Nếu nghề văn được xem là “nghiệp” thì nghề giáo cũng không đơn thuần là nghề đứng trên bục giảng. Sự gặp gỡ của hai “cái nghiệp” trong cùng một con người đã tôn vinh những thầy, cô đang cầm bút viết văn. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đã trò chuyện với các thầy cô giáo kiêm nhà văn.
* Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, các thầy, cô đã rung cảm như thế nào? Có phải nghề giáo đã giúp các thầy cô cầm bút sáng tác?
TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN THỦY:
Nếu nói theo nghĩa “nửa chữ cũng là thầy” thì tôi đi dạy học khi còn là… thiếu niên. Thời chống Pháp, cả nước lo chống giặc dốt và tôi được cử đi dạy bình dân học vụ. Lúc đó, tôi cùng với một đội đứng ở các cổng chợ viết chữ lên những tấm nia và ai muốn vào chợ thì phải đọc được. Vậy mà hiệu quả lắm, chỉ sau ba tháng thì bà con có thể tạm thời biết chữ. Sau rồi tôi đi dạy chữ cho các anh bộ đội đóng quân gần làng, nhớ lại thương lắm, bộ đội ta xuất thân từ nông dân nên ít người được đi học. Thế nhưng, cậu nhóc là tôi ngày đó vẫn được bà con gọi bằng thầy, đúng là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân ta thời nào cũng tuyệt vời như nhau. Còn chuyện làm thơ là bởi có những xúc cảm không thể lặng im mà phải cất thành lời. Tôi bắt đầu sáng tác khi vào học Đại học Bách khoa Hà Nội và viết nhiều khi đang học tiến sĩ ngành cầu đường ở Liên Xô.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy
NHÀ GIÁO LƯU THỊ LƯƠNG:
Tôi viết nhật ký lúc học lớp ba, làm thơ khi học lớp sáu, viết truyện khi học lớp 12, học Đại học Sư phạm vì thi rớt Đại học Nông nghiệp, ngành lâm nghiệp. Tóm lại, vì thích đắm chìm trong cõi sông suối hồ ao lá hoa cây cỏ, và bẩm sinh hiền lành khờ khạo vô tư nên tôi làm thơ, viết truyện tình yêu, truyện mới lớn, truyện đồng thoại, truyện cười để nuôi sống và tự bảo vệ mình trong cuộc đời gập ghềnh, trơn trợt mà tôi cứ thường xuyên bị trượt chân té đau như trời giáng.
PHÓ GIÁO SƯ ĐẶNG HẤN:
Phó Giáo sư Đặng Hấn
Tôi làm thơ từ thời sinh viên, khi đang học Đại học Tổng hợp Hà Nội bởi cái tính mình ưa… nghệ sĩ. Ra trường, tôi về Viện nghiên cứu toán học. Ở Viện toán, ngoài nghiên cứu còn có công tác tuyên truyền khoa học mà dạy học cũng là... “tuyên truyền”, nên Viện toán cử tôi đi giảng dạy. Nói thật, ngày đầu được gọi bằng thầy tôi cũng “tạo dáng” nghiêm trang chứ trong lòng thì ngượng lắm, đâu ai biết ông thầy “mặt búng ra sữa” đang… run.
NHÀ NGHIÊN CỨU NHẬT CHIÊU:
Khởi nghiệp của tôi là dạy THPT, năm 1974 khi vừa tốt nghiệp đại học tôi đi dạy ở các tỉnh, sau đó về Trường Nguyễn Thị Minh Khai và rồi được mời vào giảng dạy ở Trường Đại học tổng hợp, nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Nghề giảng dạy khiến tôi đã đam mê sách vở thì càng đam mê hơn để đọc thật nhiều và rút tỉa cái hay đem ra phục vụ giảng dạy. Nhưng tôi là người thích sáng tác do vậy tôi vẫn miệt mài viết. Gần đây đã in tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi.
* Giữa công việc dạy học và viết văn, các thầy, cô có thấy mâu thuẫn gì không? Bởi nhà giáo cần khuôn mẫu, mực thước, mô phạm… còn nhà văn thì hơi bị… phóng túng!
PGS ĐẶNG HẤN:
Người ta hay nghĩ nghề giáo, nhất là dạy Toán như tôi sẽ khô cứng nhưng không phải vậy. Những ai hiểu toán sẽ thấy trong toán có thơ và thơ sẽ giúp người thầy như tôi truyền đạt kiến thức cho các em không bị… căng thẳng. Nhà giáo làm thơ cũng giúp bài giảng sinh động hơn, mềm mại hơn, diễn đạt lưu loát hơn trước học trò. Và toán giúp làm thơ cấu tứ hơn, ngắn gọn mà diễn được nhiều ý.
NHÀ NGHIÊN CỨU NHẬT CHIÊU:
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu
Tôi dạy ở một nơi mà tôi biết chắc là có rất nhiều sinh viên viết văn, làm thơ… Những sinh viên như vậy rất có cá tính. Nếu mình chỉ là một cán bộ giảng dạy “chay” thì sẽ khó thuyết phục được học trò bởi lẽ sinh viên sẽ xì xầm: “Ổng chả viết được cái gì mà dạy chúng ta sáng tác”. Nói vậy vì tôi phòng xa, chứ quá trình nghiên cứu mang lại cho tôi nhiều kiến thức để cung cấp cho sinh viên cái mới hàng ngày và muốn có kiến thức mới thì tôi phải luôn luôn nghiên cứu.
NHÀ GIÁO LƯU THỊ LƯƠNG:
Hai điều này làm cho tôi không giống ai. Làm nhà văn thì không biết rượu chè hút thuốc, không đi chơi lang thang đây đó, không ngồi la cà nói chuyện trên trời dưới đất (vì mắc lên lớp mỗi ngày mà). Làm nhà giáo thì mơ mộng và phóng khoáng quá, không thể làm cho học trò “sợ khiếp vía”. Có điều tôi thấy dễ chịu khi sống như vậy. Tôi là một nhà giáo có tài lẻ, là một nhà văn “ngây thơ”.
TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN THỦY:
Tôi dạy môn Toán, Quản trị các dự án đầu tư… nghĩa là dạy các môn học tính ra… tiền. Người khác cứ cứng nhắc cho rằng hai lĩnh vực này như mặt trăng với mặt trời, song tôi thấy giải được một phương trình như hái được một cành hoa. Còn tôi dạy người khác làm quản trị nhưng tôi không quản trị được chính mình, tức là lúc nào thích làm thơ thì cứ làm, thích nghiên cứu, giảng dạy thì cứ làm… không tuân theo một thời gian biểu bó buộc nào cả.
* Tục ngữ “hiện đại” nói rằng “nhà văn, nhà báo, nhà giáo là nhà nghèo”, các thầy cô có thấy “mình nghèo” ở nhiều nghĩa khác nhau?
NHÀ GIÁO LƯU THỊ LƯƠNG:
Nhà giáo Lưu Thị Lương
Lương nhà giáo của tôi cũng tạm đủ sống, bữa ăn có thịt cá rau củ đủ chất dinh dưỡng. Nói nhà giáo nghèo là so với nhà giàu sụ thôi. Nói giáo viên Toán, Anh văn, giảng viên đại học nghèo, coi chừng họ buồn lắm đó. Tôi chỉ sợ bị nghèo kiến thức, sợ lạc hậu không theo kịp thời đại, vì thầy cô giáo là “tấm gương” của học trò, phải có gì hay đẹp cho các em soi mình chứ.
NHÀ NGHIÊN CỨU NHẬT CHIÊU:
Tôi không giàu nhưng cũng không nghèo bởi tôi biết sống đủ là đủ. Nói riêng tư một chút, cha mẹ tôi không còn để phụng dưỡng, vợ chồng tôi không có con để chăm sóc… nên mọi nhu cầu của tôi không quá bức thiết. Và bản tính của tôi không bon chen danh lợi, do vậy tôi chưa bao giờ nghèo. Xét ở góc cạnh nào đó thì tôi rất… giàu.
TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN THỦY:
Nhà giáo thời bao cấp thì nghèo thật, cả xã hội nghèo chứ không riêng gì ai. Nhưng bây giờ thì tạm ổn hơn rồi. Bỏ qua vật chất, chuyện tình cảm của mình mới phong phú, mỗi ngày càng thêm “thịnh vượng” vì mỗi ngày sẽ có thêm học trò bổ sung vào hàng triệu học trò trước đó.
PHÓ GIÁO SƯ ĐẶNG HẤN:
Để người khác tôn trọng mình thì có tiền cũng không mua được, nhất là được người khác gọi bằng thầy. Như vậy tôi có giàu không? Nghề giáo có giàu không? Thêm nữa, tâm hồn tôi là nhà thơ nên cái sự giàu này càng như được chắp cánh.
HÒA AN ( thực hiện)