Tôi biết Phan Thế Hữu Toàn (Phan Văn Lương) cách đây hơn hai chục năm. Thời ấy anh cần mẫn với chiếc xe đạp cọc cạch rong ruổi đi làm việc và lấy tư liệu viết bài cho một số tờ báo.
Cái thú đam mê nghiệp viết và đức tính chịu khó tìm tòi khám phá, thâm nhập, tìm hiểu cho bằng được đề tài nung nấu đã giúp anh trở thành một nhà báo thực thụ, một cây bút sáng tác văn học đã có một số giải thưởng ở các cuộc thi. Không ít tác phẩm văn học, báo chí của anh cũng đã có mặt trong nhiều đầu sách. Trông dáng dấp bề ngoài của anh như “hai lúa”, thích hài hước và lan man suy tưởng với nghiệp viết, nhưng lại có một trí nhớ khá “siêu”, đến mức nhiều bạn bè, đồng nghiệp đều phải cảm phục. Dòng chảy văn, thơ hay bút ký, phóng sự của anh nhiều khi mềm mại, đủng đỉnh, nhưng cũng lắm lúc hối hả trào dâng, cứ như sợ thời gian làm mất đi nhân vật mà mình đã hướng tới trang viết.
Vóc dáng của nhà báo Phan Thế Hữu Toàn thuộc diện “thấp bé, nhẹ cân”, nhưng phải thừa nhận là anh đi thực tế rất nhiều. Từ làng chài ven biển đến miền thôn dã hay những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tận vùng cao..., ở đâu anh cũng tìm đến để nghe, thấy, nghĩ và viết. Có thể nói Hữu Toàn viết khá sung sức với nhiều thể loại, trong đó bút ký ghi lại những chuyện rất đời thường về những nhân vật, sự việc, vùng đất mà anh đã tiếp cận, được khai thác bằng một lối viết rất mộc mạc như chính con người anh vậy.
Đến với tập bút ký Dung dị đời thường, bạn đọc không chỉ bắt gặp một nhà văn của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, như cây kơ nia cổ thụ của làng văn đất nước; một nhà sưu tầm văn hóa có nhiều hiện vật quý giá; một nhà báo có thú đam mê chơi các loại máy ảnh cổ; một ông Tây sang xứ ta sinh sống và tình nguyện bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, mà còn gặp những nhóm “đi điệu” tìm kiếm vận may từ trầm kỳ hay những nhà khoa học khoác áo lính và những trải nghiệm, thăng trầm của một vài doanh nhân tiêu biểu... Ngay cả chuyện về con ngựa hiến máu cứu người, hay một chặng đường lộ có nhiều hàng quán bày bán đặc sản cá ngựa của một vùng biển cũng được anh ghi lại bằng những mạch văn đậm chất phóng sự. Với riêng tôi, thành công nhất trong tập bút ký này là tác giả đã khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ công an trên trận tuyến thầm lặng, bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Đề tài này rất khó, người viết chưa trải nghiệm dễ sa vào các chi tiết vụn vặt, kể lể dài dòng khiến người đọc mệt mỏi, nhưng Hữu Toàn đã tránh được, viết được bởi anh không chỉ đam mê nghiệp viết mà còn có lợi thế riêng khi đang là nhà báo phục vụ công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Nếu như bút ký Đứa con của buôn làng dẫn dắt bạn đọc theo dấu chân một trinh sát an ninh ngày đêm bám trụ ở buôn làng để chiến đấu và chiến thắng “Vua lửa”, một sĩ quan cảnh sát phụ trách xã vận động đồng bào đẩy lùi “Ma lai”, thì Những người tái hiện sự thật bằng kỹ thuật hình sự có sức hấp dẫn, giúp bạn đọc khám phá thế giới khoa học hình sự qua những cuộc khám nghiệm hiện trường, mở ra sự thật một vụ việc ẩn chứa nhiều tình tiết phức tạp. Rồi những chiến công huyền thoại của một sĩ quan công an từng là biệt động trong kháng chiến qua Chuyện về một nữ biệt động năm xưa... đã được Hữu Toàn thể hiện rõ nét bằng góc nhìn tinh tế cùng ngòi bút sắc sảo, tạo cho người đọc có cảm giác như đi cùng tác giả, hòa vào tâm trạng của người viết trong các chi tiết đầy cảm phục.
Đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều và viết khỏe đã tạo cho Phan Thế Hữu Toàn một thứ vốn liếng cần thiết trong nghề báo, nghiệp văn. Ngoài hai tập truyện ký đã ra mắt bạn đọc trong năm 1991, 2003, sau tập bút ký này, tôi biết anh còn dự định sẽ cho ra đời tập truyện, tập thơ riêng.
Tập bút ký Dung dị đời thường của Phan Thế Hữu Toàn không chỉ là những kỷ niệm của riêng anh, đã tìm thấy, góp nhặt sau mỗi chuyến đi làm báo, mà còn là món quà dành cho nhiều người, để khi đọc họ sẽ cảm nhận cuộc sống luôn bình yên, tươi đẹp khi có những con người luôn say mê cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho đất nước như những nhân vật trong tập bút ký. Và đó cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến mọi người.
HUỲNH THẠCH THẢO