Trong bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa xuân luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đề tài sáng tác của văn nghệ sĩ, đặc biệt là trong thi ca, âm nhạc và mỹ thuật. Từ xưa đến nay, theo quan niệm của người đời, mùa xuân thường được dùng làm biểu tượng cho sự sống, tuổi trẻ và tình yêu.
Tranh về hoa đào
Ở châu Á, tại các nước có nền hội họa phát triển như Trung Hoa và Nhật Bản, mùa xuân thường được các họa sĩ thể hiện với hình ảnh của hoa đào. Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, của sự thịnh vượng và sự sống, đồng thời là biểu tượng cho tình yêu và hạnh phúc, cho cái đẹp và sự trong trắng, cho tình nhân ái và lòng dũng cảm. Ngoài ra, vì hoa đào kết nụ vào mùa đông giá rét và nở hoa vào mùa xuân nên nó còn biểu trưng cho lòng kiên định, ý chí quật cường và sự khải hoàn. Cây anh đào ở Nhật Bản còn là biểu tượng cho tinh thần võ sĩ đạo Samurai. Năm cánh hoa đào, theo cách suy luận của người Trung Hoa, là biểu trưng cho sự may mắn, trường thọ, hạnh phúc, danh tiếng và sự thanh thản trong tâm hồn. Ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt
Trong mỹ thuật phương Tây, đề tài về mùa xuân thường được thể hiện bằng các bức họa phong cảnh với thảm cỏ xanh mướt, những chồi non tơ nõn và những đóa hoa rực rỡ sắc màu. Cũng như ở phương Đông, mùa xuân ở phương Tây cũng là biểu tượng cho sự sống, tuổi trẻ và tình yêu. Chính vì vậy mà ngoài những chi tiết về cảnh vật thiên nhiên, trong tranh của các họa sĩ phương Tây thường có các nhân vật là trẻ em và các đôi nam nữ. Trong thể loại tranh phong cảch, các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng là những người thể hiện thành công nhất về chủ đề mùa xuân vì màu sắc và ánh sáng trong tranh vô cùng phong phú, sinh động. Bức tranh Trong vườn của họa sĩ người Pháp Claude Monet (1840-1917) là một ví dụ điển hình. Tác phẩm thể hiện một khoảng vườn nhỏ với những luống hoa màu tím đôi chỗ xen lẫn những bụi hoa đỏ. Bố cục của tranh rất đơn giản như hầu hết những tác phẩm của các họa sĩ trường phái Ấn tượng, những sự thành công chính là ở bảng màu và ánh sáng trong tranh. Cũng là những bông hoa tím trong một luống hoa, nhưng tại nơi có vệt nắng lướt qua thì trở thành tím nhạt với những cành lá xanh nõn, còn ở chỗ không có nắng lại là màu tím sẫm và thân lá cũng xanh đậm hơn, con đường cũng tối hơn, tạo cho bức tranh một chiều sâu không gian sinh động.
Bức tranh “Trong vườn” của họa sĩ Claude Monet
Tuy nhiên, khi nói đến chủ đề mùa xuân trong sáng tác mỹ thuật, mọi người trong giới đều biết đến và ghi nhận tác phẩm điêu khắc Mùa xuân vĩnh cửu của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin (1840-1917) là tác phẩm thành công nhất về đề tài này. Vì mùa xuân là biểu tượng của sự sống, tuổi trẻ và tình yêu, nên trong Mùa xuân vĩnh cửu, tác giả đã không mô tả chi tiết cảnh vật mùa xuân như tên gọi của tác phẩm mà chỉ thể hiện đôi nam nữ đang hôn nhau. Cơ thể của đôi trai gái được xử lý nhẵn bóng tạo cảm giác mềm mại của làn da, hoàn toàn tương phản với bệ ngồi vẫn giữ nguyên sự thô ráp của đá, gợi cho người xem một sức sống trẻ trung và một tình yêu trong sáng. Thông qua tình yêu của đôi trai gái, tác giả như muốn khẳng định, tình yêu đôi lứa là cội nguồn của cuộc sống, của mùa xuân vĩnh hằng, luôn tồn tại và bền vững trên trái đất. Rodin là một trong số những nhà điêu khắc vĩ đại nhất thế giới và được coi là người đã khai sinh ra nền điêu khắc hiện đại, còn Mùa xuân vĩnh cửu đã trở thành tác phẩm điêu khắc kinh điển về đề tài mùa xuân.
LÊ VÂN