Thứ Năm, 03/10/2024 16:19 CH
Matryoska - búp bê gỗ 100 năm tuổi
Thứ Năm, 05/02/2009 10:18 SA

Matryoska hay còn gọi búp bê gỗ đã được nhiều nơi trên toàn thế giới biết đến. Bằng chính cái vẻ rất Nga, sự có mặt vui vẻ và ngộ nghĩnh của chúng tại các cuộc triển lãm, hội chợ, các festival lớn đã thực sự làm khán giả ngạc nhiên thích thú. Matryoska dường như bước ra từ huyền thoại, từ câu chuyện cổ tích từ xa xưa. Trên thực tế con búp bê gỗ này của Nga đã được trên 100 tuổi.

 

matrioska1-090205.jpg

Búp bê Matryoska

 

LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA MATRYOSKA

 

Kể từ khi Matryoska xuất hiện, đã có khá nhiều giả thuyết về sự ra đời của nó. Một trong những giả thuyết có tính thuyết phục nhất đó là Matryoska là sự kết hợp giữa những quả trứng được trang trí trong ngày lễ Phục sinh và một món đồ chơi bằng gỗ đến từ Nhật Bản, qua bàn tay tài hoa của người thợ thủ công Nga nó đã tái sinh trong một diện mạo mới.

 

Món đồ chơi gỗ lạ do một tu sĩ ẩn danh tạo nên ở đảo Honshu của Nhật có hình ông già hiền lành đầu hói tên là Fukuruma gồm 5 hình được sắp xếp theo trật tự hình nhỏ ở trong hình lớn bên ngoài. Theo truyền thuyết kể lại, họa sĩ Nga Sergei Maliutin trong một lần ngẫu nhiên có được trong tay cả những quả trứng phục sinh của Nga và búp bê Fukuruma. Ông lập tức phác họa ra giấy hình một con búp bê ngộ nghĩnh, sau đó là một con nữa, rồi một con nữa... Cứ thế, con búp bê gỗ Matryoska đầu tiên đã ra đời ở Nga vào năm 1890.

 

TẠI SAO CÓ TÊN LÀ MATRYOSKA?

 

Matryoska là cái tên dành cho phụ nữ rất phổ biến ở Nga, đặc biệt là với những người nông dân. Các học giả cho rằng cái tên này xuất phát từ từ “mater” trong Latin có nghĩa là “mẹ”. Do đó, cái tên Matryoshka hay Matryona luôn gợi lên hình ảnh người mẹ của một gia đình nông dân Nga với thân hình phốp pháp, khỏe mạnh và gương mặt phúc hậu. Điều này rất thích hợp với món đồ gỗ vì con búp bê to nhất chứa trong lòng nó cả một “gia đình” búp bê.

 

Matryoska được làm từ gỗ của cây bạch dương (loại cây rất đặc trưng cho nước Nga) hoặc gỗ của cây lipa. Thợ làm Matryoska giỏi phải là người tìm ra được loại gỗ không để lại vết xước, vết gợn trên sản phẩm của mình.

 

Theo kinh nghiệm, Matryoska nhỏ nhất luôn được làm trước tiên sau đó mới đến các con khác lớn hơn. Đôi khi số lượng các con Matryoska con có trong 1 con Matryoska lớn lên đến con số 70.

 

Sau khi thành hình, các con Matryoska này được chuyển đến tay họa sĩ để trang trí áo sarafan hoa (trang phục truyền thống của Nga) và đội khăn. Có lẽ điều hấp dẫn nhất của Matryoska chính là tính biểu cảm trên gương mặt. Mỗi con Matryoska được vẽ theo các sắc thái tình cảm khác nhau, có gương mặt buồn, có mặt trầm tư, nghiêm khắc, vui vẻ... Chỉ cần nhìn vào chúng, thông qua các sắc màu, bạn sẽ cảm nhận được một thứ tình cảm nhẹ nhàng, sâu lắng.

 

CÁC PHONG CÁCH MATRYOSKA

 

Sergiev Posad là nơi con búp bê gỗ đầu tiên ra đời dưới bàn tay họa sĩ Sergi Maliutin và người thợ tiện Vassiliy Zviozdochkin. Đây là một thành phố rực rỡ, đông đúc với nhiều nông dân, thợ thủ công, lái buôn…, bao quanh bởi rất nhiều tu viện.

 

Những đồ chơi gỗ đặc biệt được yêu thích ở đây. Những con búp bê Matryoska đầu tiên thường có khuôn mặt hình oval hết sức biểu cảm. Cái đầu to, do đó, khuôn mặt hầu như chiếm lĩnh toàn bộ cơ thể. Sự bất cân đối này làm chúng có dáng vẻ hơi nguyên thủy, hoang sơ.

 

Có những nhóm Matryoska được làm riêng miêu tả các dân tộc khác nhau: Eskimo, phụ nữ Gypsy, đàn ông Mỹ, gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Lithuanian, người Ukranie… Ban đầu, Matryoska mô tả cả đàn ông và phụ nữ, nhưng dần dần, phụ nữ trở thành nhân vật chủ yếu được thể hiện ở Matryoska. Matrioska thường được làm theo một tỉ lệ thông dụng giữa chiều rộng và chiều cao là 1. Matrioska vùng Sergiev Posad thường có từ 2 đến 24 con.

 

Matryoska vùng Semionovo thường được trang trí cầu kỳ và có tính tượng trưng nhiều hơn ở vùng Sergiev Posad, mang hơi hướng truyền thống của nước Nga cổ. Ban đầu, các họa sĩ dùng chổi vẽ nhẹ nhàng đánh dấu những đường viền của khuôn mặt, đôi mắt, đường môi, và sau đó tô màu vào 2 bên má. Tiếp đến họ vẽ váy, tạp dề, khăn quấn đầu và sau đó là vẽ tiếp đến đôi tay.

 

Tạp dề là chi tiết trang trí rất tiêu biểu của vùng Semionovo. Trên tạp dề, người ta thường vẽ những bó hoa to đường nét rất thanh mảnh, theo các họa tiết truyền thống điển hình của Nga. Hình dáng của búp bê vùng Semionovo cũng rất đặc biệt: đầu nhỏ và phình to dần xuống phía dưới.

 

Màu sắc của Matrioska vùng Polkholvsky Maidan thường sáng và biểu cảm hơn. Các họa tiết trang trí cũng lớn hơn. Màu sắc chủ đạo là: xanh lá cây, xanh biển, vàng, tím và đỏ thẫm. Chi tiết tiêu biểu là tóc xoăn, là yếu tố truyền thống của phụ nữ vùng Pokhovsky Maidan.

 

Cũng giống vùng Semionovo, họa sĩ ở Pokhovsky Maidan chú trọng tới họa tiết hoa vẽ trên tạp dề của búp bê thường là hoa hồng lớn với rất nhiều cánh tượng trưng cho nữ tính, tình yêu và tình mẫu tử.

                  

(Theo Mythuatvietnam)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek