Thứ Sáu, 04/10/2024 06:30 SA
Mí Lan - người giữ những lời ca của núi rừng
Thứ Tư, 24/05/2006 08:22 SA

Lên Sơn Hoà, tới buôn Độc Lập A, xã Ea Chà Rang để tìm Mí Lan, người hát sử thi khá nổi tiếng thì nghe một phụ nữ “mách” bằng tiếng Kinh lơ lớ “Mí Lan mới đi hát ở Sài Gòn dzìa, đang có nhà ở đấy”.

 

060524-milan.jpg

Mí Lan đang dệt thổ cẩm dưới nhà sàn - Ảnh: Lâm Vy

Thì ra Mí đang ngồi dệt vải dưới chân nhà sàn. Người dong dỏng, nhỏ nhắn, đặc biệt Mí có nụ cười phúc hậu và hồn nhiên như trẻ thơ. Khi nghe chúng tôi hỏi Mí có thường hát sử thi cho mọi người trong buôn làng nghe không, Mí cười: “Cũng ít. Khi nào mấy đứa trẻ trong nhà thích thì tui mới hát cho tụi nó nghe. Bây giờ có điện rồi, trên ti vi nó phát nhiều mục hay nên ai cũng thích coi, chẳng muốn nghe kể chuyện đời xưa nữa”. 

 

Ngày trước, bà nội của Mí Lan là người hát sử thi hay nhất vùng. Người trong buôn, mỗi lần muốn nghe hát thì phải đi ra suối xách nước hoặc giã gạo cho bà. Tối đến, bên bếp lửa nhà sàn, bà hát, hát cho đến khi tàn bóng đêm, mặt trời lại mọc. Lễ hội nào của buôn làng, bà cũng được mời, mang theo những câu chuyện đầy hứng thú về núi rừng, về cuộc sống, những câu chuyện kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Và Mí Lan, khi ấy là khán giả trung thành nhất. Có những câu chuyện nghe kể đến hai ba lần mà không biết chán. Ở tuổi đôi mươi, mí đã thuộc lòng nhiều sử thi. Và Mí hăng hái tham gia đội văn công của buôn làng. Sau khi lập gia đình, bận bịu con cái nên Mí Lan không có thời gian dành cho đội văn nghệ. Thỉnh thoảng bà kể sử thi cho con cháu nghe, “nhưng rồi sáng mai biểu kể lại thì chẳng đứa nào nhớ được một phần bài” - Mí cười, nụ cười hiền khô.

 

Cũng như nhiều phụ nữ Êđê thuộc thế hệ trước, Mí Lan không biết năm sinh của mình, không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu mùa rẫy. Mí cũng không tính được mình đã thuộc bao nhiêu trường ca, chỉ biết là nhiều lắm. Có những bài, dù đã chồng chất thời gian, Mí vẫn thuộc làu, như: H’Chú, H’Dou, Hòn Y Tiên. Đó là những câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của đồng bào với thiên nhiên hoang dã, với thú dữ.

 

Những câu chuyện của buôn làng, của núi rừng ngày xưa thưa dần trong những đêm trăng, trong những nếp nhà sàn. Mí Lan ít có dịp làm người kể chuyện. Bây giờ, Mí không có những khán giả như nội của Mí ngày xưa. “Ban ngày tụi nó đi học, lên rẫy, tối về xem ti vi, không đứa nào chịu khó ngồi nghe chuyện xưa nữa” - Mí nói về con cháu Mí.

 

Ngày nọ, có mấy ông cán bộ ngành văn hoá đi sưu tầm sử thi tìm đến nhà Mí. Mí Lan lại được hát sử thi, giọng của Mí được ghi âm. Lúc đó, dù không có nhiều khán giả nhưng Mí vẫn hát rất hào hứng, vì biết rằng tiếng hát sẽ được lưu giữ để làm tư liệu, làm “vốn” cho con cho cháu sau này. Từ đó, Mí thường được mời tham gia và làm người kể chuyện xưa trong các liên hoan văn hoá các dân tộc. Mới đây, mí vô tận TP Hồ Chí Minh để hát sử thi. Sân khấu rất lớn, rất đẹp, khán giả có cả ngàn người. Vậy mà lạ chưa, Mí không thấy run một chút nào. Vì Mí muốn hát, muốn kể cho những người ở rất xa biết câu chuyện của buôn làng, của đồng bào. Mí lại cười, nụ cười hiền khô: “Tui thích lắm. Được gặp nhiều người từ nơi khác tới, được chụp hình, hát xong thì mọi người vỗ tay. Tui thấy vui lắm và muốn hát nữa”.

 

            TRẦN THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek