Thứ Sáu, 04/10/2024 04:27 SA
Nỗ lực bảo tồn thổ cẩm
Thứ Bảy, 03/06/2006 08:07 SA

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Phú Yên đã có từ lâu đời. Chiến tranh loạn lạc, nghề bị thất truyền một phần. Sau ngày giải phóng, những người già nắm giữ bí truyền, tiếc công cha ông đã dày công vun đắp một nghệ thuật tạo hình độc đáo nên đã tìm mọi cách gầy dựng, khôi phục nghề dệt thổ cẩm trong từng buôn làng. Tuy nhiên, lớp trẻ thời ấy cũng như bây giờ có ít người mặn mà, yêu thích công việc tỷ mẩn, mất nhiều thời gian này. Già làng La Chí Thái ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) trăn trở. Với nhận thức đơn giản, số đông thanh niên ở các buôn làng nghĩ rằng, trang phục thổ cẩm là cách ăn mặc của lớp người xưa, cái thời thiếu vải nên tổ tiên ông bà mới nghĩ ra cách làm vải quá rối rắm và phức tạp, phải kiên trì ngồi dệt từ “ngày này qua tháng nọ”. Không ít thanh niên cho rằng dệt thổ cẩm là công việc “lẩm cẩm” của người già. Còn mình, ráng làm thật nhiều tiền, ra chợ chọn vải, may mặc tùy thích. Do đó, từ 1995 trở về trước, chỉ còn số ít thôn buôn có khung dệt, phụ nữ biết dệt thổ cẩm thường từ 45, 50 tuổi trở lên.

 

060603-tho.jpg

Cơ sở học dệt do chị La Thị Bợ ở thôn Hà Rai hướng dẫn - Ảnh: M.M.T

 

Từ 1998, sức lan tỏa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến từng làng xã, thôn buôn vùng nông thôn, miền núi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc, bà con dân làng chú trọng và từng bước khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Những thôn buôn trước đây đã bỏ hẳn nghề dệt, giờ đã có vài hộ chăm chỉ ngồi gầy khung dệt. Đặc biệt trong 2 năm gần đây ở Đồng Xuân, Trường Dạy nghề đã liên tiếp tổ chức nhiều lớp học dệt thổ cẩm cho học sinh Trường Dân tộc nội trú. Hiện nay, trường đang tổ chức thí điểm các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh. Học viên là con em của đồng bào dân tộc thiểu số tuổi từ 14 đến 45. Hướng dẫn, chỉ bảo là những nữ nghệ nhân trên 20 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Khung dệt, sợi dệt (chỉ màu các loại) do nhà trường hỗ trợ. Nghệ nhân dạy dệt mỗi tháng được trả thù lao 500.000 đồng. Người học dệt được nhận sản phẩm do chính mình làm ra. Trường Dạy nghề huyện Đồng Xuân đã nghĩ ra cách khuyến dạy, khuyến học khá hấp dẫn nên thu hút số đông con em dân làng là nữ say mê theo học. Thôn Hà Rai có 40 học viên, được chia thành 2 lớp, tuần học 3 buổi do chị La Thị Bợ, vợ thôn trưởng Mang Thông đảm trách hướng dẫn. Chị Bợ cho biết: “Nói là tuần học 3 buổi, học vào giờ nghỉ và ban đêm, nhưng thấy mấy đứa ham học nên tôi hướng dẫn chỉ bảo lũ nó không kể giờ giấc”. Còn bà La Lan Thị Minh, 61 tuổi ở Xí Thoại đảm nhận một lớp có 20 học viên, học tập trung tại nhà rông văn hoá. Bà nói: “Năm trước, tôi được Trường Dạy nghề đưa xuống La Hai dạy cho học sinh Trường Dân tộc nội trú, giờ dạy tại làng, khỏi phải đi lại, khỏe hơn. Tôi dạy vì niềm vui, nghề dệt thổ cẩm của dân làng mình đã có lớp người nối nghiệp. Khi được hỏi vì sao lâu nay không học dệt, các em trả lời nghe mà tội nghiệp: “Vì không có tiền mua chỉ, không có người dạy!”. Đơn giản chỉ có vậy. Bởi trước đây, nghề dệt thổ cẩm chỉ lưu truyền trong những gia đình, dòng tộc khá giả; những con em nhà nghèo, lam lũ vì không có tiền mua chỉ mà không được học dệt. Bên cạnh đó cũng có một số ít người muốn độc quyền, giấu nghề.

