Thứ Năm, 03/10/2024 11:26 SA
Cảm nhận về bài thơ “Làng Phú Thạnh”
Chủ Nhật, 30/07/2006 08:12 SA

Từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người, ai cũng có những tình cảm thiết tha trìu mến và rạo rực đối với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Từ xưa đến nay, những bài thơ hay viết về quê hương không phải là nhiều. Ở nước ta, nhiều người thường nhắc đến Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, của nhà thơ Giang Nam. Bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, Nhớ Huế quê tôi của Thanh Tịnh, Bài ca quê hương của Tố Hữu…

 

060830-cau.jpg
Quê hương - Ảnh: D.T.Xuân
Nhà thơ Thanh Quế sinh năm 1945 ở làng Phú Thạnh xã An Chấn huyện Tuy An tỉnh Phú Yên.  Tuổi thơ anh đã tắm mình trong những kỷ niệm của làng quê nghèo nhưng rất đỗi anh hùng.

 

Những năm chiến tranh và hòa bình lập lại nỗi nhớ quê hương luôn day dứt trong anh và thế là bài thơ Làng Phú Thạnh đã ra đời vào năm 1982.

 

Có người bảo bài thơ ấy chỉ nói về làng quê anh thôi nên nó không có tiếng vang xa và ít được nhiều người đồng cảm.

 

Nên nhớ rằng, tính cụ thể là đặc thù của thơ ca, nói cụ thể để diễn tả cái khái quát. Nhà phê bình văn học Nga Timôphiep nói: “Hình tượng là bức tranh của đời sống vừa cụ thể, cảm tính vừa khái quát và mang ý nghĩa thẩm mỹ”.

 

Mở đầu bài thơ Làng Phú Thạnh, Thanh Quế viết:

 

Làng Phú Thạnh, nơi anh sinh ra

 

Dăm gốc bàng

 

            Một cây đa

 

                        Nhiều đụn cát

 

Đất khô khốc, bông mọc trên sỏi đá

 

Những ngôi nhà mái rạ gió xô

 

Nơi anh cùng bạn bè thuở nhỏ

 

Đá bóng bện rơm khô

 

Ít đi học lêu lỏng chơi trò đánh giặc

 

Con Bàu Súng rủ nhau trưa tắm mát

 

Chẳng ai dạy câu buồn vẫn ngồi hát nghêu ngao

 

Sức nặng của bài thơ Làng Phú Thạnh của nhà thơ Thanh Quế không phải diễn tả những hình ảnh, những kỷ niệm về quê hương như trong các bài thơ khác mà chính là tình cảm da diết của con người đối với quê hương. Người đọc phải day dứt cùng anh:

 

Đến bây giờ tuổi đã bốn mươi hơn

 

Ngồi nghĩ lại những bài thơ anh viết

 

Làng quê anh sao chưa có câu nào

 

Như trên đã nói, đã là con người, dù đi đâu, làm gì, thì hai tiếng quê hương vẫn canh cánh bên lòng nhất là những ai xa quê. Thanh Quế cảm nhận quê hương sâu sắc hơn bởi anh là thi sĩ.

 

Nhà thơ diễn tả thật độc đáo tấm lòng, tình cảm của tác giả đối với quê hương:

 

Đêm anh thường giật mình thức dậy

 

Nhớ nôn nao làng nhỏ sinh mình

 

Như chiếc lá vẫn muốn bay về cội

 

Bao cơn bão đời đau anh vẫn hướng về nguồn

 

Sức khái quát của câu thơ thật lớn. Nó không còn bó hẹp trong nỗi nhớ làng quê của nhà thơ mà cho cả mọi người. Thật đúng thơ là tiếng nói cho muôn đời, cho mọi người. Nói như Puskin, câu thơ đã “đánh trúng trái tim” với một sức mạnh huyền bí cho những ai xa quê. Phải có những cảm xúc cháy bỏng, những tình cảm thiết tha mãnh liệt, sự cháy bỏng chất chứa trong lòng, nhà thơ Thanh Quế mới viết nên những vần thơ xúc động đến như vậy.

 

“Như chiếc lá vẫn muốn bay về cội – Bao cơn bão đời đau anh vẫn hướng về nguồn”. Hai câu thơ ấy cũng đủ cho người nhắc về nhà thơ khi nói đến quê hương.

 

BÙI VĂN THÀNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek