Thứ Năm, 03/10/2024 11:35 SA
Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ:
Sử dụng bài hát trong nhà hàng phải trả tác quyền
Thứ Hai, 31/07/2006 08:40 SA

Để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ nghiêm túc và công bằng đối với các tác giả, Bộ Văn hóa-Thông tin đã dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật gồm 7 chương, 50 điều trình Chính phủ phê duyệt. Nghị định này giải thích cụ thể một số thuật ngữ và những điểm chưa rõ ràng trong luật để áp dụng cho các trường hợp: sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho cá nhân, sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong nhà hàng, khách sạn, siêu thị... Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT, vừa trao đổi với báo chí về vấn đề này.

 

* Thưa ông, có phải các tác phẩm VHNT đã đăng ký chứng nhận bản quyền mới được bảo hộ quyền tác giả?

 

060831-bangdia.jpg

CD, VCD là một trong những sản phẩm văn hóa bị vi phạm tác quyền nhiều nhất - Ảnh: VNN

- Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước Bern, do vậy bất cứ tác phẩm nào khi đã tồn tại ở dạng vật chất như nặn, vẽ trên gốm, viết thành chữ, thêu trên vải, chụp ảnh, vẽ tranh... thì đều được coi là đã có bản quyền. Việc đăng ký bản quyền tác giả chỉ giúp việc bảo hộ quyền tác giả được thực thi thuận tiện hơn chứ không phải là yếu tố bắt buộc.

 

Cần phải nói rõ rằng, việc đăng ký bản quyền sẽ đem lại cho tác giả rất nhiều ưu thế. Vì đăng ký bản quyền coi như bằng chứng hữu hiệu “khai sinh” cho tác phẩm nếu xảy ra tranh chấp. Nếu tác phẩm chưa đăng ký bản quyền có xảy ra tranh chấp thì cũng vẫn được xem xét và phân xử. Song việc đó mất nhiều thời gian và công sức hơn vì phải tìm người làm chứng, để chứng minh được tác phẩm đấy là của mình.

 

* Thực tế, văn nghệ dân gian đang bị sử dụng tự do theo kiểu “cha chung không ai khóc” với nhiều dị bản khác nhau. Theo ông việc bảo hộ có khả thi?

 

- Ai cũng hiểu văn hóa dân gian là sản phẩm của cộng đồng, nhưng không có nghĩa là vô chủ, mặc ai muốn khai thác, sử dụng thế nào cũng được - chủ nhân của nó chính là công dân làng, xã... Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ này là lĩnh vực rất mới trong bản quyền. Do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội văn nghệ dân gian để có những hướng dẫn thêm.

 

Với những tác phẩm khuyết danh thì Cục Bản quyền tác giả Văn học-Nghệ thuật thay mặt nhà nước quản lý tác quyền đối với các tác phẩm đó. Các tổ chức, cá nhân nếu sử dụng các tác phẩm này phải xin phép sử dụng, thanh toán tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho Cục Bản quyền tác giả VH-NT.

 

*  Đối với tác phẩm báo chí thì việc bảo hộ quyền tác giả sẽ thực thi như thế nào?

 

- Tất cả các báo, tạp chí, dù là báo in hay điện tử đều được bảo hộ bản quyền. Do vậy các tác phẩm báo chí đều được bảo hộ quyền tác giả. Việc sử dụng lại thông tin trên báo này cho báo khác đều phải có thỏa thuận. Tuy nhiên, phần lớn báo chí hiện nay thường có các thỏa thuận “mở”. Ví dụ: nếu sử dụng lại các thông tin của họ thì phải trích dẫn rõ nguồn. Nếu gặp trường hợp trích dẫn nguồn sai thì hoàn toàn có thể khởi kiện. Uy tín của báo chí là chất lượng thông tin, nếu báo nào được sử dụng lại thông tin càng nhiều chứng tỏ báo ấy rất mạnh.

 

*  Trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng khi sử dụng tác phẩm âm nhạc đã được công bố có phải trả phí bản quyền?

 

- Theo luật định thì các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng vào mục đích thương mại tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác thì không phải xin phép tác giả nhưng đều phải trả tác quyền. Điều đó có nghĩa là nếu mở nhạc trên máy bay, ô tô hoặc mở nhạc trong các nhà hàng dùng để phục vụ khách hàng thì phải trả tác quyền cho người chủ sở hữu các tác phẩm đó.

 

*  Với những người bị mất quyền công dân (do vi phạm pháp luật) thì có được hưởng tác quyền không?

 

- Trong thời gian người bị can án, họ bị tước quyền công dân, chứ họ không bị tước quyền tác giả. Do vậy vẫn phải thanh toán đầy đủ tác quyền cho người được ủy nhiệm hoặc người được thừa kế của tác giả đó. Chỉ khi nào tòa án tước quyền sử dụng tác phẩm của tác giả thì tác quyền của tác phẩm mới thuộc về nhà nước. 

 

THU HÀ - THỦY VÂN (SGGP)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek