Chủ Nhật, 06/10/2024 11:24 SA
Nhà văn Lý Lan:
Nhà văn Việt Nam có thể viết sách ăn khách kiểu “Harry Potter”
Chủ Nhật, 05/04/2009 15:00 CH

Nhà văn Lý Lan là người dịch bộ truyện thiếu nhi ăn khách nhất thế giới Harry Potter sang tiếng Việt. Chị vừa xuất bản tập truyện ngắn Hồi xuân (NXB Văn nghệ) còn thơm mùi mực, nhân dịp này nhà văn Lý Lan đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện.

 

ly-lan-090404.jpg

Nhà văn Lý Lan

 

TÀI NGUYÊN LỊCH SỬ, VĂN HÓA VIỆT

 

* Chị dịch Harry Potter từ đầu đến cuối, mới nhất là cuốn sách viết về thế giới phù thủy cuối cùng của J.K.Rowling. Dịch tức là đọc rất kỹ một tác phẩm, chị thử “so sánh” về “tài năng” của nhà văn ta với J.K.Rowling trong việc cho ra một cuốn sách hút hồn độc giả nhí như vậy?

 

- Tôi không làm chuyện “so sánh” về “tài năng” của nhà văn, dù dùng chữ trong ngoặc kép. Nếu đặt vấn đề chúng ta có thể làm được một tác phẩm ăn khách kiểu Harry Potter như của bà J.K.Rowling hay không, thì tôi nghĩ là trong phạm vi cộng đồng nói tiếng Việt thì có thể. Thực tế là trên khắp thế giới người ta đã “bắt chước” bà Rowling từ khi Harry Potter đang thịnh hành 5, 7 năm trước, nhưng không ai thành công như bà về lượng phát hành và tầm cỡ thế giới. Có những bộ sách nhái Harry Potter cũng bán được vài triệu bản ở Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam nếu một quyển sách nào bán được vài chục ngàn bản thì kể như là ăn khách, là thành công về mặt thương mại rồi. Còn đặt vấn đề nổi tiếng toàn cầu như bà Rowling thì tôi nghĩ chúng ta bất lợi hơn vì chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh phổ cập toàn cầu. Chúng ta có những tài nguyên lịch sử, văn hóa khổng lồ như những mỏ quặng mà nếu biết khai thác sẽ có thể tinh luyện thành những tác phẩm có giá trị.

 

* Chị đã từng nói rằng: Vì không có người đầu tư nên chị chưa chú trọng viết sách giải trí cho thiếu nhi. Theo chị “đầu tư” ở đây nên được hiểu như thế nào?

 

- Lâu nay, các hội nhà văn thường đầu tư cho hội viên bằng cách cấp cho họ một số tiền. Tôi không nghĩ trợ cấp là đầu tư cho nhà văn. Nếu cần vài chục triệu để khỏi lo cơm áo trong vài tháng để viết, tôi tự lo được. Nói “đầu tư” là nói chuyện kinh doanh lớn: Muốn có sản phẩm chiếm được thị trường rộng thu lợi nhuận nhiều thì phải đầu tư lớn từ A đến Z, từ nguồn sản xuất đến người tiêu dùng, mà khâu chế tác sản phẩm chỉ là một công đoạn chịu sự chi phối chặt chẽ của các khâu nghiên cứu thị trường, cung cấp nguyên vật liệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, phân phối hàng hóa, dịch vụ bảo hành. Thí dụ, tôi muốn viết về trẻ em đường phố, “nhà đầu tư” có nghiên cứu thị trường thấy rằng hiện tượng trẻ em bỏ nhà đi bụi là mối quan tâm của phụ huynh và các nhà giáo dục hiện nay sẽ tìm cách tạo điều kiện cho nhà văn tiếp cận được thực tế tình trạng này và hiểu biết nỗi quan tâm của  những người-tiêu-thụ-tiềm-năng là các phụ huynh, nhà giáo dục, người quan tâm đến trẻ em, đến xã hội, hay làm công tác xã hội. Nếu đầu tư giỏi vào một sản phẩm giải trí thì người ta coi trọng chuyên môn trong từng khâu tìm hiểu thị trường đến quảng bá phân phối sản phẩm. Ấy là chúng ta đang nói chuyện làm sách bán chạy. Muốn có những tác phẩm văn học không nhắm vào thị trường là chuyện khác. Nếu ở trong tầm ngắm của người “đầu tư” chuyên nghiệp thì tôi cũng sẽ thử viết một bộ sách “ăn khách” để kiếm tiền. Ngược lại, tôi cứ viết điều tôi nghĩ và cái tôi thích, bất chấp thị trường, chẳng khoái hơn sao?

 

NHÀ VĂN TA ĐANG BỊ CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG “ỨC HIẾP”

 

* Chứ không phải chúng ta chưa có những tác phẩm “hoành tráng” bởi vì nhuận bút cho nhà văn rẻ như bèo?

 

- Nhuận bút sách hiện nay quả thực là thấp, vì nhà văn bị ức hiếp quá trong cơ chế thị trường lẫn cơ chế hành chính hiện nay. Một thí dụ: sách “luộc”, sách giả, sách lậu, bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là sự ăn cắp lợi nhuận chính đáng của nhà văn. Tôi không dùng chữ “hoành tráng” để miêu tả sách, tôi chỉ nhấn mạnh là sách ở xứ nào cũng có sách nhắm vào thị trường, coi “bán chạy” là tiêu chí hàng đầu, nhưng đồng thời có nhiều sách khác hướng đến những tiêu chí khác. Cho nên không phải người viết sách nào cũng lấy tiền làm thước đo công việc mình làm. Một cuốn sách ăn khách có thể không có giá trị gì đối với những người không thích a dua theo bầy đàn. Một cuốn sách được viết theo những tiêu chí bất kể thị trường có thể đem lại những điều khác hơn tiền bạc. 

 

* Thưa chị, nhà văn mà sáng tác theo định hướng thị trường như vậy có bị coi là làm hàng “chợ” không?

 

- Tôi hiểu “thị” trong thị trường là “chợ”, nhưng “hàng chợ” theo nghĩa thông dùng là hàng sản xuất quấy quá, số lượng nhiều, bán rẻ. Tôi thích chợ vì tính đại chúng và năng động của nó, còn hàng chợ thì gặp lúc nghèo cũng xài đỡ. Đời sống đa dạng, phong phú, mà tôi thì thích nếm trải. Trẻ em mau lớn, mua áo quần “hàng chợ” mặc vài tháng đã thấy chật, bỏ đi mua áo khác, không hề gì. Người viết đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội bằng lao động phù hợp với thù lao là điều chấp nhận được.

 

“PR” CÀNG TINH VI, CHUYÊN NGHIỆP CÀNG THÀNH CÔNG

 

* Nhưng hiện nay, sách muốn bán chạy phải biết “PR”, quảng cáo… trong khi nhà văn ta lại rất lơ mơ trong các khâu này?

 

- “PR”, quảng cáo, tiếp thị là những nghề cần có chuyên môn, là những môn được đào tạo ở các trường đại học và trường chuyên nghiệp. Ai có năng khiếu hay chuyên môn về nghề này thì chọn nghề này sống dễ hơn viết văn. Nhà văn ngày nay muốn có thị trường cho sách mình viết thì không thể không “PR”, hay lăng xê, quảng cáo. Càng tinh vi, càng chuyên nghiệp, càng nổi đình nổi đám, càng thành công. Trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới, cũng như trong các ngành kinh doanh khác, vai trò quảng cáo rất quan trọng. Tôi thấy ngành xuất bản ở nước mình đang tìm cách vươn tới tầm kỹ nghệ, chắc chắn việc quảng cáo chuyên nghiệp sẽ có vị trí của nó. Vị trí nhà văn trong công nghệ xuất bản là chế tác đạt chuẩn sản phẩm trong quy trình, chuyện khác có người khác lo. Nhà văn giữ được vị trí ở ngoài guồng máy để sáng tạo độc lập phải có bản lĩnh và phải chấp nhận cuộc chiến đấu của Don Quichotte.

 

* Xin cảm ơn chị.

 

THANH KIỀU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek