Thứ Năm, 28/11/2024 18:45 CH
Talkshow truyền hình trực tiếp:
“Một câu hỏi lớn không lời đáp”
Thứ Ba, 18/11/2008 07:25 SA

Cách đây chừng dăm bảy năm, truyền hình trực tiếp (THTT) vẫn còn là một sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng. Thì nay, chỉ cần cầm điều khiển TV lên bấm nút power, khán giả có thể dễ dàng bắt gặp một chương trình trực tiếp từ thể thao, ca nhạc, game, đến mít tinh kỷ niệm...

 

talk-081118.jpg

Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”

 

Thậm chí, có những thời điểm, đồng loạt các kênh của VTV, của những Đài lớn như Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội đều có chữ trực tiếp phía dưới logo. Ở nhiều đài địa phương, THTT cũng không còn là “phở” lâu lâu cải thiện bữa ăn tinh thần cho khán giả nữa mà đã thành “cơm”, thành “chuyện thường ngày ở… tỉnh”. Truyền hình đã thành công trong vai trò rút ngắn khoảng cách không gian địa lý. Giữa thời buổi giá ào ào lên như bão, đến ca nhạc phòng trà - một món ăn ưa chuộng của dân thành phố cũng trở nên ế ẩm, thì việc ngồi trước ti vi thưởng thức trực tiếp những bản nhạc mình yêu thích có lẽ là một lựa chọn thích hợp. Truyền hình trực tiếp vì thế là một sự phát triển tất yếu.

 

Tuy nhiên, việc THTT thời gian gần đây được tổ chức một cách tràn lan, trong đó có phần trò chuyện (talk), và nếu không chuẩn bị tốt thì đúng là “hành hạ” cả người xem lẫn người tham gia vì họ không thu được gì ngoài… sự bực bội. BTV Thu Uyên, người đang giữ sóng trực tiếp talkshow Như chưa hề có cuộc chia ly trên VTV1 thẳng thắn bày tỏ: “Hình thức THTT cũng như một công cụ, một công cụ mạnh, giống như con dao phay, không nên chặt thái gì cũng mang ra dùng”.

 

Có lẽ, không cần phải giải thích về nghĩa từ vựng cũng như nội hàm của talkshow. Cũng chẳng cần “tán tụng” gì thêm về vai trò và vị trí của các chương trình talk trên sóng truyền hình. Xuất hiện từ những ngày đầu của truyền hình, talkshow có nhiều “cấp”, từ những chương trình do các nhân vật tiếng tăm dẫn và đoạt giải Emmy như The Oprah Winfrey Show hay The Ellen DeGeneres Show, cho đến những chương trình bị coi là vớ vẩn như The Springer Show.

 

Năm 1999, nhà báo Trần Bình Minh cho xây dựng chương trình Sự kiện và bình luận, đây có thể coi là talkshow truyền hình trực tiếp đầu tiên ở Việt Nam. Là một trong những BTV tham gia chương trình, BTV Thu Uyên vẫn còn nhớ một kỷ niệm. Lần đó, chị mời giáo sư Trần Thanh Vân (Pháp) - người tổ chức các hội nghị Vật lý và Sinh học nổi tiếng như Moriond, Rencontres des Blois, Rencontres du Việt Nam - rất có uy tín với giới bác học trên toàn thế giới đến nói chuyện về lớp cử nhân tài năng mà ông đang hỗ trợ tìm cơ hội học tiếp tại Pháp. Đang trò chuyện thì đạo diễn bên ngoài gọi vào tai nghe báo: có khán giả là học sinh giỏi tha thiết xin số liên lạc của giáo sư. Được giáo sư đồng ý, chị đã thông báo địa chỉ email của giáo sư ngay trong chương trình. Kết quả là cậu học sinh đó đã tìm đúng người vừa cho cậu thêm ý chí, vừa giúp cậu có cơ hội mở cánh cửa du học: cậu được nhận vào trường Polytechnique danh tiếng nhất nước Pháp.

Dông dài kể lại để thấy một điều: nếu không phải là live, không biết quá trình đó có diễn ra được hay không, có tạo được hiệu quả tức thì hay không?

 

Dẫu vậy, ở Việt Nam hiện nay, những chương trình talk trực tiếp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả Người đương thời - một talkshow có tuổi đời cao và cho đến nay vẫn có khán giả cũng chỉ làm live vào dịp cuối năm, như là một chương trình điểm. Thực tế thì cũng có khá nhiều chương trình talk-live làm theo kiểu đối thoại, tọa đàm, giao lưu gặp gỡ nhân sự kiện nào đó nhưng không thành một show định kỳ. Hoặc nếu định kỳ thì ảnh hưởng cũng không thật lớn, đủ để tạo thành nếp, thành vệt theo dõi thường xuyên của khán giả.

 

Ai cũng biết làm talk không khó (ít nhất là không phức tạp trong quy trình sản xuất), nhưng khó làm hay. Talkshow THTT lại càng khó.

 

BTV Thu Uyên lý giải: Mạnh nhất của live là tính tức thời. Cảm xúc tức thời, giao tiếp tức thời. Nếu Như chưa hề có cuộc chia ly mà không làm live thì sẽ mất đi nhiều hấp dẫn. Thời gian tới, ưu điểm của live sẽ còn được khai thác mạnh hơn trong Như chưa hề có cuộc chia ly, vì đây là công cụ rất mạnh. Ngược lại, làm live bao giờ cũng nhiều rủi ro kỹ thuật (âm thanh, ánh sáng, điện,…) cùng những sự cố không thể kiểm soát, thậm chí tắc đường kẹt xe cũng thành vấn đề. Nhất là trong điều kiện trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực ai cũng thấy thiếu như hiện nay. Người chủ chương trình mất nhiều quyền khống chế: vấn đề đầu tiên là thời lượng, tiếp đó là về nội dung. Sức ép cũng rất lớn. Cần phải dũng cảm, cần có niềm tin vào bản thân và vào những người cũng tham gia chương trình thì mới thực hiện live được.

 

Những cuộc trò chuyện buồn tẻ, thiếu sức sống không phải là nhận định thường thấy khi nói về talkshow ở Việt Nam. Nếu muốn tăng tính hấp dẫn, tăng độ tương tác… thì làm live là một giải pháp hữu hiệu, nhưng để có thể thực hiện tốt, trôi chảy và thu hút lại cần có sự chuẩn bị cực tốt và một bản lĩnh cực cao, nhất là đối với MC.

 

Mà ở ta, tìm được MC đủ khả năng ứng biến linh hoạt, đủ sức lôi cuốn bằng duyên ăn nói, bằng độ nhạy bén lịch thiệp cần thiết nhằm giữ chân khán giả và khách mời để làm live, và làm live định kỳ một talkshow luôn là “một câu hỏi lớn không lời đáp”.        

 

(VTV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek