Thứ Sáu, 29/11/2024 17:44 CH
Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam:
Bước đột phá quan trọng
Thứ Bảy, 16/01/2010 17:17 CH

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), với sự tham dự của gần 300 đại biểu, trong đó có hơn 150 đại biểu đến từ 31 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, đại diện các nhà xuất bản, các hội nhà văn và các nhà văn, các dịch giả đã có công giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

 

quanh-canh.jpg

Quang cảnh hội nghị

 

Đặc biệt, tham dự hội nghị còn có 50 nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sinh viên nước ngoài đang học tập, công tác tại Việt Nam. Về phía “chủ nhà” có 50 dịch giả cùng 150 nhà văn tiêu biểu ở trong nước và một số nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Ban tổ chức còn bố trí một đội ngũ dịch thuật hùng hậu và 50 sinh viên Việt Nam tình nguyện có trình độ ngoại ngữ tốt để phục vụ hội nghị.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, bốn hội thảo được tổ chức theo 4 chuyên đề: Văn học cổ điển Việt Nam, Văn xuôi Việt Nam hiện đại, Thơ Việt Nam hiện đại, Gặp gỡ các nhà văn trẻ và các buổi làm việc với các nhà xuất bản, các đại biểu nước ngoài. Để có điều kiện tìm hiểu thêm về nền văn hóa Việt Nam, các đại biểu được mời tham quan Bảo tàng Dân tộc học và Văn miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa Yên Tử, vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Dân tộc học Phủ Thành Chương và thưởng thức một chương trình biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh… Nhân dịp này, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT cho 50 nhà văn, dịch giả các nước đã có nhiều đóng góp cho hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. So với hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ nhất tổ chức vào năm 2002 chỉ có 16 dịch giả của 12 nước trên thế giới và 25 dịch giả Việt Nam thì hội nghị lần này có quy mô lớn hơn hẳn và chưa có khi nào văn chương lại được tôn vinh, trọng thị đến như vậy.

 

Có thể nói, cho đến nay nền văn học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới vì nhiều nguyên nhân khác nhau còn rất hạn chế, trong khi đó văn học thế giới được dịch sang tiếng Việt lại khá phong phú và liên tục. Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức, tính đến thời điểm cuối năm 2009, các dịch giả Việt Nam đã dịch trên 13.700 tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt (trung bình 25% sách được xuất bản hiện nay là sách dịch). Trong khi đó, mới chỉ có 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài. Trước kia, một số tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã được dịch ra tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha…, nhưng số lượng rất hạn chế. Trong khi đó, để tìm hiểu về đất nước, con người ở một quốc gia, một vùng đất, văn học là một kênh quan trọng và bền vững. Ngày nay, trong xu thế hội nhập cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, văn học không thể đứng ngoài. Hội nghị này được coi là một bước đột phá nhằm khơi dậy những tiềm năng để quảng bá văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên khi bàn đến những vấn đề cụ thể, những người quan tâm phải đối mặt với không ít trở ngại.

 

Nội dung được nhiều người đề cập đến trong các bản tham luận là hiện nay văn học Việt Nam còn ít được bạn đọc thế giới biết đến, do đó trong thời gian đến, một vấn đề đặt ra là cần ưu tiên giới thiệu những tác phẩm nào của tác giả nào? Nhiều đại biểu hy vọng ban tổ chức sẽ cung cấp một bản danh mục các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, giúp các dịch giả trong và ngoài nước có cơ sở để tham khảo chọn dịch, nhưng hội nghị lần này vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Một vấn đề khác có liên quan đến bản quyền tác giả, vai trò của các nhà xuất bản trong nước và mối quan hệ với các nhà xuất bản nước ngoài cũng như cách thức phát hành…, nói tóm lại là những vấn đề “bếp núc” để giúp cho một tác phẩm văn học dịch đến tay bạn đọc. Đây là nội dung quan trọng, nhưng cũng chưa thấy có một cơ quan nào có đủ khả năng đứng ra đảm nhiệm.

 

Vấn đề cuối cùng và cũng quan trọng nhất là lực lượng dịch giả. Việc dịch tác phẩm văn học hoàn toàn khác với việc dịch tài liệu khoa học kỹ thuật. Ngoài vốn ngoại ngữ phong phú, trình độ sử dụng tiếng mẹ đẻ và khả năng văn học, người dịch văn học còn phải am hiểu về đời sống văn hóa xã hội cũng như phải có một tình yêu đối với vùng đất và nền văn học của đất nước mà mình muốn dịch tác phẩm. Chỉ có hội tụ đầy đủ những yếu tố ấy, người dịch mới có cảm hứng để làm việc, mà văn học nghệ thuật không thể thành công nếu không có cảm hứng sáng tạo. Trong hội nghị có một số quan chức hoặc từng là quan chức công tác trong các cơ quan ngoại giao và văn học của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Hoa Kỳ…đồng thời là dịch giả tiếng Việt đã bày tỏ lòng đam mê đối với việc dịch văn học Việt Nam, và họ cũng đã dịch được một số tác phẩm có giá trị. Nhưng số dịch giả này rất ít và hầu hết đã cao tuổi. Trách nhiệm nặng nề về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài mặc nhiên được đặt lên vai các sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam và các nhà văn Việt Nam đang định cư, làm việc ở nước ngoài.

 

Nhìn những chàng trai, cô gái nước ngoài trẻ trung, năng động, líu ríu những câu tiếng Việt còn ngượng ngập nhưng tràn đầy tình yêu và niềm khát khao khám phá vùng đất và nền văn học Việt Nam, các dịch giả cao niên không khỏi bâng khuâng nhớ lại những ngày du học nước ngoài và những tác phẩm văn học dịch đầu tay của mình cũng được bắt đầu từ một tình yêu, niềm đam mê như thế. Chỉ mong sao ngọn lửa tình yêu đối với mảnh đất hình chữ S này cứ cháy mãi trong trái tim nhiệt huyết của họ.

 

ĐÀO MINH HIỆP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek