Thứ Bảy, 05/10/2024 04:20 SA
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ:
Mạch nguồn dân ca chảy mãi
Chủ Nhật, 07/12/2008 14:34 CH

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả của Xa khơi, giờ tuổi đã cao nhưng chưa bao giờ vơi cạn tình yêu âm nhạc và niềm đam mê sáng tác. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ấm cúng ở Khương Trung (Hà Nội) vẫn tràn ngập tiếng dương cầm.

 

nguyen-tai-tue-081206.jpg

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

 

1. Suốt thời tuổi nhỏ, Nguyễn Tài Tuệ mê mẩn với những điệu ví dặm, khúc hát đò đưa của quê hương - quê ông là cái nôi sinh ra điệu hát ví dặm phường vải Nghệ Tĩnh. Cả gia đình ông đều thích hát và nghe những điệu hò man mác của quê nhà.

 

Thuở nhỏ, Nguyễn Tài Tuệ khá vất vả, một buổi đi học, một buổi chăn trâu, cày bừa, gặt hái; tối về học bài đến khuya. Mẹ ông không được học chữ nhiều, nhưng thuộc làu truyện Kiều cũng như ca dao. Đêm đêm, vừa sàng gạo bà vừa dạy ông ngâm Kiều. Bố là nhà nho, dạy cho cậu con trai nhiều thứ. Tất cả những điều kiện đó đã tạo nên một tâm hồn, một con người biết rung cảm với cái đẹp.  Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng nói: Tuổi thơ mà không “ngấm” âm nhạc, thi ca của quê hương thì sau này khó thành công trên bước đường nghệ thuật. Âm nhạc dân gian và tri thức âm nhạc hiện đại là hai thứ không thể không học”.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1955, học xong cấp III, ông ra Hà Nội với dự định học đại học Ngữ văn, nhưng rồi vào công tác tại Đoàn ca múa nhân dân Trung ương. Đầu năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ lên công tác tại Đoàn ca múa Lao - Hà Yên (Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái). Tại đó, ông tiếp xúc nhiều với dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dáy... và có những sáng tác như Mùa xuân gọi bạn, hợp xướng Xuân về trên bản… Đầu năm 1959, ông về Hà Nội, công tác tại Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian, tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian bây giờ. Tại nơi này, Nguyễn Tài Tuệ đã hoàn thành ca khúc nổi tiếng Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó và tiếp theo là ca khúc Xa khơi cùng nhiều tác phẩm thanh nhạc,  khí nhạc khác. Hầu hết những ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca, nhất là điệu ví dặm xứ Nghệ và dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc. Ca khúc Xa khơi với âm hưởng dân gian kết hợp cùng kỹ thuật hiện đại, đã trở thành bài ca bất hủ.

 

2. Nhiều người không thể hình dung rằng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng là một ca sĩ. Tuy nhiên, con đường ca hát của ông đã bị ngắt quãng có chủ đích. Trước đó, ông có hướng chuyển sang sáng tác và bị gia đình phản ứng dữ dội. Mọi người cho rằng sáng tác âm nhạc rất mơ hồ, mông lung,  không phải là một nghề. Chính Nguyễn Tài Tuệ cũng không định hình được sáng tác âm nhạc là nghề như thế nào, nhưng ông say, ông mê nên quyết tâm theo đuổi. Và thành công. Sáng tác của ông được nhiều người yêu thích.

 

 Nói về Xa khơi, Nguyễn Tài Tuệ đăm chiêu: “Năm 1957, nhà thơ Lưu Trọng Lư dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế ở khu vực cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ… Chúng tôi sống ở bên này sông Bến Hải hàng tháng trời. Lúc đó, khó khăn chồng chất, đất nước bị chia cắt gây nên thảm cảnh chiều chiều, vợ ra bến ngóng chồng, ông ra sông ngóng cháu từ phía bên kia. Những đôi trai gái chưa kịp cưới nhau đã phải chia lìa để cứ chiều chiều đứng bên này vẫy nón sang bên kia gọi nhau mà không thể gần nhau được. Tôi tự hỏi mình, ngoài biển kia con cá nục đến con cá măng còn đi đi lại lại, bay nhảy thoải mái giữa hai miền, tại sao con người lại bị ngăn cách? Tôi lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề bài hát”. Với Xa khơi, chưa ai hát hay qua Tân Nhân và cũng từ bài hát này mà Tân Nhân nổi tiếng. Bởi Tân Nhân hát Xa khơi có hồn, có nội tâm, có cái chung và cái riêng, có tâm sự, có nỗi lòng. Nghệ sĩ Tân Nhân kể: “Trong chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn ca múa Trung ương, tôi chuyên hát dân ca nên được phân hát Xa khơi. Thật thú vị là quê tôi ở vùng biển, đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ. Nơi ấy có cha mẹ tôi, các em nhỏ của tôi mà khi tôi lên rừng theo cách mạng, có đứa còn chưa ra đời. ”Biển dập dìu... Biển chung tình... Biển nói lên lời thương nhớ, biển ơi!”. Tim tôi thổn thức, tiếng hát tôi vút lên với cả sự dào dạt của tâm hồn, tình thương nhớ nhiều năm tích tụ và sức mạnh của tuổi thanh xuân. Xa khơi là niềm vui sướng, tự hào của tôi”.

 

3. Một người thầy của Nguyễn Tài Tuệ dạy: “Không có tác phẩm xuất sắc thì không có gì cả”, và ông vẫn nhớ tới tận bây giờ. Người nhạc sĩ già trăn trở, rằng âm nhạc ngày nay có nhiều điểm khó chấp nhận, vàng thau lẫn lộn. Nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Lúc này, Nguyễn Tài Tuệ vẫn có thể mỗi tuần viết ra hai bài “nghe được”, nhưng ông không viết, vì nó sẽ làm người nghe mệt, và khiến tác giả cũng chán chính mình. Phần nhiều thời gian ông để mình thư thái, chơi một số bản nhạc của bạn bè, của những thiên tài thế giới và nhớ về quê hương, về thời tuổi nhỏ bên dòng sông ấu thơ. Đêm đêm, ông lại nghe thấy mạch nguồn của dòng dân ca xứ Nghệ chảy trong mình, trong những giấc mơ.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phim cuối tuần: Trò chơi
Chủ Nhật, 07/12/2008 07:34 SA
Beyoncé - Thành công nối tiếp thành công
Thứ Bảy, 06/12/2008 14:34 CH
Gió độc làng Kình
Thứ Bảy, 06/12/2008 07:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek