Thứ Sáu, 04/10/2024 06:21 SA
Sức sống mãnh liệt của cồng chiêng Tây Nguyên
Chủ Nhật, 22/11/2009 14:23 CH

Các dân tộc thiểu số bản địa sống tập trung ở dãy Trường Sơn – Tây Nguyên: Dân tộc Giẻstriêng, Brâu, Rơmâm, Xêđăng, Bana ở tỉnh Kon Tum; Bana, Giarai ở tỉnh Gia Lai; Êđê Mơnông ở tỉnh Đắk Lắk; Mơnông ở tỉnh Đăk Nông; dân tộc Mạ, K’ho... ở tỉnh Lâm Đồng. Ở các tỉnh miền Đông, miền Trung có người Stiêng ở Bình Phước, người Raklây tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, người Bana Chăm ở Phú Yên, Bình Định. Người H’rê, Cor ở Quảng Ngãi, người Cơtu ở Quảng Nam, người Vân Kiều, Tàôi ở Quảng Trị... Mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng.

 

c-091121.jpg

Hội cồng chiêng dân tộc Bana – Ảnh: K’PA – YLĂNG

 

Cồng chiêng là nhạc cụ rất độc đáo, được chế tác từ chất liệu đồng. Chúng ta gọi cồng chiêng là văn hóa phi vật thể, bởi nó phải có không gian trình diễn (biểu diễn). Cồng chiêng không phải lúc nào cũng trình diễn được. Phải có lý do và phải được phép. Nghĩa là phải có lễ, có hội. Ngày hay đêm? Bài cồng chiêng này đánh vào lúc nào, lễ hội nào, ở đâu, trong nhà rông hay ngoài bờ sông, con suối?...

 

Các dân tộc thiểu số anh em sống ở Tây Nguyên sử dụng hai hệ ngôn ngữ Mon Khơme và Malayô pôlinésien. Mỗi dân tộc có cách tổ chức dàn cồng chiêng riêng, cách đánh (sử dụng) riêng. Người Êđê đánh trong nhà (nhà dài) ngồi ghế dài (kpan) dùng dùi bằng gỗ cứng. Người Bana, Giarai dùng dùi bằng cây mềm hoặc dùi quấn bằng cây mây, vải. Người Mnông, Mạ, Stiêng, K’ho, Raklây dùng nắm tay gõ vào mặt chiêng. Nghe tiếng cồng chiêng dân tộc mình vang lên ở đâu đó, họ biết rằng ở đó đang có lễ hội gì, lễ bỏ mả (Pơthi) của dân tộc Bana hay Giarai, lễ cúng bến nước của người Xêđăng hay lễ ăn mừng nhà mới của người Êđê, đặc biệt là lễ hội Groong K’prô hay Xa K’pô (ta hay dùng từ đâm trâu, từ này chưa chính xác) của dân tộc Bana. Lễ nào, hội nào cũng phải có cồng chiêng. Cồng chiêng là linh hồn của lễ hội, là sự thông nối giữa thần linh, đất trời và con người. Nói đến cồng chiêng là phải nói đến xoang (tức là múa). Đối với người Bana, Giarai, Cơtu, cồng chiêng và xoang (múa) là sự giao thoa bắt buộc. Tiếng cồng chiêng Bana trầm hùng, chậm rãi là điệu xoang nam nữ khoan thai, duyên dáng. Tiếng cồng chiêng Giarai náo nhiệt, thánh thót là điệu xoang nam nữ uyển chuyển và khỏe khoắn... Và lễ hội nào cũng có ba điều kiện phải hội đủ là: cồng chiêng - xoang - rượu cần. Ba thứ ấy là cốt lõi của không gian văn hóa cồng chiêng mà người trình diễn và đồng bào buôn làng là chủ thể.

 

Dem-hoi-lang091121.jpg
Đêm hội buôn làng - Ảnh: LÊ MINH

 

Tây Nguyên hôm nay đã thay da đổi thịt. Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn ngân vang, vang xa với sức sống mãnh liệt, từ tiếng chiêng chàng Đam San cho đến hôm nay và mãi mãi mai sau.

 

Cồng chiêng ông bà vẫn vang lên chín núi mười sông

Vượt Krông nô, Krông ana

Qua Đăkbla, Sa Thày

Lên mười tầng mây, bay qua Đắk Lắk

Tiếng chiêng cồng bền chặt tình quê hương

Hỡi giàng núi, giàng sông

Hỡi buôn Krông, Plei Ya

Hãy đánh cồng chiêng lên

Vang mãi, vang xa khắp Tây Nguyên hùng vĩ

 

Tại TP Pleiku tỉnh Gia Lai vừa diễn ra Festival cồng chiêng quốc tế. Từ người Bana, Giarai, Êđê, Mơnông, Cơtu, Mạ, Stiêng, Raklây, H’rê, Cor... cho đến anh em Mường ở Hòa Bình, Thanh Hóa đã cùng nhau đua tài trình diễn những bài bản cồng chiêng của dân tộc mình.

 

Tháng 11 Tây Nguyên tưng bừng và náo nhiệt.

Tiếng cồng chiêng ngân nga, vang xa mãi.

 

           Nhạc sĩ KPA YLĂNG

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức nóng của Trăng non
Thứ Bảy, 21/11/2009 14:23 CH
Hoa hậu quý bà rạng rỡ ở Hà Nội
Thứ Năm, 19/11/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek