Chủ Nhật, 06/10/2024 14:22 CH
Gốm Quảng Đức giữa thành phố Huế
Thứ Tư, 17/06/2009 19:05 CH

Trong không gian đậm nét văn hóa của Festival nghề truyền thống Huế năm 2009, tại cuộc triển lãm trưng bày cổ vật Dặm dài đất nước qua cổ vật, gốm Quảng Đức của Phú Yên hiện diện bên cạnh những dòng gốm cổ khác như một sản phẩm gốm độc đáo, ghi tên mình trên địa chỉ những làng gốm cổ của Việt Nam.   

 

gom-co-1-090617.gif
Ông Đoàn Phước Thuận (giữa) giới thiệu về gốm Quảng Đức với du khách
 

Lần đầu tiên, triển lãm Dặm dài đất nước qua cổ vật nhân sự kiện Festival nghề truyền thống lần thứ 3 diễn ra tại TP Huế từ ngày 12 - 14/6 hội tụ hầu hết các dòng gốm nổi tiếng trong cả nước, tồn tại suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Nếu như ở phía Bắc có gốm Bát Tràng - Hà Nội, Thổ Hà - Bắc Giang, Chu Đậu - Hải Dương, Bát Tràng, Nhung - Hà Nội, Phù Lãng - Bắc Ninh, Hạ Thái - Hà Nội; ở miền Nam có gốm Cây Mai - Biên Hòa, Bình Dương thì ở miền Trung có gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận, Gò Sành - Bình Định, Thanh Hà - Hội An, Châu Ô - Quảng Ngãi và Quảng Đức của Phú Yên.

 

Gần 2.000 cổ vật của 59 nhà sưu tầm cổ vật đến từ thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Hòa Bình, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Biên Hòa… làm nên cuộc hội ngộ độc đáo của những cổ vật tiêu biểu từ đồng bằng Bắc Bộ đến ven biển Trung Bộ và Nam Bộ. Trong không gian của cuộc triển lãm Dặm dài đất nước qua cổ vật, người xem có thể tìm thấy những cổ vật bằng gốm có từ những năm đầu công nguyên thuộc thế kỷ thứ I, thứ II như nhà bếp, nhà vườn bằng đất nung, đến gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm được xem là bảo vật đại diện cho văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, các triều đại phong kiến Việt Nam và những dòng gốm được sản xuất trong những năm đầu của thế kỷ XX.

 

Trong không gian trưng bày của khu triển lãm 15 Lê Lợi, bên bờ Nam sông Hương thơ mộng, 50 hiện vật gốm Quảng Đức gồm các loại thống, chậu, chóe, hũ, bình… trong đó nhiều hiện vật có kích thước lớn, hoa văn trang trí độc đáo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách tham quan. Rất nhiều người xem dừng lại ở những chum, thống gốm có đường kính gần 1m lần đầu tiên được nhìn thấy.

 

gom-co-090617.gif

Cổ vật gốm Quảng Đức thu hút sự chú ý của khách tham quan

 

Ông Matthias Wiesmann, một người Mỹ đang đầu tư kinh doanh du lịch tại Huế, nói: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều cổ vật của Việt Nam đẹp và độc đáo đến vậy. Tôi mong muốn có được vài món đồ cho khách sạn của mình. Không chỉ tôi mà rất nhiều người nước ngoài khác cũng cảm thấy rất thú vị khi tham quan những hoạt động đậm nét văn hóa như thế này trong khung cảnh rất Việt Nam. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất hứng thú với chiếc thống bằng gốm Quảng Đức của Phú Yên. Nó rất đặc biệt, đặc biệt cả về màu men và hoa văn trang trí với sự mộc mạc rất riêng. Tôi muốn có một chiếc để đặt ở khách sạn của mình”. Bà Nguyễn Thị Lựu, một người con của Huế khi tham quan triển lãm cũng hết sức ngạc nhiên. Bà nói: “Lâu nay chúng tôi cứ nghĩ rằng chỉ Huế mới có nhiều cổ vật và nhiều sản phẩm gốm sứ đẹp. Nhưng qua trưng bày, chúng tôi thấy trên mọi miền đất nước còn lưu giữ những dòng gốm cổ đẹp đến thế”.

 

Giáo sư - tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam rất thán phục khi tham quan triển lãm cổ vật và không gian làng nghề Việt Nam: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và rất cám ơn các nhà sưu tầm cổ vật. Họ đã cho chúng ta thấy lịch sử sáng tạo. Những cổ vật này đã cho thấy từ thế kỷ thứ I, thứ II người xưa đã có những sáng tạo. Và toàn bộ khán phòng triển lãm với hàng trăm cổ vật này đã tái hiện cho chúng ta một lịch sử sáng tạo về gốm, xem triển lãm ta như đang đọc một cuốn sử từ đầu đến cuối. Đây trước hết là văn hóa, là những tinh hoa, là truyền thống của dân tộc”. Về gốm Quảng Đức của Phú Yên, giáo sư - tiến sĩ Tô Ngọc Thanh nhận xét: “So với những dòng gốm cổ khác, gốm Quảng Đức của Phú Yên không đẹp bằng, song nó độc đáo ở kỹ thuật chế tác và đây là điều làm nên giá trị của gốm Quảng Đức. Với màu men xanh lam, với những hoa văn rất độc đáo, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào xác định kỹ thuật làm men của gốm Quảng Đức vì nó đã bị thất truyền. Về kỹ thuật chế tác, theo một số người lớn tuổi ở làng Quảng Đức và những nghiên cứu chưa đầy đủ trong thời gian gần đây thì để nung gốm Quảng Đức, người xưa đã dùng gỗ mằng lăng và vỏ sò trên đầm Ô Loan. Họ đã làm ra những sản phẩm độc đáo. Tôi nghĩ rằng rất cần thiết phải có một chương trình khôi phục nghề gốm Quảng Đức”.

 

Ông Đoàn Phước Thuận, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật tỉnh Phú Yên cho biết: Chúng tôi mong muốn đem đến triển lãm những hiện vật độc đáo do người Phú Yên làm ra. Đây là lần đầu tiên gốm Quảng Đức được đưa đi trưng bày, giới thiệu như một dòng gốm độc đáo của Phú Yên thế kỷ XIX mà lâu nay ít người biết đến. Điều chúng tôi rất vui mừng là khi đến với triển lãm của Festival nghề truyền thống lần thứ 3 tổ chức tại Huế, gốm Quảng Đức được giới nghiên cứu, sưu tầm cũng như du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Đây không chỉ là niềm tự hào của những nhà sưu tầm cổ vật của chúng tôi mà là niềm tự hào của người Phú Yên về gốm Quảng Đức.

 

  BIẾT 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khi ngôi sao PR
Thứ Ba, 16/06/2009 18:00 CH
Hè về
Thứ Ba, 16/06/2009 07:15 SA
Tôi đi “đánh dặm” khắp sông Sài Gòn
Chủ Nhật, 14/06/2009 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek