Thứ Sáu, 04/10/2024 08:28 SA
Hoàng Kim Đáng - lung linh ký ức Trường Sơn
Thứ Năm, 19/11/2009 19:00 CH

Có nhiều hình ảnh mà nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng đã bỏ lỡ. Ông không nói “con cá mất là con cá to”, nhưng ông nhận thấy, có những khoảnh khắc mà người chụp không chớp được thì mãi mãi không trở lại lần thứ hai. Ông tâm sự, những bức ảnh mà lẽ ra phải chụp ông không chụp được, nhưng đã kịp “chụp” vào trong tâm tưởng, và những hình ảnh đó vẫn còn mãi, đẹp đẽ vô cùng.

 

Hoang-Kim-Dang-091119.jpg

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

 

Ngồi bên ông, nghe ông kể về những hình ảnh mà ông không ghi vào ống kính hoặc không có máy ảnh khiến những người có mặt đều thấy tiếc, trong đó có một hình ảnh đẹp ở Trường Sơn đã thành thơ: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa”. Khi ấy, Hoàng Kim Đáng đang ở trọng điểm Ta Lê, nhìn lên dãy núi chia cắt hai loại thời tiết, một bên nắng, một bên mưa. Đồng đội vỗ tay hoan hô, nhưng khi ông về nhà thì mới nhận ra máy chưa lên phim. Ông hì hụi tiếc.

 

Một lần khác, ông vào công tác ở làng Ho (Quảng Bình) trong mùa mưa. Những cô gái làm nhiệm vụ mở đường ở đây đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hai cô gái thay nhau dùng chung một bộ quần áo. Khi cô này mặc quần áo đi làm đường thì cô kia ở nhà…đắp chăn. Thấy nhóm của Kim Đáng đến, các cô khúc khích cười và ngăn: “Ấy, các anh đừng vào đây nhé”. Hiểu ra, cả nhóm đứng ở ngoài, hướng vào bên trong mà nói. Hôm sau, Kim Đáng mang máy ảnh đến, thì cả khu nhà và các cô gái đã lẫn cùng đất đá bởi bom. Tiếng cười của các cô chỉ còn trong ký ức.

Hoàng Kim Đáng cũng có những bức ảnh vừa ý ở chiến trường. Và nhiều bức mang đậm dấu ấn lịch sử. Ông ưng ý nhất là bức ảnh Trung úy, nhân vật chính là chiến sĩ quyết thắng Nguyễn Văn Hương (quê ở Hà Nam), người đại đội trưởng công binh gan dạ, dũng cảm trụ bám trên trục đường của trọng điểm ATP năm 1972. Sau này, Hoàng Kim Đáng còn chụp chân dung các nhà văn: Nguyễn Tuân, Tào Mạt mà không ai có thể chụp đẹp hơn. Đúc kết kinh nghiệm sau những lần bỏ lỡ những khoảnh khắc có một không hai, Kim Đáng nói rằng người nghệ sĩ nhiếp ảnh lúc nào cũng phải mang máy ảnh bên mình, như một vật bất ly thân. Bởi những khoảnh khắc đẹp sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào.

 

NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA NĂNG

 

Hoàng Kim Đáng sinh năm 1940 ở Kim Động - Hưng Yên, vốn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Tháng 11/1965, ông lên đường nhập ngũ, theo Trung đoàn 229 Công binh vào tuyến lửa đường Trường Sơn. Ông cùng đồng đội đi đánh mìn, phá đá, làm đường. Năm 1967, bị bệnh sốt rét hành hạ, Hoàng Kim Đáng được đưa về điều trị ở Bệnh viện Quân y 46 (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tại đây, ông vận động anh chị em bệnh nhân tham gia các hoạt động văn nghệ. Sau đó được bầu làm bí thư liên chi đoàn, ông thường tổ chức diễn văn nghệ ngay trong bệnh viện, kết hợp vẽ tranh tuyên truyền. Các bệnh nhân trở nên lạc quan, yêu đời. Kim Đáng cũng đã vượt qua trận bệnh mà nhiều người tưởng không qua khỏi.

 

Khỏi bệnh, ông trở lại chiến trường và được giới thiệu về Phòng Tuyên huấn - Bộ Tư lệnh 559, đúng dịp phòng đang tổ chức thành lập tờ báo Trường Sơn gang thép. Ngày đó báo còn in bằng giấy nến và vẽ minh họa bằng tay chứ chưa có công nghệ in. Thú vị nhất là tờ báo được nhiều người đón đọc. Sau này báo đổi tên thành báo Trường Sơn. Những người tham gia tờ báo này lập ra một phòng ảnh, các cán bộ thay nhau đi chụp ảnh chiến trường. Lúc đó Hoàng Kim Đáng mày mò tự học và được ông Trọng Khoát, người đã có nhiều kinh nghiệm dạy thêm. Những năm tháng đó, Hoàng Kim Đáng và một nhóm phóng viên ảnh đã in hàng ngàn tập ảnh rồi dán ở thành xe và các kho quân dụng để các chiến sĩ có thể nhìn hình dung sự gian khó và không khí chiến đấu hào hùng. Họ cũng tổ chức hàng chục cuộc triển lãm lưu động ở các đơn vị bộ đội để khích lệ tinh thần chiến sĩ. Riêng Hoàng Kim Đáng, từ ngày vào chiến trường, ông hăng say viết báo. Ngoài niềm đam mê, ông  thực sự có năng khiếu viết báo.

 

Tháng 11/1974, Hoàng Kim Đáng chuyển ngành ra Hà Nội, công tác ở báo Văn nghệ. Từ năm 1985 đến 1990, ông chuyển đến báo Người Hà Nội, sau trở thành Phó tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh. Những bức ảnh như: Đường Hồ Chí Minh trong chiến dịch, Hành quân qua Trường Sơn... đầy chất sử thi hùng tráng ghi lại những khoảnh khắc có một không hai của lịch sử ông chụp cách đây hơn 30 năm, được coi là những tác phẩm quý giá trong cuốn sách ảnh đồ sộ về Trường Sơn mà ông đã in. Và những hình ảnh về đồng đội sẽ là động lực để Hoàng Kim Đáng tiếp tục làm việc, hoàn thành thêm một cuốn sách ảnh về Trường Sơn cùng các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Alexandra Burke đã tỏa sáng
Chủ Nhật, 15/11/2009 07:31 SA
Tối nay ăn gì?
Thứ Bảy, 14/11/2009 10:31 SA
Cồng chiêng hội tụ, âm vang phố núi
Thứ Bảy, 14/11/2009 07:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek