Thứ Năm, 03/10/2024 16:14 CH
Về Sông Hinh ngắm lũa
Thứ Ba, 03/02/2009 19:45 CH

“Mặc ai đãi cát tìm vàng

Tôi lang thang nhặt “hoang tàn” về chơi

Vùi bùn, gốc rễ tả tơi

Lũa đi, còn chút mảnh đời này đây

Rửa trôi những đắng, những cay

Còn đây cốt cách vơi đầy nhân văn

Một thời xanh mấy trăm năm

Ra đi- để chút hương thầm- thế thôi”

 

Tôi không nhớ rõ tác giả bài thơ này là ai. Bài thơ đã nói được cái hồn, cái thần cốt của lũa.

 

lua.gif

Tác phẩm Ngưu Vương

 

TỪ NGƯU VƯƠNG ĐẾN TỨ LINH

 

Đón xuân Kỷ Sửu 2009, một người chuyên chơi lũa ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) có ý tưởng cho ra đời tác phẩm Ngưu Vương, và tác phẩm đó đã được nghệ nhân Quang Dũng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng chế tác. Chất liệu để làm tác phẩm  Ngưu  Vương là gỗ trắc, cao 2,32m vào chữ  “tấn bảo”. Nếu tính cả phần đế thì tác phẩm có chiều cao 2,55m, vào chữ  “tài lộc”. Điều đặc biệt là tác phẩm này rất ít bị can thiệp (tự nhiên đến 95%). Không những chủ nhân của tác phẩm tâm đắc mà những ai mê chơi lũa đều xuýt xoa, ước muốn vì bây giờ không tài nào tìm được khúc gỗ trắc to cao và có dáng hình như thế. Vì quá tâm đắc, Đường Vịnh, chủ nhân của tác phẩm đã có bài thơ Ngưu Vương chúc xuân Kỷ Sửu như thế này:

 

Ngưu Long trắc nghệ đã bách niên

Hiện hữu nhân gian mừng Kỷ Sửu

Thực túc binh cường, trời đất Phú

Xuân về, bách tính đón bình yên.

 

Anh Thành Đức ở khu phố 5 (thị trấn Hai Riêng) hiện có trên 100 tác phẩm gỗ lũa hoàn toàn tự nhiên. Để có được những sản phẩm này, Thành Đức đã bỏ công sức hơn 10 năm sưu tầm. Hiện tại, anh có bộ sưu tập 9 con rồng, 2 bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng), bản đồ Việt Nam bằng lũa, 1 trâu, 2 cá chép hóa rồng và nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong Hội Hoa xuân Kỷ Sửu 2009 được tổ chức tại TP Tuy Hòa, bộ Tứ linh hội tụ của Thành Đức là một trong 6 tác phẩm lũa đoạt giải vàng. Từ 6 giải vàng nói trên, Ban giám khảo chọn ra tác phẩm đặc biệt, và Tứ linh hội tụ giành chiến thắng. Ngoài bộ tứ linh nói trên, Thành Đức còn có tác phẩm Bản đồ Việt Nam bằng lũa đoạt giải đồng. Ngay sau khi kết thúc Hội Hoa xuân ở Phú Yên, Thành Đức đưa “lũa Sông Hinh” ra tận TP Huế tham dự Hội Hoa xuân tỉnh Thừa Thiên-Huế, giành được 2 giải vàng cho 2 tác phẩm Long phụng hòa minh và Vượt vũ môn.

 

Ngoài Đường Vịnh và Thành Đức, ở Sông Hinh còn có vài chục người khác chơi và mê lũa không kém nhưng tác phẩm không nhiều và phong phú như hai nghệ nhân này.

 

MÊ MẨN LỘC BÌNH

 

lua-1.gif

Tác phẩm Bản đồ Việt Nam

Lộc bình - bình thường dùng để thờ hoặc trang trí nhà cửa từ nhiều đời nay đã trở nên thân thuộc với nhiều gia đình. Lộc bình tượng trưng sự sung túc, tài lộc viên mãn của gia chủ. Khi mà lộc bình đã trở thành một thứ mốt, thì tại thị trấn Hai Riêng có hai cơ sở chuyên chế tác lộc bình bằng gỗ.

 

Chiếc lộc bình đầu tiên được làm bằng gỗ hương do “nghệ nhân” Châu chế tác vào năm 2007. Anh mất hơn nửa tháng mới làm xong chiếc lộc bình này (làm thủ công hoàn toàn). Sau Châu là đến Năm Xê và Tạ Quang Dũng. Tác phẩm của hai nghệ nhân, mỗi người mỗi vẻ nhưng rất sinh động và ấn tượng, đã “đi” nhiều nơi trên đất nước. Phần lớn sản phẩm lộc bình tại hai cơ sở này đều được chế tác theo phương châm tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên. Ý tưởng được chủ nhân và nghệ nhân thống nhất, bàn bạc dựa trên hình dáng của gốc cây. Nguyên liệu làm lộc bình đa số là rễ cây gỗ quý như  trắc, cẩm, hương, cà te. Những thứ rễ cây này chủ yếu được sưu tầm ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ và một phần từ nương rẫy của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. 5 năm trở về trước, nguyên liệu để chế tác lộc bình nhiều vô kể, sau khi dọn rẫy, người ta chất đống để làm hàng rào. Nhưng hiện nay, những loại rễ cây này rất khan hiếm và giá cả rất cao. Để tìm được  một bộ rễ ưng ý, phải lặn lội nhiều nơi và mất rất nhiều công sức. Nhưng không vì thế mà dân ghiền lộc bình lại bỏ cuộc. Chỉ riêng ở thị trấn Hai Riêng đã có khá nhiều người chơi lộc bình có tiếng như: Đình Pháp, Thành Đức, Đình Vượng, Ma Cường, Thanh Nga, Phong Pháo, Chín Phụng, Hương Thụ…, mỗi người sở hữu trên dưới 10 tác phẩm.

 

Điều đặc biệt của lộc bình Sông Hinh là mỗi tác phẩm có một nét riêng, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Có tác phẩm mang dáng dấp hình người, có tác phẩm rồng bay phượng múa, hình hồng hạc… Khi đến Sông Hinh tham quan, nghệ nhân Nguyễn Đình Huấn ở tỉnh Khánh Hòa và nghệ nhân Nguyễn Thọ Ánh ở Hà Nội có chung nhận xét, rằng người chơi ở Sông Hinh khá rành về nghệ thuật gỗ lũa. Và vùng đất này được xem như là một “kho” gỗ lũa. Tin rằng trong một ngày không xa, gỗ lũa của Sông Hinh sẽ hòa nhập vào trào lưu nghệ thuật gỗ lũa cả nước.

 

Và tôi, một người mới tập tễnh chơi nhưng đã bị gỗ lũa hút hồn. Lương bổng bao nhiêu đều vô lộc bình cả. Không tin bạn thử đến với thú chơi này xem sao.

 

NGỌC CƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek