Thứ Sáu, 04/10/2024 04:36 SA
Về Bình Định xem nhạc võ Tây Sơn
Thứ Bảy, 03/06/2006 07:48 SA

Cho đến ngày nay, khoa học quân sự hiện đại vẫn chưa thể lý giải thoả đáng bí quyết hành quân thần tốc của đội quân Quang Trung khi tiến ra Bắc chiếm lại thành Thăng Long vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789. Nhưng chắc chắn rằng nhạc võ đã góp phần tạo nên sức mạnh như siêu nhiên của đội quân này.

 

060603-vo.jpg

Biểu diễn võ tại Bảo tàng Quang Trung

Chưa đến Bảo tàng Quang Trung xem biểu diễn trống trận Tây Sơn thì coi như chưa đến Bình Định”, nhiều người nói như vậy. Riêng tôi, dù đã 3 lần được xem biểu diễn trống trận và nhạc võ Tây Sơn nhưng mỗi lần đều có cảm nhận khác nhau.

 

10 giờ trưa, sau khi tham quan cây me, giếng nước, án thờ, những di tích của vị anh hùng áo vải cờ đào, chúng tôi đến sân khấu riêng biệt để xem biểu diễn nhạc võ. Một giàn trống trận bày sẵn và đội nhạc võ trong trang phục đỏ, thắt lưng vàng xuất hiện, dẫn đầu là một “nữ tướng” hơi luống tuổi, vóc người nhỏ nhắn, tóc búi cao. Mở màn là tiết mục “Đả thập nhị cổ” (đánh 12 trống) với sự phụ hoạ của chập cheng, bạt mõ và kèn sona (kèn bát âm). Từng tràng âm thanh rộn rã vang lên theo nhịp trống, lúc dồn dập, lúc thưa thớt xa vắng, lúc lại rộn ràng như đoàn quân thắng trận trở về. Với đôi dùi trên tay “nữ tướng” thoăn thoắt “đả” vào giàn trống 12 chiếc, thuần thục và điêu luyện như đang biểu diễn một bài quyền thuật. Khán giả như bị thôi miên, hút hồn theo nhịp tay múa và tiếng trống âm vang trầm bổng, chợt có cảm giác như đang đứng trong đoàn quân áo vải năm nào.

 

NHẠC NHƯ THẦN

 

Tương truyền, trước khi xuất quân ra Bắc, người anh hùng áo vải Quang Trung -  Nguyễn Huệ đã tập hợp binh sĩ, các võ sư trong vùng và dùng 18 môn binh khí để huấn luyện thế trận kết hợp với nhịp trống. Trống có tác dụng làm tăng hào khí cổ vũ mạnh mẽ tinh thần binh lính. Nhạc võ Tây Sơn là tuyệt kỹ “độc nhất vô nhị” trên thế giới, bắt nguồn và phát triển từ các điệu trống chiến trong nghệ thuật hát bội của người miền Trung. Quang Trung - Nguyễn Huệ rất đam mê hát bội và ông đã từng cùng với các tướng lĩnh diễn tuồng, lấy hát bội làm phương tiện giải trí và giáo dục binh lính. Có lẽ vì thế mà nhạc võ đã được phát triển đến độ tinh hoa dưới thời Tây Sơn. Trống trận Tây Sơn gồm có 3 hồi: hồi xuất quân, hồi xung trận và hồi khải hoàn. Hồi trống xuất quân nghe nhịp nhàng, rầm rập thôi thúc đoàn quân tiến tới. Hồi trống xung trận mang khí thế hùng mạnh, dồn dập thúc giục binh sĩ tiến lên phía trước giành thắng lợi vẻ vang. Cuối cùng là hồi trống khải hoàn, được chia thành hai chương nhỏ. Chương đầu nhẹ nhàng, hơi buồn, ảm đạm để tưởng vọng linh hồn các chiến sĩ đã hi sinh. Chương sau giòn giã, tưng bừng mừng chiến thắng khao quân.

 

Với tài điều binh khiển tướng cùng tiếng trống trận giục giã binh sĩ, Quang Trung -  Nguyễn Huệ đã tổ chức cuộc hành quân thần tốc và đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

 

“NỮ TƯỚNG” NHẠC VÕ

 

Ai đã từng đến Bảo tàng Quang Trung xem biểu diễn trống trận Tây Sơn đều nhớ đến vị “nữ tướng” với tiết mục “Đả thập nhị cổ”. Chị tên Nguyễn Thị Thuận, là hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn, kế thừa nghề biểu diễn trống trận Tây Sơn. Cha chị, ông Nguyễn Đào, vốn là người chịu trách nhiệm trông coi đền thờ Quang Trung và phụ trách nhạc lễ tế hàng năm. Chỉ có hai người con gái, không có con trai nên ông quyết định truyền nghề cho chị cả, con gái lớn. Lúc ấy, chị Thuận còn nhỏ, lại ốm yếu, nhưng với niềm đam mê, chị Thuận đã quyết tâm học và thuyết phục được cha. Làm quen với đôi dùi trống từ năm 10 tuổi nên với chị Nguyễn Thị Thuận, biểu diễn trống trận không chỉ đơn thuần là nghề nghiệp mà đó còn là tinh hoa của cha ông thể hiện qua thủ pháp điêu luyện của đôi tay, là máu thịt của người con đất võ.

 

Với 3 hồi trống trận “đả thập nhị cổ”, năm 1977 chị đã đoạt Huy chương vàng tại biểu diễn trống trận toàn quốc ở Nha Trang, rồi Huy chương vàng năm 1986 tại Hà Nội. Chị thường xuyên được mời tham gia biểu diễn trống trận trong những lễ hội lớn của đất nước. Giữa giàn trống, “nữ tướng” Nguyễn Thị Thuận trở nên linh hoạt lạ thường. Không chỉ đôi tay mà toàn thân chị uyển chuyển như một võ sĩ đi quyền. Chị đã truyền hồn mình vào từng nhịp bổng trầm, nhặt thưa của tiếng trống. Vậy nên, người nghe, người xem như thấy hiện lên trước mắt cảnh hành quân, xung trận của nghĩa quân Tây Sơn với tiếng gươm khua, ngựa hí hừng hực khí thế tiến công trời long đất lở...

 

45 tuổi đời, 35 năm cầm dùi trống chị Nguyễn Thị Thuận luôn mang theo bên mình lời di huấn của cha: “Dù thế nào thì cũng phải gìn giữ tinh hoa, khí phách của ông cha”. Vì thế, tuy gia đình khó khăn, thu nhập còn khiêm tốn chị Nguyễn Thị Thuận vẫn gắn đời mình với trống trận, với Bảo tàng mà không chút so đo. Tâm nguyện lớn nhất của chị là tìm người kế nghiệp để tiếng trống trận mang hồn quê hương đời đời vang mãi.

 

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giữ lửa cho tuồng
Thứ Bảy, 27/05/2006 15:35 CH
Hạ màn “Gặp nhau cuối tuần”
Thứ Tư, 24/05/2006 14:29 CH
Bắt đầu cuộc “đãi cát”
Thứ Tư, 24/05/2006 08:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek