Chủ Nhật, 06/10/2024 11:25 SA
Dặt dìu giai điệu nơi đất trời Kinh Bắc
Thứ Hai, 06/04/2009 17:24 CH

Tối 5/4, những làn điệu dân ca đã vang lên quấn quýt đất trời Kinh Bắc - “một trong những ngọn nguồn sâu thẳm của dân ca Việt”. Người yêu dân ca có dịp thưởng thức quan họ, ca trù, hát xẩm, hát chèo, hát ví, hát văn, hát ru… - những vốn quý đã làm nên nét đặc sắc của văn hóa vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Đêm chung kết đầu tiên Liên hoan Dân ca Việt Nam 2009 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh).

 

lien-hoan-1.jpg
Bóng xế dãi thềm - Tiết mục đoạt giải A của đoàn Bắc Ninh

 

Vượt qua vòng loại, 15 tiết mục dân ca của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ góp mặt trong đêm chung kết đầu tiên Liên hoan Dân ca Việt Nam 2009. Khán giả truyền hình nghe những câu quan họ dìu dặt vang lên nơi đất Kinh Bắc, lại thấy những cô gái với nón thúng quai thao, khăn mỏ quạ, áo mớ bảy mới ba lúng liếng câu hát và mời trầu cánh phượng. Đắm chìm trong dòng cảm xúc về tình yêu, những người không am hiểu lắm về điệu thức của dân ca cũng cảm nhận vẻ đẹp mượt mà, lãng mạn của tiết mục Đối đáp Trống quân (đoàn Hưng Yên), Soọng cô - Giao duyên (dân ca Sán Dìu) và cả những khắc khoải, cồn cào trong Hát nói dở gửi thư (hát ca trù - đoàn Hà Nội)… Người nghe gặp lại một Hà Nội 36 phố phường trong tiết mục Xẩm 36 phố phường (đoàn Hà Nội), theo làn điệu xoan mà về đất Tổ vua Hùng, vịn vào câu hát Ru ụn - Ru em để lên xứ Mường, nghe Mái hò 2 mà cảm nhận hát dậm Quyển Sơn, trở lại đất Kinh Bắc để nghe hai nghệ nhân lớn tuổi hát quan họ Bóng xế dãi thềm. Những sự tích gắn với một vùng đất, gắn với cuộc sống của người Việt xưa ẩn hiện trong tiết mục hát dóng Hát múa cửa đình hay trong tiết mục hát văn Giá chầu Đệ nh Thượng ngàn…

 

Những làn điệu ra đời trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt đời thường đã vượt qua lớp lớp thời gian với bao biến động để ngày càng lấp lánh trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt. Những làm điệu đó được các nghệ nhân, diễn viên thể hiện thật ấn tượng trong cuộc hội ngộ của dân ca vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ. Được trình diễn trong đêm chung kết này có không ít bài dân ca lời cổ, như Bóng xế dãi thềm, Tuấn Khanh (hát quan họ), Tuyết dạt sông Thương (hát chèo), Hát nói dở gởi thư, Phú Lưu Bình (hát ca trù), Giá chầu Đệ nhị thượng ngàn (hát văn). Có tiết mục nguyên gốc, được gìn giữ, bảo tồn từ 800 năm nay, như Hát múa cửa đình.

 

Góp phần dệt nên những sắc màu dân dã mà độc đáo cho đêm chung kết đầu tiên Liên hoan Dân ca Việt Nam là những nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Trong tốp nghệ nhân đến từ làng Thượng Liệt, có người đã bước vào tuổi 80, tóc bạc phơ. Đoàn Phú Thọ có nghệï nhân Nguyễn Ngọc Bảo, 74 tuổi, song vẫn thể hiện rất có hồn tiết mục Hát đối dãy cách (hát xoan). Còn với tiết mục hát ca trù Hát nói dở gửi thư, giọng ca 15 tuổi Nguyễn Kiều Anh của đoàn Hà Nội đã chinh phục người xem, làm họ không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

 

Liên hoan Dân ca Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Liên hoan lần thứ ba này được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1: tổ chức tuyển chọn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giai đoạn 2 gồm 6 đêm chung kết khu vực, được tổ chức đầu tiên tại Bắc Ninh, tiếp đến là các khu vực: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và cuối cùng là khu vực vùng núi phía Bắc, dự kiến vào ngày 24/5; tất cả các đêm chung kết khu vực đều được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3. Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Lê Văn, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức liên hoan, cho biết: "Mục đích chính của chúng tôi là đưa bản sắc văn hóa các dân tộc đến với công chúng, duy trì và phát triển phong trào hát dân ca ở các địa phương".

 

NHỮNG TIẾT MỤC ĐOẠT GIẢI

 

2 GIẢI A:

 

- Hát nói dở gửi thư  (ca trù lời cổ). Biểu diễn: Nguyễn Kiều Anh, 15 tuổi (Hà Nội).

 

- Bóng xế dãi thềm (quan họ lời cổ). Biểu diễn: Nguyễn Thị Sang - Nguyễn Thị Thềm (Bắc Ninh)

 

4 GIẢI B:

 

- Xẩm 36 phố phường (hát xẩm). Biểu diễn: Bùi Văn Phòng (Hà Nội)

 

- Tuyết dạt sông Thương (chèo lời cổ). Biểu diễn: Quách Thị Hồng Xiêm, 16 tuổi (Thái Bình)

 

- Tuấn Khanh (quan họ lời cổ). Biểu diễn: Nguyễn Phú Hiệp - Nguyễn Đăng Nam (Bắc Giang)

 

- Giá chầu Đệ nhị Thượng ngàn (hát văn lời cổ). Biểu diễn: Trịnh Văn La (Nam Định)

 

6 GIẢI C:

 

- Mái hò 2 (hát dậm Quyển Sơn). Biểu diễn: Nguyễn Việt Dũng (Hà Nam)

 

- Đối đáp Trống quân (dân ca Bắc Bộ). Biểu diễn: Lê Huyền Trang – Nguyễn Hoàng Tùng (Hưng Yên)

- Hát đối dãy cách (hát xoan). Biểu diễn: Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bảo, 74 tuổi (Phú Thọ)

 

- Lại say (hát ca trù – thơ Tản Đà). Biểu diễn: Đặng Thị Nhinh (Hải Dương)

 

- Phú Lưu Bình (hát ca trù lời cổ). Biểu diễn: Nguyễn Thị Hồng Thắm (Vĩnh Phúc)

 

- Cái duyên (dân ca Hà Nam ). Biểu diễn: Nguyễn Thị Hải Yến (Hà Nam)

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek