Thứ Ba, 01/10/2024 16:39 CH
Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ:
Mua vui cũng được một vài nét vuông
Chủ Nhật, 16/11/2008 07:29 SA

Những tưởng viết và vẽ là hai lĩnh vực trái ngược nhau. Một đằng cần tư duy bằng ngôn từ, một nẻo tư duy bằng màu sắc. Thế nhưng, các nhà văn ngày càng có nhiều người cầm cọ song song với tay bút. Phải chăng đây là một hướng chuyển mình của người làm công việc sáng tạo?

 

Tra-Giang-081115.jpg
NSND Trà Giang vẽ tranh

 

CUỘC CHƠI TỐN KÉM DÀI DÀI

 

Làng văn phía Bắc vừa chứng kiến cuộc triển lãm Thi hứng và Hú họa của hai nhà văn Trần Nhương, Nguyễn Khắc Phục. Tranh của hai vị này “phát hành” không thua kém các quyển sách mà họ đã xuất bản. Nhà thơ Trần Nhương thật thà rằng vẽ tranh để nuôi thơ, còn nhà văn Nguyễn Khắc Phục bộc trực là vẽ để trả tiền thuê nhà. Nghe hai nhà văn thuộc hàng “lực điền” trên “cánh đồng chữ” thổ lộ thấy mà ham, vì lâu nay có bao nhiêu nhà văn sống được bằng nhuận bút?!

 

Không chỉ có hai ông Nhương và Phục mới cầm cọ. Danh sách các nhà văn cầm cọ “đùa vui với sắc màu” ở ta ngày càng dài. Có thể kể: Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Ước, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Phan Vũ… và người cầm cọ gần đây nhất có lẽ là nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Làng văn Sài Gòn đồn với nhau rằng, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên “bị” nhà thơ Lê Minh Quốc rủ rê cầm cọ. Chắc là nhờ tài “thuyết khách” của nhà thơ Lê Minh Quốc nên nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên mới bị lôi cuốn bởi sắc màu. Trước đó, nhà thơ Lê Minh Quốc còn “dụ dỗ” nhà thơ Đoàn Vị Thượng vào con đường vẽ vời. Thế nhưng, Đoàn Vị Thượng đã không bị “dụ” vì cuộc chơi này quá tốn kém lại rất mất thời gian đối với anh.

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc còn chỉ chỗ để các bạn văn của mình mua được cọ, toan, màu… với giá cả phải chăng. Lúc đầu cầm cọ, Lê Minh Quốc chỉ dám dùng màu nước vừa dễ vẽ vừa ít tốn kém. Sau này khi vẽ đã “chắc tay”, anh mới dám dùng sơn dầu và vẽ trên khổ lớn. Còn nhà thơ Lê Thị Kim, do có thâm niên cầm cọ và hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ nữ Ngân Hà (TP Hồ Chí Minh), mỗi năm triển lãm chung khoảng hai ba lần, nên màu chị dùng đa phần là hàng xịn của Nhật, Pháp, Anh, Đức.... Tốn kém là vậy, nhưng tranh của Lê Thị Kim được nhiều người hâm mộ sưu tập nên chưa hề… lỗ vốn.

 

VUI CỬA NHÀ, VUI CẢ LÁNG GIỀNG

 

Nhà thơ Trần Nhương vẽ để nuôi thơ thì ít nhất không phải móc hầu bao cho những tập sách giữa thời thơ phát hành rất khó này. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì có thêm tiền để trả nhà thuê, phải nói là rất vui. Nhà thơ Lê Minh Quốc có những bức tranh như những món quà tặng bạn bè thì còn gì sang trọng, ý nghĩa hơn?! Lê Minh Quốc cho biết anh vẽ hoàn toàn theo cảm xúc, khi cảm xúc tượng hình thành màu sắc thì những con chữ không thể giãi bày. Lê Minh Quốc đang ấp ủ một triển lãm cá nhân, trong đó sẽ trưng bày tranh của anh và độc chiêu hơn là những bức vẽ chung với các bạn văn của mình. Nhà thơ Lê Thị Kim nhờ bán được nhiều tranh nên chẳng những dư tiền để in thơ mà còn có thể rủ các bạn viết trẻ thường xuyên đi nhậu và mua ủng hộ vài mươi cuốn sách mới xuất bản của họ. Nhà thơ cao niên Phan Vũ từ ngày có thú vui cầm cọ, dường như ông vui sống hơn khi phát hiện một nguồn năng lượng mới trong mình có tên là sắc màu. Phan Vũ đã tham gia nhiều cuộc triển lãm chung và tranh của ông được đánh giá khá cao.

 

Lâu nay, các nhà văn kể trên đã ít nhiều có người hâm mộ đồng hành với họ trên con đường “sáng tạo chữ” đầy gian khó. Thì bây giờ, bằng những bức tranh, các văn sĩ của chúng ta có thêm nhiều tri âm hơn nữa. Nhà thơ Lê Thị Kim cho biết, chị có một fan ở nước ngoài thường xuyên liên lạc hỏi chị có bức tranh nào mới thì gởi hình cho xem. Fan này mỗi năm sưu tập khoảng 5 bức tranh của Lê Thị Kim.

 

Không dừng lại ở niềm vui cá nhân hay quẩn quanh trong bè bạn, thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân, An ninh thế giới còn đem niềm vui đến cộng đồng qua việc vẽ tranh của mình. Năm 2007, bức tranh Thân cò của nhà văn Hữu Ước bán đấu giá được 4 tỉ đồng dùng cho công tác từ thiện. Đầu năm nay, bức tranh Mậu Tý xuân của ông bán đấu giá được 9 tỉ đồng, cũng dùng vào việc vì cộng đồng. Tạm bỏ qua những khái niệm về giá trị nghệ thuật, thì từ xưa đến nay, chưa có họa sĩ nào ở Việt Nam bán được tranh với giá cao ngất ngưởng như vậy. Hơn thế, số tiền kỷ lục từ việc bán tranh hoàn toàn dành cho những mục đích cao quý. Rõ là cuộc chơi sắc màu của các nhà văn ta vừa vui mình lại vui cả người.

 

KHÔNG CHỈ NHÀ VĂN MỚI VẼ

 

Các nhạc sĩ quá cố như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Từ Huy… ngoài nổi tiếng trong âm nhạc thì “tranh pháo” của họ cũng lung linh không kém. Tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được rất nhiều nhà sưu tập tìm mua, có thể vì có nhiều điều lạ mà cũng có khi chỉ vì “thương hiệu” nhạc Trịnh. Hai nhạc sĩ Văn Cao, Từ Huy thì vẽ có nghề hơn, bởi ngoài nhạc, hai ông “sống nhờ” các công việc liên quan đến mỹ thuật trong một thời gian dài. NSND Trà Giang là người đến với mỹ thuật hơi muộn nhưng lại được học hành khá bài bản. Sau khi học vẽ tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sáng thứ sáu hàng tuần tại nhà riêng, NSND Trà Giang cùng nhóm bạn mời thầy về dạy thêm. Đến nay, NSND Trà Giang đã có vài cuộc triển lãm chung và một triển lãm cá nhân vào năm 2006. Số lượng tranh của NSND Trà Giang hiện có đủ để thực hiện khoảng 10 triển lãm nữa. Bà cho biết, vẽ tranh để vơi bớt nỗi buồn sau khi chồng mất và con gái (nghệ sĩ piano Bích Trà) đi học xa.

 

Xem ra ai cũng có thể cầm cọ, nhất là các nhà văn, nghệ sĩ…, những người luôn xúc cảm tràn đầy với đời sống xung quanh.

HÒA AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek