành, than lửa vô tình cháy khét một phần lông, khiến mèo ta nóng quá bật dậy cắm đầu chạy, kêu lên meo, meo!
Thông thường con mèo nào nằm bếp cũng khoanh tròn, giấu kỹ cái đuôi, ít khả năng bị lửa cháy. Vậy mà dân gian lại có ca dao:
Con mèo nằm bếp cháy đuôi
Anh mê cờ bạc đuổi ruồi không bay
Có thể con mèo nằm bếp ấm quá mất cảnh giác để lửa than cháy đuôi. Còn người mê cờ bạc say máu đỏ đen quá cũng mất cảnh giác với cạm bẫy, không lường hết hậu quả tai hại nên chuốc lấy thảm cảnh “đuổi ruồi không bay”. Chỉ có những người quá xót xa, tiếc nuối, mất hết hy vọng, mất hết sinh khí nên ruồi đậu trên mặt ngứa ngáy cũng không đuổi nổi, nghĩa là loại người bỏ đi rồi.
“Nằm bếp” với “mê cờ bạc” có sức hấp dẫn, mê hoặc làm mất cảnh giác, làm mờ đi lý trí để rồi “đuổi ruồi không bay”. Một đằng là sự vô tư, vô thức của con vật, một đằng là sự ham mê có ý thức của con người được dân gian ghép lại với nhau thật tài tình. Nó vừa bi, vừa hài mang tính giáo dục nhẹ nhàng, nhưng không kém phần sâu sắc. Câu ca nhắc nhở con người đừng dại đùa với lửa, đừng đi vào ngõ cụt, đừng như con thiêu thân chỉ làm tan nhà nát cửa, làm khốn khổ cho bản thân và gia đình, ảnh hưởng không tốt đến xã hội.
TRẦN QUỐC CƯỠNG