Thứ Năm, 03/10/2024 16:20 CH
Ngày thơ Việt Nam - nét độc đáo của văn hóa Việt
Thứ Năm, 05/02/2009 14:37 CH

Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ).

 

NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA VĂN HÓA VIỆT

 

dem-tho-090205.jpg

Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống trên núi Nhạn (TP Tuy Hòa)  - Ảnh: LÊ MINH

Vào rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ… Trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ hai, kế hoạch cử 50 cô gái đất Tràng An buộc thơ dưới bóng bay rồi thả và lễ kéo lá cờ thơ không thực hiện được. Ngày thơ này tập trung vào chủ đề “Thơ Việt Nam - Truyền thống và đổi mới”.

 

Tại Hà Nội, Ngày Thơ lần thứ ba được tổ chức vào 8 giờ 30 phút sáng 23/2/2005 (cũng tại Văn Miếu) với bài mở đầu Nam quốc sơn hà của danh tướng Lý Thường Kiệt và Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày thơ lần thứ ba có nhiều người tham gia nhiều hơn lần thứ hai, phần đông là sinh viên các trường đại học.

 

Tại TP Hồ Chí Minh, Đêm thơ Nguyên tiêu 2005 - hoạt động chính trong Ngày thơ Việt lần 3 diễn ra tại Cung văn hóa Lao Động. Ở đây, ngày thơ Việt lần này dường như không còn dành cho nhà thơ chuyên nghiệp, mà chỉ dành cho những người làm thơ nghiệp dư. Tham dự đêm thơ hầu hết là các CLB thơ thuộc các trung tâm, nhà văn hóa các quận, huyện, TP…

 

Năm nay, tại thành phố mang tên Bác, Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề Cội nguồn - Hội nhập - Sáng tạo sẽ diễn ra vào 14 tháng Giêng (tức ngày 8/2), ở Công viên Bách Tùng Diệp. Ban tổ chức cho biết sẽ rút ngắn thời gian diễn ra hội thơ, không làm nguyên ngày như mọi năm. Chương trình có sự tham gia của 6 CLB thơ tại TP Hồ Chí Minh. Song song đó, chương trình giao lưu với các nhà thơ nhiều thế hệ cũng sẽ diễn ra trong khuôn viên Công viên Bách Tùng Diệp. Không tổ chức triển lãm các chuyên đề thơ như mọi năm, ban tổ chức hội thơ quyết định chọn hình thức thể hiện là các bàn trà đối ẩm, sắp xếp các chiếu thơ, chiếu thư pháp... nhằm tạo không gian giao lưu cho các bạn thơ. 32 poster chân dung các nhà thơ nhiều thế hệ cũng sẽ được treo trang trọng trong khuôn viên ngày hội. Nhiều cây bút thơ trẻ cũng gửi tác phẩm tham dự chương trình bình chọn thơ ấn tượng tại hội thơ.

 

Chương trình chính thức sẽ được khai mạc vào lúc 19 giờ với các tiết mục đọc thơ chào mừng và đánh trống khai hội. Đặc biệt, năm nay đoàn ca Huế tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tham gia chương trình bằng hoạt cảnh mở màn Lễ hội thơ Xuân. Tiết mục mang đậm nét dân gian này hứa hẹn sẽ tạo nhiều thanh sắc cho đêm hội thơ Nguyên tiêu 2009. Tiếp sau đó là các tiết mục giao lưu - đọc thơ của các nhà thơ.

 

Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có thơ và nhiều nước có sử thi lâu đời, có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh... Song có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào yêu thơ và thơ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu như thơ ở Việt Nam. Ý nghĩa của Ngày Thơ Việt Nam là thể hiện sự độc đáo đó trong văn hóa Việt Nam.

 

SONG HÀNH VỚI CUỘC SỐNG

 

Ngàn xưa, từ thế kỷ XI đến XX, trong khoa cử Nho giáo, các kỳ thi Hương, thi Hội đều có đề bài về thơ và sáng tác thơ, từ đó đào tạo biết bao thi nhân nổi tiếng cho nước nhà như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu... Hiện nay, học sinh từ tiểu học lên đến trung học, đại học, cấp lớp nào cũng học thơ. Chưa có một nước nào trên thế giới mọi người được học thơ nhiều như thế!

Và, một độc đáo của thơ Việt Nam lại chính là có được thể thơ lục bát. Độc đáo ở chỗ nó dễ làm, sống từ rất lâu trong dân gian, chẳng cần phải thi nhân vẫn hoàn toàn có thể làm một vài câu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam đang lưu trữ hàng trăm ngàn câu thơ lục bát tuyệt vời và độc đáo như thế. Lục bát còn đặc biệt ở chỗ có thể viết thơ thành trường thi dài bất tận. Có người viết hàng ngàn câu như Nguyễn Du, có người tham vọng dịch Kinh sách Phật giáo ra thể lục bát...

 

Thơ lục bát lại được dùng để hát theo hàng ngàn làn điệu dân ca khắp ba miền Trung Nam Bắc từ ru, vè, hò, lý... đến tuồng, chèo, ca trù, chầu văn... Và như thế, tại Việt Nam, thơ gắn liền với ca hát, gọi rằng “thi ca” là thế.

 

Trong lao động, thơ Việt Nam kết tinh thành nhiều tác phẩm văn học dân gian tuyệt tác. Những bài hát ví phường vải, ví phường cấy, hò tát nước, hò kéo gỗ, hò chèo thuyền, hò kéo lưới... chứng tỏ thơ đã thấm vào máu thịt của người lao động.

 

Trong chiến đấu, thơ Việt Nam cũng đóng vai trò rất lớn: từ bài thơ “thần” của Lý Thường Kiệt đến những bài thơ yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ... Độc đáo đến mức có những chiến sĩ ra trước pháp trường vẫn thản nhiên đọc thơ như Cao Bá Quát, Mai Xuân Thưởng. Dùng thơ để tỏ khí tiết, chắc chỉ có dân Việt Nam thành thạo từ xưa.

 

Thơ làm cho tâm hồn con người ta bay bổng thanh cao. Thơ còn là thú chơi tao nhã của người Việt Nam.                

 

Y.L (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek