Chủ Nhật, 06/10/2024 14:22 CH
Thu Bồn - mãi còn trò chuyện bằng tác phẩm
Thứ Năm, 18/06/2009 07:29 SA

Cách đây 6 năm 17/6 (2003-2009), nhà thơ Thu Bồn đã như cánh chim chơ rao bay về cõi vĩnh hằng. Tuần trước, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và nhóm Văn chương Hồn Việt đã tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của ông. Tuy không phải giỗ năm chẵn, buổi lễ vẫn có mặt đông đảo đồng nghiệp cầm bút cũng như người mến mộ một tài thơ và một con người sống chí tình.

 

thu-bon.gif

Nhà thơ Thu Bồn

 

Các đồng nghiệp cầm bút với Thu Bồn như: Nguyễn Quang Sáng, Chim Trắng, Hoài Anh, Đoàn Minh Tuấn, Ngô Thảo, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quang Thân, Triệu Xuân, Đoàn Thạch Biền, Phạm Thị Ngọc Liên, Bích Ngân… cùng các giáo sư: Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Chúc… đã có mặt để tưởng nhớ Thu Bồn. Trong cõi người mênh mông, sau khi đã về với cát bụi chừng ấy năm ròng còn có nhiều đồng nghiệp, người hâm mộ nhớ, đến tưởng niệm như Thu Bồn thật quý hiếm, nhất là ở cái thời ai cũng chật vật về thời gian. Những đồng nghiệp có mặt, người phát biểu về Thu Bồn, người im lặng rảo bước ngoài hành lang khán phòng… đều mang trong mình “một gói nhân tình” để thương nhớ ông.

 

SỐNG QUYẾT LIỆT

 

Nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung ở Hà Nội không vào dự được nhưng có gửi một bài tưởng niệm nhà thơ, đồng đội của mình. Ông Trung kể về nhiều kỷ niệm với Thu Bồn thời ở chiến trường khu 5. Những gì ông Trung kể hiện lên một tính cách Thu Bồn quyết liệt từ các hành động sống hàng ngày của một người lính. Chuyện Thu Bồn đi “cõng quế” (cõng gạo), làm nhà, nấu ăn hay ôm đại liên bắn máy bay đều rất tháo vát và quyết liệt. Ông Trung kết lại: “Ở ngoài này, tưởng nhớ Thu Bồn, tưởng nhớ một đời thơ lồng lộng. Những trường ca thời ấy của anh như những lâu đài thi hứng…”.

 

Những tháng ngày ở rừng cùng với tình người mộc mạc đã theo Thu Bồn vào thời bình, trong thành phố. Nhà thơ Nguyễn Duy ôn lại: “Tôi quen Thu Bồn hồi ở số 4 Lý Nam Đế cùng với anh Trần Sơn Nam, đã từng có mặt ở mặt trận Quảng Trị năm 1972. Sau đó là mặt trận biên giới Tây Nam với quân đoàn 4 rồi biên giới phía Bắc Lạng Sơn chúng tôi có đi với nhau. Vào Sài Gòn, Thu Bồn làm tổng biên tập báo quận đầu tiên của cả nước năm 1981. Khi gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Thu Bồn nói, anh là tổng biên tập Báo Văn Nghệ, tôi là tổng biên tập báo… quận 5. Thu Bồn dù ở đâu tôi vẫn thấy, cái chất Thu Bồn vẫn là thiên nhiên hoang dại. Và rồi sau này chính chất thiên nhiên đó đưa Thu Bồn về suối Lồ Ồ - ngoại thành Sài Gòn. Năm 1991, khi ấy ở trong một khu vườn na, có một con đường nhỏ đi vào, Thu Bồn đã tự tay viết bảng nhỏ “đường Thu Bồn”. Đây là mảnh đất do nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Toàn mua giúp. Thu Bồn tự tay dựng lên một cái chòi, anh em đã kéo nhau lên chơi ở đó. Cái chất của Thu Bồn là không ưa, không phù hợp với phố phường. Chất của Thu Bồn là về với đồng, ruộng, cây cỏ… Tôi nhớ nhiều câu thơ của Thu Bồn nhưng đọng lại là viết về thiên nhiên “Cầu trời bên ấy bình yên. Em về xin cứ thiên nhiên mà về” hay như “Rồi mai mưa gió qua đây/ Anh còn ở với cỏ cây… em về”, đó chính là những câu hay nhất của Thu Bồn. Tôi đã viết bài Mắt na - ở vườn na nhà Thu Bồn tháng 7/1991 từ cảm hứng thiên nhiên của anh: “Chúng mình nhắm mắt đi em/ Cho na mở mắt ra xem chúng mình”.      

 

...VÀ HỒN NHIÊN

 

Mỗi đồng nghiệp, mỗi độc giả mến mộ Thu Bồn đều có những kỷ niệm riêng về ông hay về tác phẩm của ông. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhớ lại khi cùng Thu Bồn sang Liên Xô (cũ). Nguyễn Quang Sáng chơi bóng bàn rất giỏi nên trong các trận giao hữu với nhà văn nước bạn, ông cứ thắng hoài. Nhưng Nguyễn Quang Sáng đã thua một cậu nhóc tóc vàng trước khi về nước. Thu Bồn hỏi: “Ông làm chính trị nên thả thua phải không?”. Nguyễn Quang Sáng: “Thua thiệt chứ thả gì. Thằng nhỏ có chỉ đạo viên tìm ra điểm yếu của tui”. Thu Bồn ngẩn người rồi nói: “Kỳ cục vậy. Chơi mà cũng chỉ đạo à!”.

 

“Chơi mà cũng chỉ đạo à!” - theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng, câu nói đó thể hiện bản tính hồn nhiên của Thu Bồn. Ông sống hồn nhiên đến tận những hơi thở cuối cùng. Nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Toàn, người ở bên Thu Bồn những phút cuối cùng, cho biết: “Đầu tháng 6/2003, anh vào bệnh viện Nguyễn Trãi. Anh ốm lắm, chỉ còn 37 ký. Thế mà Lý Bạch Huệ, vợ anh, nói anh 50 ký, anh vẫn tin. Và anh cũng tin mười ngày nữa là mình hết bệnh về nhà…”.

 

Sống hồn nhiên như thế, nên cả cuộc đời Thu Bồn cái gì ông cũng muốn tự làm lấy. Khi về sống ở Sài Gòn, ở số 6 Đặng Thái Thân (quận 5), trên mảnh đất này, ông đã tự tay cất nhà rông cho mình. Theo hồi ức của nhiều người, nhà rông ở mấy năm, ông lại phá đi cất lại. Những ngày cuối đời, ông về sống ở ngoại thành Sài Gòn, ông cũng tự tay cất nhà, trồng cây, đào ao thả cá… sống như đã sống, trước sau như một. Tính cách ấy đã làm nên một Thu Bồn nhà thơ vừa quyết liệt vừa trữ tình. Một trong những bài thơ cuối cùng, Thu Bồn viết: “Về đi em chợ chiều sắp vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình/ Non nước cách xa bạn bè lận đận/ Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình…”.

 

Nhắc đến ông dù 6 năm ngày mất hay lâu hơn nữa, người đọc vẫn không thể quên trường ca Bài ca chim chơ rao hay bài thơ trữ tình như Tạm biệt Huế. Thu Bồn mãi mãi còn trò chuyện với độc giả thông qua những tác phẩm của mình.

 

THANH KIỀU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek