Thứ Sáu, 04/10/2024 04:27 SA
Giữ lửa cho tuồng
Thứ Bảy, 27/05/2006 15:35 CH

Rót xong chén trà mời khách, ông Bảy Trừ cười khề khà: “Hồi nẳm, sắp tui còn trẻ ưa hát tuồng lắm. Nhưng giờ thì lâu lâu mới được coi một vở trên ti vi, lại thấy nhớ hồi đó, nên mới  tụ tập lại hát cho nhau nghe, vậy thôi!” “NÓI TUỒNG”

 

060527-tuong.jpg

Một đêm diễn của CLB văn hóa văn nghệ huyện Phú Hòa -Ảnh: Thúy Hằng

Một tháng đôi lần, ông Bảy Trừ ở Ân Niên (Hoà An), ông Ba Hởi, Bảy Phùng ở Qui Hậu (Hoà Trị), ông Năm Chu ở Đông Bình (Hoà An) huyện Phú Hòa và ông Năm Độ ở Ngọc Lãng, Bình Ngọc (TP Tuy Hoà) tụ họp lại, trước là hỏi thăm sức khoẻ gia đình, mùa màng, sau là tổ chức hát tuồng. Chỉ cần một bình rượu, vài hạt đậu rang, cây đàn nguyệt và hai tách trà để giữ nhịp là các ông đã say sưa với câu phú, câu khách và điệu Nam xưng, Nam ai… trong các đoạn tuồng Ngũ Hổ Bình Tây, Trại Ba công chúa, Đào Băng Tâm, Mã Thành Long… Những lần như thế, cái sân gạch của nhà ông Bảy Trừ lại chật đầy khách, từ đám trẻ con thấy là lạ, tò mò đến xem cho tới những người già trên 60 tuổi trong xóm. Bởi từ lâu lắm, cái sân kho của hợp tác xã không còn đoàn tuồng nào về biểu diễn, trên những lối đi cỏ dại đã mọc đầy. Còn trên ti vi, lâu lâu mới phát một vở tuồng. Vì thế, người già trong làng muốn nghe hát tuồng cho “đã tai” cũng đành chịu.

 

Nói đến nghệ thuật tuồng, người ta nhắc đến ba yếu tố không thể thiếu là: thanh, sắc và bộ. Thanh là giọng hát, Sắc là diện mạo, Bộ là điệu bộ, diễn xuất. Thông thường một vở tuồng chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đủ kép- đào (diễn viên nam và diễn viên nữ). Riêng ông Bảy Trừ và các bạn của mình thì: “Không cần sắc, cũng chẳng cần bộ, còn thanh có bao nhiêu thì “xài” bấy nhiêu. Không có đào thì lấy kép thay đào. Ai thuộc lớp tuồng nào thì hát lớp ấy. Cứ ngồi mà hát. Lúc cao hứng thì đứng dậy khoa tay, múa chân. Và chẳng cần mang râu, đội mũ, vẽ mặt. Tụi tui không dám gọi đấy là hát bộ, hát tuồng hay diễn tuồng, mà chỉ có thể gọi là nói tuồng thôi”. Những người già đến đây nghe tuồng cũng không đòi hỏi gì hơn. Với họ, được nghe lại câu hát bộ ứ ự  từ tháng năm xưa cũ đã thấy vui rồi. Ông Bảy Trừ cười, nếp nhăn trên gương mặt như giãn ra: “Những đêm trăng thanh gió mát, sắp tui tập trung ngồi lại chơi như vậy cho vui tuổi già, cho đỡ nhớ cái thời trai trẻ. Mỗi khi hát, tui thấy thoải mái lắm. Nhiều hồi nằm chiêm bao, lại thấy mình hát nữa chớ”. Rồi ông khoe “tài sản” là những câu hát tuồng được chép trong một quyển sổ cũ dày cộm mấy năm gần đây: “Bà nhà tui cứ càu nhàu khi thấy tui đi làm ngoài đồng về là ngồi hí hoáy ghi chép không kể giờ giấc. Lúc đấy, tui không thấy mệt gì hết mà còn thấy vui nữa. Tui luôn mong muốn huyện thành lập một câu lạc bộ hát tuồng để lâu lâu đi diễn phục vụ bà con”. Đó là mơ ước của ông cùng những người bạn của mình và bây giờ nó đã thành sự thật.  

 

“DUYÊN NỢ” VỚI TUỒNG

 

Tôi vẫn còn nhớ những đêm Câu lạc bộ văn hoá văn nghệ truyền thống (còn gọi là CLB 10-5) của huyện Phú Hoà diễn ở các xã Hoà Quang Nam, Hoà Quang Bắc, Hoà Định Đông, Hoà Hội…. Ánh sáng điện tỏ rạng khu đất trống trên sân cỏ đá banh, sân kho, trụ sở xã... Bên dưới sân khấu dã chiến, hàng trăm người dân già, trẻ, lớn, bé hầu như có mặt đông đủ. Ánh mắt của những đứa trẻ pha chút ngạc nhiên lẫn lạ lẫm, còn người già thì cười rạng rỡ… Diễn viên là những nông dân chân lấm tay bùn quanh năm cần mẫn bên những mảnh vườn, thửa ruộng. Chỉ qua một ít son phấn điểm trang dưới ánh đèn sân khấu, bỗng chốc hoá thành một nàng công chúa tài sắc vẹn toàn, một ông vua hiền đức, một tên nịnh thần gian manh… Những tràng pháo tay vang lên giòn giã… Quanh họ hình như  không là thực tại, mà là không gian của tâm tưởng, của nỗi niềm những nhân vật trong tuồng xưa tích cũ. Bà cụ Lê Thị Mùi ở Hoà Quang Bắc, 80 tuổi lọ mọ chống gậy đi coi hát tuồng cùng với đứa cháu 10 tuổi. Bà cười lộ ra hàm răng đã rụng gần hết: “Hồi còn trẻ, bà coi hát bộ ở xã miết. Bây giờ, thiệt lâu lắm mới có được một đêm hát bộ như vầy. Thấy vui lắm, cháu à!”.

 

Ông Lê Hữu Phước, Chủ nhiệm CLB cho biết: Tuy phục trang, đạo cụ không đầy đủ và “diễn viên” thì không giỏi như đoàn tuồng chuyên nghiệp, nhưng bù lại, điểm mạnh CLB 10-5 là thoả mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của bà con. CLB ra đời nhằm lưu giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống như hát tuồng, cải lương, bài chòi… Tuy CLB do Hội người cao tuổi thành lập, nhưng cũng có những người chỉ mới trên dưới 30 tuổi tham gia. 25 thành viên đến với CLB đều xuất phát từ lòng yêu mến nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

 

Ông Lê Văn Hởi ở Hoà Trị tuy đã ngấp nghé tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn nhờ đám con cháu chở gần 10 cây số đến điểm tập vở mới của CLB. Ông kể, hồi 16-18 tuổi, không có đêm nào ông bỏ những buổi hát tuồng trong thôn. Những vở diễn ca ngợi tình yêu đất nước, lòng hiếu nghĩa vẹn toàn, thủy chung son sắt của những con người chân chính, đồng thời phê phán sự gian ác lộng quyền hãm hại dân lành của bè lũ tham quan nịnh thần đã ăn sâu vào trí nhớ của ông. Coi riết rồi mê, rồi nhớ. Để đến khi gánh hát ra đi, ông thấy như thiếu vắng một điều gì đó, bâng khuâng và hụt hẫng. Còn Đặng Ngọc Anh, 35 tuổi, khá trẻ so với những người trong CLB thì đến với tuồng rất ngẫu nhiên: “Nghe hát tuồng trên ti vi, thấy hay hay nên mình thích, vậy thôi”.

 

Chị Đào Thị Thu Sen ở Đồng Lãnh (Hoà Quang Bắc) là người đảm nhận tất cả những công đoạn như dàn dựng vở tuồng, vẽ mặt, phục trang và là đào chính trong  các vở diễn. Chị thuyết phục cả “ông xã” của mình tham gia CLB. Anh Võ Công Chánh chồng chị, nói: “Tui không biết nhiều về tuồng nhưng nghe bả hát hoài, thấy hay hay nên gia nhập luôn”. Chị Sen coi tuồng giống như  duyên nợ của mình… Chị là “con nhà tông”. Hồi trước giải phóng, cha mẹ chị là nghệ sĩ trong đoàn tuồng Thống Nhất của tỉnh. Từ nhỏ, chị đã được cha truyền dạy hát tuồng. Hát từ năm lên 8 tuổi đến năm 16, chị trở thành đào chính của đoàn đi lưu diễn khắp nơi trong tỉnh. Chị Sen tâm sựï: “Cha mẹ tôi cả một đời gắn bó với tuồng, vì hoàn cảnh mà tôi không theo đuổi được…”.

 

Thế nhưng ngọn lửa tuồng trong chị không hề nguội tắt. Những năm gần đây, con cái trưởng thành, không còn bận bịu chuyện gia đình, chị có dịp đi diễn phục vụ bà con. Biết vẫn còn nhiều người yêu mến câu hát tuồng ngày xưa của thời ông bà cha mẹ mình, chị cảm thấy thật hạnh phúc. Chỉ cần nhìn những gương mặt háo hức chờ đợi, những tràng pháo tay giòn giã, chị lại thấy mình được thăng hoa. Lại cảm thấy hạnh phúc tràn về trong từng câu hát…

 

VĨ THANH

 

Tuồng là bộ môn nghệ thuật có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất, từng là niềm vui tinh thần trong triều nội, được nâng lên thành loại hình nghệ thuật bác học dưới triều Nguyễn… Rồi tuồng lan tỏa sâu rộng trong đời sống sinh hoạt của người dân và trở thành món ăn tinh thần vô giá…Thế nhưng giờ đây, trong nền kinh tế thị trường, sân khấu truyền thống này phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật vui chơi giải trí khác. Và tuồng đang mất dần vị thế của mình trong lòng công chúng, đặc biệt là lớp công chúng trẻ. Người ta không còn hiểu được những điển tích tuồng và dần dần thờ ơ…

 

Nhiều người tâm huyết lo lắng không biết tuồng liệu còn tồn tại được bao lâu nữa? Thật ra nó tồn tại trong tâm thức của nhiều người dân. Đây là những người giữ lửa cho tuồng sống mãi. Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên tâm sự: “Nền nghệ thuật truyền thống nói chung và tuồng nói riêng không được quần chúng yêu mến như 10 năm trước đây. Tôi nghĩ nếu tuồng không đi vào dân gian, không có những cải biên cho phù hợp thì không ổn. Quần chúng có yêu mến nghệ thuật tuồng thì nóù mới sống thật được…”.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hạ màn “Gặp nhau cuối tuần”
Thứ Tư, 24/05/2006 14:29 CH
Bắt đầu cuộc “đãi cát”
Thứ Tư, 24/05/2006 08:11 SA
Nhan sắc văn chương trẻ
Thứ Bảy, 20/05/2006 09:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek