Thứ Hai, 07/10/2024 04:31 SA
Một góc của chiến tranh (*)
Thứ Bảy, 28/02/2009 14:30 CH

Nói đến tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng trên mảnh đất Phú Yên, bạn đọc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong số hiếm hoi ấy, tiểu thuyết Bên gốc me già của tác giả Phương Yến là một tác phẩm khá đồ sộ, nhất là về số trang (2 tập với ngót ngàn trang in). Cuối năm 2008, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản tập hai Bên gốc me già. Cuốn tiểu thuyết tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, một đề tài mà tác giả vừa là người quan sát, vừa là người trong cuộc, đã nặng lòng ấp ủ từ lâu, nay được tái hiện một cách trọn vẹn.

 

Sach.j090228.jpgTiếp nối tập 1 (do Hội Liên hiệp VHNT Phú Yên xuất bản năm 2005), tập 2 Bên gốc me già lấy bối cảnh Hiệp định Paris đã được ký kết. Ta và địch đang trong thế cài răng lược, lấn đất giành dân từng tấc một. Tác giả chọn góc nhìn từ phong trào của một xã, xã Phụng, để khái quát chiến trường Phú Yên:

 

“...Trong ánh đèn dù của địch bắn lên sáng như ban ngày cả thôn Lẫm hiện lên như một đường cong chạy dài từ con đường liên tỉnh đến gò Lớn. Hai xóm của thôn Lẫm là xóm Thượng và xóm Hạ được nối với nhau bằng gò Lẫm (cái gò chỉ dài bằng nửa gò Lớn). Ở mối đường xóm Thượng ra gò Lẫm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được cắm trên ngọn tre khá cao đang tung bay phần phật trong gió. Mối đường từ xóm Hạ ra gò Lẫm lá cờ có ba sọc đỏ vàng của Mỹ-Thiệu cũng đang uốn lượn trên chiếc cột sắt cao lênh khênh. Cả hai lá cờ bay đối diện nhau như thách thức nhau, như xô đẩy nhau để rồi truyền lệnh cho quân của mình xông lên tiêu diệt đối phương”.

Và trong bối cảnh ấy, mảnh đất này bị cày nát bởi đạn bom khốc liệt:

 

Liên tục những loạt pháo 105 ly, 106 ly của địch từ nhiều trận địa pháo bắn đến khiến màn đêm như bị xé rách ra bởi ánh chớp của đạn pháo cùng mảnh pháo bay xoay xoáy chém vào mái tôn xoang xoảng, vào những thân tre và thân cau, khiến cau cũng như tre bị chém gãy vặn mình kêu răng rắc rồi đổ ào xuống vườn cây, mặt đường...

 

Tác giả như căng mình ra cùng trận địa:

 

Đột nhiên ánh chớp chói lòa cùng tiếng nổ rung giật vang lên khiến không gian như bị xé rách ra, mặt đất như vồng lên lõm xuống và nứt rạn khiến mọi người bất ngờ bị dồn ép nằm bẹp xuống đất. Đất đá bị đào xoáy và hất tung lên trời bay rơi xào xào trong tiếng xé rít của những mảnh bom như muốn chém nát da thịt của từng người, muốn băm gãy xương cốt từng người.

 

Trong tập 1, nhân vật chính là cô nữ bí thư Mai hy sinh ở những trang cuối sách, tạo một ấn tượng mạnh cho bạn đọc khi khép sách lại, làm cho người ta day dứt khôn nguôi về những tổn thất về người trong cuộc chiến một mất một còn với địch. Sang tập 2, không khí chết chóc vẫn bao trùm, nhưng điều đáng nói là người dân đã dạn dày khói lửa, biết chấp nhận hy sinh để hướng về mục đích chung:

 

Má của Trinh lau nước mắt ngồi thẳng dậy nhìn về phía má Hai Hiền giọng đã bình tĩnh lại:

 

- Con Trinh nhà tôi hy sinh tôi đau hơn dao cắt ruột. Nhưng cũng phải quy về mệnh trời cho nó sống chỉ được có nhiêu đấy, nghĩ vậy tôi cũng đỡ tủi thân. Nó hy sinh cho nghĩa làng, nghĩa nước, được đồng đội chôn cất nó mồ yên mả ấm là được rồi. Bọn con Liên cũng như con Trinh con gái tôi, nghĩ thương con thì phải thương đồng chí của nó chị à, chị cho tôi góp một tay vào việc mua vải để chúng nó may quần áo”.

 

Không khí chiến tranh tuy căng thẳng nhưng vẫn rộn vui những câu đùa tếu lúc sự sống và cái chết đang cận kề:

 

Chạy đến chỗ Năm Sang, Biên ngồi bệt xuống đất, còn Ba Hổ vừa thở vừa nói:

 

- Cũng tại bà quỷ này khi phát hiện ra địch thì ta từ từ trườn người lên quan sát nhưng lại cong cái mông lên, chân đạp ào làm đất lở đến xào một cái vậy là lộ nên bọn địch nó bắn thiếu điều muốn chết”.

 

Biết cợt đùa để làm dịu đi những căng thẳng thường trực cũng là biểu hiện của tinh thần lạc quan.

 

Chiến tranh dẫu có tàn phá căng thẳng đến mấy, nhiệm vụ trước mắt dẫu có cấp bách đến mấy, những người cầm súng vẫn không quên nghĩ đến lúc hòa bình, đến lúc dựng xây. Và việc lo cho thế hệ tương lai viết tiếp trang sử mới như nhắc nhở cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ, không bế tắc. Chúng ta hãy nghe:

 

Má Hai Hiền lỷ kỷ:

 

- Nghĩ mà thấy quý trọng mấy ông cách mạng: chiến tranh gian khổ là vậy mà vẫn cho thằng Bông, thằng Tràng ra miền Bắc học, cho con Cúc, con Dung đi học y sỹ...Vậy mới biết làm cách mạng đâu phải chỉ có đánh giặc, còn lo cho cả tương lai lớp con cháu nữa.

 

Nguyệt lấy chiếc khăn vắt vai lau mặt, vừa lật từng miếng sườn đang kêu xèo xèo, mùi thơm lựng tỏa ra ngạt ngào vừa nói:

 

- Chúng nó ra miền Bắc học, học hết đại học biết đâu hết chiến tranh chúng nó là người lo xây dựng đất nước hòa bình, giàu đẹp. Cách mạng lo xa như vậy là hết ý đấy thím à”.

 

Nếu như ở tập 1, bạn đọc khép sách với nỗi ngậm ngùi vì cái chết của bí thư Mai, thì ở tập 2, bạn đọc lại càng day dứt khi những bà mẹ không tìm thấy con mình đã hóa rồ hóa dại. Chiến tranh tàn khốc không chỉ dừng lại ở người đã ngã xuống. Và cả tập sách như nhắc nhở những người hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của họ. Có cảm giác như tác giả viết không phải để làm văn, mà để trả món nợ cho những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội của mình, và đến nay thì kẻ mất người còn với nhiều hoàn cảnh - vị trí khác nhau, nhưng cùng chung một quá khứ đau thương và hào hùng như chỉ mới hôm qua.

 

(*) Bên gốc me già, tập 2, tiểu thuyết của Phương Yến, NXB Hội Nhà văn, tháng 12/2008.

 

VĨNH HÒA 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek