Thứ Sáu, 04/10/2024 08:28 SA
Bế mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009:
Thông điệp đoàn kết các dân tộc
Thứ Ba, 17/11/2009 07:45 SA

Sau bốn ngày diễn ra với 15 hoạt động chính thức, tối 15/11, tại Gia Lai, Festival cồng chiêng quốc tế 2009 đã khép lại.

 

sac-mau.091117.jpg

Rực rỡ sắc màu trong đêm bế mạc –Nguồn: VNN

 

Lễ bế mạc không tạo được nhiều ấn tượng, có lẽ bởi tất cả đã được “dốc” hết vào lễ khai mạc diễn ra vào tối 12/11. Đáng chú ý là sự xuất hiện của các đoàn cồng chiêng tỉnh bạn và bốn đoàn cồng chiêng quốc tế (Campuchia, Lào, Myanmar và Phillipines, ngoại trừ đoàn Indonesia đã về sớm). Dù có chút “gán ghép” khi gọi phần này là lễ hội đường phố, nhưng sự xuất hiện của mỗi đoàn trong trang phục truyền thống phong phú về màu sắc, kiểu dáng, thể hiện nét đặc trưng nhất trong tiếng cồng chiêng, điệu múa khi “diễu hành” qua sân khấu đã kịp tạo dấu ấn của một lễ hội.

 

Đoàn Gia Lai với lực lượng đông đảo, 23 đội cồng chiêng (được chọn từ hơn 700 đội cồng chiêng của tỉnh) thể hiện thái độ mến khách hết mình của chủ nhà. Lễ bế mạc có nét khác biệt hơn khai mạc khi giới thiệu kỹ lưỡng hơn 4 đoàn cồng chiêng quốc tế. Các đoàn cồng chiêng trong nước được tôn vinh hai lần, không chỉ theo tỉnh thành “cư trú”, mà còn bởi 22 dân tộc có mặt tại festival được dịp tôn vinh.

 

Với những khán giả của truyền hình, phần diễu hành này có phần đơn điệu khi từng đoàn từng đoàn lần lượt qua sân khấu, nhưng khán giả tại quảng trường may mắn hơn khi được chứng kiến những phút ngẫu hứng của thành viên các đoàn suốt chiều dài quảng trường cũng như trên sân khấu lớn với nhiều tiểu cảnh. Và một lần nữa, niềm vui lại ngập tràn quảng trường khi phần truyền hình trực tiếp kết thúc, quan khách, khán giả và các đoàn cùng hòa mình trong những điệu múa rộn ràng không dứt.

 

Chị Đinh Thị Minh Nguyệt cùng đoàn cồng chiêng dân tộc Thái đến từ bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nói: “Khi được giao lưu với các tỉnh bạn về lễ hội cồng chiêng, tôi học hỏi được rất nhiều các làn điệu. Tôi nghe được những âm hưởng khác nhau, nhất là lễ hội cồng chiêng của người Tây Nguyên. Đặc biệt trong đó tôi nghe được cồng chiêng của nước Malaysia; họ có dàn cồng chiêng rất thú vị. Qua đợt lễ hội này, tôi sẽ là người đầu tiên về kể chuyện cho bà con dân bản được biết cách gìn giữ bản sắc dân tộc, khôi phục lại cho các cháu lớp nhỏ”.

 

Trong những ngày diễn ra Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, người dân địa phương và du khách đã được xem phục dựng một số lễ hội đặc sắc ở Tây Nguyên, tham dự hội thảo về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và các nước trong khu vực, hội nghị xúc tiến đầu tư, xem các triển lãm, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao..., với những ấn tượng tốt đẹp.

Ông Mathia Geisse, một du khách đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, cảm nhận: “Tôi cũng lần đầu tiên đến Việt Nam và may mắn được tham gia Festival Cồng chiêng tổ chức ở Gia Lai. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì được nghe rất nhiều tiếng cồng chiêng của khắp mọi miền được tổ chức ở Tây Nguyên”.

 

Festival Cồng chiêng Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Gia Lai – Việt Nam đã khép lại. Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Tổ chức nói rằng, bản hòa tấu âm thanh tuyệt đẹp từ phố núi đã gửi đi một thông điệp: Hãy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của nhân loại, vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, cùng phát triển của các dân tộc anh em trong cả nước và khu vực; đồng thời hứa hẹn mở ra một điểm đến đầy tiềm năng của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

 

Y.LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek