Thứ Ba, 01/10/2024 16:26 CH
Đọc sách: Mạch nguồn hoài niệm (*)
Thứ Ba, 18/11/2008 19:25 CH

Vài năm trở lại đây, trên báo chí đã có ý kiến gọi đời sống văn học hiện nay là “Thời của tản văn và tạp bút”, với sự lý giải: người viết và bạn đọc đều rất ít thì giờ, chuyện “đại sự” trong văn chương hãy để dành sau. Việc trước mắt là hãy dành thời gian cho tạp bút, một thể loại cơ động, dễ chuyển tải tâm tư tình cảm, dễ tìm sự đồng cảm trong mọi người. Có phải thế chăng, khi mà trong làng văn Phú Yên, tác giả Trần Quốc Cưỡng đã dần dà tạo nên “thương hiệu” cho riêng mình ở thể loại tản văn?

 

doc-sach-081118.jpgThật tình cờ, khi sục sạo hiệu sách Nguyễn Văn Cừ vừa khai trương ở Tuy Hòa, tôi bắt gặp cuốn Quê hương nếu ai không nhớ, tản văn của Trần Quốc Cưỡng, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2007. Hỏi ra, tác giả ngạc nhiên như sách của ai vì nhà xuất bản chưa hề liên lạc gì từ khi sách ra hơn một năm nay. Một nhà văn-dịch giả cho biết sách của ông cũng được in trong tình cảnh tương tự, chẳng hay biết gì, khi phát hiện phải bỏ tiền túi ra mua tặng bạn bè! Dông dài một chút để thấy người viết văn khi sách được chọn in “rằng vui thì thật là vui”, nhưng cũng còn những điều chưa trọn…

 

Trở lại với tập tản văn của Trần Quốc Cưỡng, như nhan đề Quê hương nếu ai không nhớ gợi nhắc một bài hát quen thuộc, tác giả đã tập trung đào xới trong lớp bụi thời gian những nét đẹp của làng quê Việt Nam, mà làng Phú Hiệp quê anh là một quê hương thu nhỏ. Có thể nói, tản văn của Trần Quốc Cưỡng là nét đẹp của những giá trị truyền thống. Nhiều vấn đề đối với nhiều người cũng chẳng lạ gì, nhưng khi anh nhắc đến, người ta mới sực nhớ ra, mới nhìn lại, để rồi cùng anh bâng khuâng, ngẫm ngợi… Chẳng hạn, câu hát ầu ơ: “Bà cố dạy cho bà ngoại hát, bà ngoại dạy cho mẹ hát, mẹ dạy cho chị em tôi riết rồi thuộc làu. Những bài hát không sao chép trên giấy, nó xuất phát từ trong cuộc sống đời thường của dân gian có sức lay động lạ kỳ!...Lời hát như dòng suối mát lành tắm táp tâm hồn trẻ thơ lớn lên biết làm người cho phải đạo. Trong giấc ngủ cháu còn nở nụ cười thánh thiện nghe lời bà dạy “; hoặc với mái tóc dài một thuở: “Có những người ly hương, sống trong cao sang, quyền quý vẫn không sao quên được hương tóc thơm thoang thoảng hoa chanh và ngọt ngào, mặn mòi mùi hương bồ kết quê nhà.

 

Hiện thực cuộc sống nếu ví như một chiếc bánh nhiều hương vị, thì Trần Quốc Cưỡng đã làm cái công việc thật thú vị là cắt ra từng miếng nhỏ mời mọi người nếm thử, ngon thì gật gù, không hợp khẩu vị thì để đó, và thế là anh có… tản văn! Ở tập sách mới này, chúng ta bắt gặp một Trần Quốc Cưỡng đau đáu với làng quê nơi mình sinh trưởng. Ở đó có những giá trị đang dần dần bị mai một, bị chìm vào quên lãng trước cuộc sống mới thay đổi từng ngày. Anh cố “níu kéo” những hình ảnh đó lại bằng tản văn, để vẽ nên một bức tranh quê hương nhiều màu sắc. Quê hương trong văn anh có gì? Nhiều lắm. “Nhìn” từ xa đến gần, có thể thấy từ cảnh vật làng quê (Cây chuối vườn quê, Chợ tết quê tôi, Cầu tre lắt lẻo, Mái bếp quê, Nói với con sông…), đến con người với những vẻ đẹp bên ngoài và bên trong (Người láng giềng, Người thầy giáo đầu tiên, Tóc dài thuở ấy, Ngày xưa khăn đóng áo dài, Chân đất…). Ở vùng quê ấy có những “món ngon vật lạ” (Con dông đất Phú, Củ khoai lang lùi, Hương cốm đầu xuân…); có những công việc lam lũ nhưng đôi khi cũng không kém phần thi vị hằng ngày (Ngày xưa vá áo, Nhọc nhằn tát nước ngày xưa, Giã gạo đêm trăng, Cắm câu trên đồng, Đêm đông đốt đèn đi đơm đó…); những phong tục tập quán (Cúng đồng, Ngày xưa có lệ cúng làng, Người xông đất…); những vật dụng thân thiết gắn bó (Chiếc thang tre, Chiếc võng đong đưa, Một đôi thúng cho người ra riêng, Chiếc áo tơi lá…); và trên hết, ta bắt gặp hồn vía làng quê ở tầng sâu văn hóa (Câu hát ầu ơ, Nỗi buồn trầu cau, Hát bội ở làng…).

 

Một điều dễ nhận thấy, tản văn của Trần Quốc Cưỡng đậm chất hoài cổ qua tần suất xuất hiện những từ “xưa” trong các tựa đề, đậm chất trữ tình qua sự lặp lại nhiều từ “quê”. Những từ đó neo chặt tản văn của anh vào tâm hồn những ai đồng cảm với một “hồn quê” như anh.

 

______________

(*) Đọc Quê hương nếu ai không nhớ, tập tản văn của Trần Quốc Cưỡng, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2007

 

QUỲNH HÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek