Người Tày, người Nùng đến huyện Sông Hinh định cư vào những năm 80 của thế kỷ trước. Đến vùng đất mới, bà con mang theo và bảo tồn những phong tục của đồng bào mình.
Thiếu nữ dân tộc Tày (huyện Sông Hinh) biểu diễn đàn tính - Ảnh: D.T.XUÂN
COI TRỌNG TÁO QUÂN VÀ THỔ CÔNG
Ông Vy Văn Mạo, ở thôn Suối Mây, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) năm nay đã 72 tuổi, kể: Bếp lửa đối với người Tày là nơi linh thiêng của mỗi gia đình. Người Tày quan niệm bếp không có lửa thì điều xấu sẽ đến, do đó bếp thường xuyên có lửa. Người Tày quan niệm Táo Quân là vị thần bảo vệ người và gia súc. Nơi thờ vị thần này được đặt ngay cạnh bếp, rất đơn giản, chỉ có một ống tre được dán giấy đỏ làm ống hương. Khi gia đình có việc đại sự hoặc xảy ra các việc như bệnh tật, mất trộm, gia súc ốm đau… thường phải cúng, báo cho thần bếp biết, xin thần chứng giám và phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Ông Hoàng Văn Hồng, cũng là người ở thôn Suối Mây, cho biết: Khác với người Kinh, hàng năm cứ đến ngày 30 Tết, người Tày làm lễ tiễn đưa Táo Quân lên trời để báo cáo một năm thực hiện công việc ở dưới trần gian. Đến sáng mùng 3 Tết lại làm lễ đón Táo Quân từ trời trở về…
Thổ Công đối với người Tày là vị thần bảo vệ mùa màng, buôn làng. Hàng năm, người Tày cúng Thổ Công vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ khác trong năm cũng như các công việc hệ trọng của buôn làng. Đối với người Tày, Tết Nguyên đán cũng là tết lớn nhất trong năm, các bàn thờ được trang hoàng dán giấy đỏ. Ngày 30 Tết, người Tày cất tất cả những dụng cụ sản xuất và đồ dùng trong nhà như dao, rựa, cày, bừa… vào một nơi rồi làm lễ cúng để cho chúng nghỉ ngơi và ăn Tết. Vì theo người Tày, những vật dụng đó đã gắn bó và theo người dân lao động suốt một năm vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi.Tết của người Tày thường tổ chức đến rằm tháng giêng âm lịch.
KHÔNG THỂ THIẾU GÀ TRỐNG...
Người Nùng ăn tết không cầu kỳ, tốn kém nhưng lại chu tất và trịnh trọng. Ông Long Văn Nguyên, ở thôn Suối Mây, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), cho biết: Gà trống thiến là thứ không thể thiếu được trong phong tục Tết của người Nùng. Nhà ít thì 1-2 con, nhà nhiều thì 5-6 con… Từ đầu tháng chạp, đàn ông ở các gia đình đã chuẩn bị những chiếc lồng to để nuôi nhốt gà cồ thiến và cho chúng ăn thật mập để đón tết. Tết không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi hay chuẩn bị những món ăn, với người Nùng, những ngày tết thật thiêng liêng không chỉ thể hiện tình cảm giữa con người mà còn mang tính giáo dục cho con cháu biết bản sắc của dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị Pé, ở thôn Vạn Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), cho biết cách đón tết của gia đình mình: Cùng với gà cồ thiến thì các loại bánh, đặc biệt là bánh khảo là đặc trưng cho hương vị ngày tết của người Nùng. Các bà, các chị đã lo làm từ giữa tháng chạp để cho kịp tết.
Sáng mùng 1 Tết, người ta cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong gia đình các gốc cây trong vườn nhà, chuồng trại… và thắp hương cầu khấn thần linh phù hộ cho mọi thứ xung quanh mình luôn được may mắn tốt đẹp. Ngày mùng 1 Tết, người Nùng không đến nhà nhau, nhà nào ở nhà nấy và chuẩn bị những món ăn của ngày tết. Ngày mùng 2 là ngày đi lễ Tết bên ngoại. Lễ vật là một con gà cồ thiến, một cặp bánh chưng, vài phong bánh khảo đặt lên bàn thờ bên ngoại. Từ ngày mùng 3 cho đến những ngày sau đó, anh em bạn bè xa gần mới đến thăm hỏi, chúc tết nhau.
ANH NGỌC