 

Già làng Ma Ngoe kể rằng, ngày xưa để làm nên tấm vải thổ cẩm, nguyên liệu chính là những cây bông vải trồng trên nương rẫy. Từ những múi bông trắng tinh, người phụ nữ Êđê, Chăm Hroi, Bana… đã khổ công bắn bông kéo thành sợi, dùng vỏ cây lộc vừng tạo ra màu nâu, vỏ cây bút tạo màu đen…, làm thành những cuộn chỉ đủ màu để dệt nên những chiếc khố, chiếc váy hoa văn sặc sỡ màu sắc.

 

060603-det.jpg

Bà La Lan Thị Minh săm soi tấm vải vừa dệt xong - Ảnh: M.M.T

Trước kia, người Kinh dùng sợi dệt thành vải, nhuộm màu gụ, màu chàm khi may xong thành bộ, rồi mới trang trí thêu ren làm đẹp. Còn đồng bào dân tộc thiểu số, để có được chiếc khố, tấm váy, mọi việc phải được tính toán cùng lúc và ngay từ đầu, từ kích cỡ người mặc, hoa văn trên từng mặt vải (dây thắt lưng, đệm mông, hoa văn mặt trước, mặt sau…) Có nghĩa là những phụ nữ thợ dệt Êđê, Chăm Hroi, Bana cùng một lúc phải đảm nhận nhiều khâu, nhiều công đoạn phức tạp. Họ vừa là người thiết kế tạo mẫu hoa văn đồng thời cũng là những thợ dệt, thợ may, thợ thêu. Bằng trí tưởng tượng, bằng đôi tay khéo léo và dụng cụ thô sơ, dệt nên những tấm vải như tranh vẽ.

 

Mế La Lan Thị Minh cho biết: Bà được mẹ truyền nghề từ năm 10 tuổi, năm 15 tuổi bà đã biết dệt thành thạo. Trên 45 năm qua, dù sống trong điều kiện, hoàn cảnh nào bà vẫn mang theo bên mình khung dệt. Hàng ngày, xong việc ruộng nương, bà lại ngồi ngay vào khung dệt. Bà coi công việc dệt thổ cẩm là một cách nghỉ ngơi đặc biệt. Trên khung cửi, hàng ngàn sợi chỉ được căng thành thảm dọc, từng sợi một luồn theo hàng ngang tạo nên tầng tầng, lớp lớp hoa văn, họa tiết mà không cần phải nhìn vào hình mẫu có sẵn. Để tạo ra hoa văn, người dệt cần phải “thuộc làu” trong trí nhớ những công thức nhất định, đó là sự sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi dài hợp thành thảm dọc, trong quá trình đan những sợi ngang, các dải hoa văn sẽ hiện lên. Với công cụ dệt là những bộ phận rời, đơn giản, không giống khung cửi cố định của người Kinh, người Chăm (Ninh Thuận), phụ nữ các dân tộc miền núi Phú Yên đã sáng tạo phong phú các kiểu hoa văn gần gũi với đời sống thiên nhiên. Đó là hình những dãy núi chập chùng, suối sông lượn chảy, da rắn, tổ ong, lông chim, con cá, nụ hoa bí… được cách điệu. Có những họa tiết tạo nên những mảng màu đậm nhạt như công nghệ in. Điều đáng nể là phần đông thợ dệt nắm giữ công thức tạo hình đã lớn tuổi và không hề biết chữ!

 

MẠNH MINH TÂM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giữ lửa cho tuồng
Thứ Bảy, 27/05/2006 15:35 CH
Hạ màn “Gặp nhau cuối tuần”
Thứ Tư, 24/05/2006 14:29 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek