Thứ Ba, 01/10/2024 14:11 CH
30 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên:
Cộng hưởng và lan tỏa
Thứ Năm, 04/03/2010 14:30 CH

Có một chuyện vui, bạn bè Phú Yên lứa “tri thiên mệnh” có chút máu me văn chương gặp nhau thường hỏi vui “ông sắp làm thơ chưa” hoặc “dạo này làm thơ đều nhỉ”. Câu hỏi vui ấy ẩn tàng hàm ý đã đến tuổi sắp về hưu, chí tang bồng hồ thỉ lập thân lập nghiệp đã lặng như sóng hồ thu. Và chỉ đến tuổi ấy, mệnh trời đã thông, cái tâm đủ lắng, con người mới thư thái giũ bỏ những suy tư nhọc nhằn để đến với thơ như một sự giãi bày.

 

Dem-tho.jpg

Không gian thơ Nguyên tiêu Phú Yên – Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

 

Điều đó là dễ hiểu bởi thơ là một thánh đường riêng, là nghệ thuật ngôn từ, là cõi thánh thiện của tiếng lòng, hoàn toàn xa lạ với lợi danh dục tục thường tình. Bởi thế, ngay cả những bậc trí giả đạt tầm “thi dĩ ngôn chí” (làm thơ nói lên cái chí) cũng cho rằng: “lập thân tối hạ thị văn chương” (lập thân thấp kém nhất là bằng văn chương).

 

Nói vậy, chứ không phải vậy. Người lập thân bằng thơ và xứng danh với thơ cũng vẻ vang lắm. Họ là một thiểu số vô cùng nhỏ nhoi giữa hàng triệu người đọc yêu thơ và thỉnh thoảng hứng chí làm thơ. Không có sự tiếp nhận và cộng hưởng trong trẻo của hàng triệu người yêu thơ ấy thì thơ ca đích thực không thể tồn tại lâu bền.

 

Tại Phú Yên người yêu thơ khá đông, đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, có những “tín đồ thơ” yêu thơ thành kính, đến với thơ bằng cả sự rung động, háo hức, đam mê nên các hoạt động thơ như Đêm thơ Nguyên tiêu mới tỏa sáng và lan tỏa diệu kỳ trong cuộc sống.

 

Điều ấy, có căn nguyên lịch sử. Mấy ngàn lưu dân đầu tiên từ vùng Thanh Nghệ theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh mở đất Phú Yên dù là những người nghèo không sản nghiệp nhưng trong sâu thẳm họ có tố chất nghệ sĩ khi dũng cảm dấn thân vào vùng biên viễn để xây dựng quê hương mới. Mối u hoài cố thổ giữa vùng hoang nhàn u tịch đã gởi gắm trong kho tàng văn học dân gian mang đặc trưng Phú Yên. Dẫu trong chiều dài lịch sử các thế kỷ trước, Phú Yên không có những nhà khoa bảng cỡ tiến sĩ, không có những nhà thơ thành danh vang bóng nhưng phong trào yêu thơ vẫn như mạch ngầm tuôn chảy. Đó là “Sầm sơn thi xã” (Hội thơ núi Sầm) của võ sư tài hoa Lương Văn Cương (Lương Văn Cang), thầy dạy võ của danh tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng thế kỷ XVIII. Đó là “Tụ hiền trang” ở Xuân Quang, Đồng Xuân, nơi ôn văn luyện võ của các hậu duệ Tây Sơn ẩn cư tránh sự trả thù tàn bạo của Nguyễn Ánh. Và từ đây đã xuất hiện nhiều lãnh tụ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở hai tỉnh Phú Yên - Bình Định như Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Dương... mà tác phẩm của họ tạo dấu ấn sâu đậm trong chuyên khảo văn học thời Cần Vương do Viện Văn học xuất bản năm 1978. Đó là “Tam Thai thư viện” của các nhân sĩ trí thức ở vùng núi Hương, Hòa Mỹ, Hòa Phong - nơi thường xuyên tụ hội văn nhân miền Trung ngâm vịnh những năm 30 của thế kỷ trước. Đó là nhóm thơ núi Nhạn của đốc học Trần Sĩ, đã quy tụ nhiều thi sĩ cả nước đến giao lưu, trong đó có thi sĩ Tản Đà để lại câu thơ bất hủ “Đa tình con mắt Phú Yên”, “Lấy chi vui với thu tàn, Phú Câu cước cá Ô Loan miếng hàu”. Phú Yên chưa hẳn là đất thơ nhưng chắc chắn là đất của những người yêu thơ. Bởi vậy, họ đã trịnh trọng đặt tên đường phố dưới chân núi Nhạn là đường Tản Đà những năm 40 của thế kỷ trước để ghi nhớ thịnh tình của nhà thơ lớn với vùng đất này.

 

Đôi uyên ương thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết đã từng đến giao lưu với nhóm thơ núi Nhạn năm 1938 và vị nữ sĩ Thất tiểu muội thời tiền chiến đã kể tường tận chuyến giao lưu thơ thú vị ở núi Nhạn sông Đà trong một bài viết mừng thầy Trần Sĩ tròn 90 tuổi trong mùa xuân 2000.

 

Trong chiến tranh chống Pháp, Phú Yên là nơi hội tụ nhiều nhà thơ tài hoa như Hữu Loan, Trần Dần, Ngô Tịnh Hà, Việt Phương... và nhiều nghệ sĩ khác.

 

Trong những năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam thời chống Mỹ, Phú Yên là một trong những địa phương hiếm hoi có nhiều bài thơ vượt tuyến ra đất Bắc, trong đó có 17 bài của nhà thơ Văn Công được tặng giải nhất Báo Thống Nhất, được in chung với Giang Nam, Thanh Hải trong tập “Tiếng hát miền Nam” được Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu.

 

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bình thường đã làm thơ và có thơ in trên Báo Giải Phóng - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên, đã từng được tuyển chọn xuất bản sau ngày giải phóng.

 

Bởi vậy, khi 7 sáng lập viên tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên xuân 1981 tại Thư viện Hải Phú, hoạt động này được sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Tuy Hòa và ngay lập tức được sự hưởng ứng nhiệt tình của “Hội những người yêu sách” của thư viện. Các vị cựu chiến binh và cách mạng lão thành hăng hái tham gia, sáng lập câu lạc bộ thơ Diên Hồng và tổ chức thường xuyên các “hội thơ đêm rằm” và là những “tín đồ thơ” trung thành của các Đêm thơ Nguyên tiêu trong thập niên 1980.

 

Tái lập tỉnh, Tuy Hòa trở thành tỉnh lỵ đã chắp cánh cho Đêm thơ Nguyên tiêu vươn lên tầm cao mới với những đêm thơ sang trọng, lộng lẫy trên núi Nhạn, thu hút những người yêu thơ đến với Đêm thơ Nguyên tiêu như đi trẩy hội.

 

Từ Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, đã lan tỏa sức sống diệu kỳ về các địa phương, hình thành các đêm thơ của các huyện, thị vào ngày mồng 6, mồng 7 tết hàng năm. Và đêm thơ đã nhanh chóng phát triển đến các phường, xã, cơ quan, trường học như câu lạc bộ thơ Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Bình Kiến, phường 7, An Ninh, Bệnh viện Y học dân tộc, các trường học... Không chỉ tổ chức đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, các địa phương còn xuất bản nhiều ấn phẩm để tôn vinh thơ, để lưu giữ và lan tỏa thơ trong cộng đồng, tạo một nét đẹp văn hóa lung linh trong hào khí chung tiến đến kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Phong trào yêu thơ làm sáng thêm động lực và mục tiêu của văn hóa, hướng đến nguyện ước đất Phú trời Yên của một vùng đất.

 

Thơ và những người yêu thơ Phú Yên đã có sức hút diệu kỳ với bạn bè văn chương trong cả nước. Hiện tượng lạ giữa thời cơ chế thị trường này chẳng cần phải giải mã cao siêu bởi thơ có sức sống trường tồn riêng. Thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã thắp ngọn lửa đầu tiên để có được Ngày Thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

 

Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 30 đã có sự phát triển vượt bậc về chất, đã trở thành “hội thơ truyền thống” trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Thơ và những tấm lòng yêu thơ Phú Yên đã nâng vầng trăng Nguyên tiêu lung linh hơn, nối tiếp những mùa trăng đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

 

Chắc chắn Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 31 sẽ là một tiệc thơ sang trọng, lộng lẫy chào mừng 400 năm tỉnh Phú Yên, một dấu nhấn văn hóa phi vật thể đầy ấn tượng trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung Việt Nam dưới chân núi Nhạn xấp xỉ ngàn năm tuổi.

 

Với sự thành công rực rỡ của đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn lần thứ 30, các đêm thơ Nguyên tiêu kế tiếp sẽ càng đậm đà thi vị khi phong trào yêu thơ lan tỏa và bén rễ sâu khắp các địa phương trong tỉnh.

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghẹt thở với Năm 2012
Thứ Năm, 04/03/2010 07:40 SA
Giao lưu thơ - tác giả và tác phẩm
Thứ Tư, 03/03/2010 07:25 SA
Ấn tượng, đặc sắc
Thứ Ba, 02/03/2010 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek