Ở tuổi ngoài 70, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp vừa “leo lên đỉnh núi” khi dịch đầy đủ tiểu thuyết tự truyện Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky từ bản gốc tiếng Nga. Với gần 600 trang, Thép đã tôi thế đấy không chỉ là câu chuyện về niềm tin, lý tưởng, sức mạnh tinh thần của nhân vật Pavel Korchagin mà còn phản ánh chân thực, sinh động bức tranh xã hội Liên Xô (cũ) lúc bấy giờ.
Trong Lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết tự truyện Thép đã tôi thế đấy, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp đã phác thảo bức chân dung nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky - một tấm gương sáng về niềm tin và nghị lực. Nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky sinh năm 1904, trong một gia đình công nhân ở làng Vilia, huyện Governorat, tỉnh Volhynia, Ukraine. Ông từng làm thợ mộc, thợ đốt lò, thợ điện trước khi tham gia các hoạt động của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (Bolshevik) và gia nhập Hồng quân, trong lực lượng kỵ binh. Rời quân đội, ông được bầu làm Chủ tịch huyện Komsomol ở Izyaslav. Năm 1925, sức khỏe Nikolai Alekseyevich suy giảm nhanh chóng. Đến cuối năm sau, ông không thể đi lại, hầu như nằm liệt giường, cũng không thể nhìn được nữa. Năm 1930, trên giường bệnh, bóng tối bao trùm, Nikolai Alekseyevich bắt đầu viết tự truyện bằng cách đọc cho người khác ghi lại. Đó chính là tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy. Năm 1936, nhà văn qua đời, chưa kịp hoàn thành tác phẩm tiếp theo - tiểu thuyết Sinh ra trong bão táp.
Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp về công trình lớn của ông trong năm vừa qua: dịch tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy. Sách do NXB Văn học, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt ấn hành.
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp |
* Thưa nhà văn, vì sao ông quyết định dịch một tác phẩm nổi tiếng, đã được dịch sang tiếng Việt lần đầu tiên cách đây gần 70 năm?
- Khi biết tôi có ý định dịch Thép đã tôi thế đấy, một người bạn thân nói: “Anh dịch cuốn này là leo lên đỉnh núi khá cao”. Vì cuốn này đã được dịch đi dịch lại mấy lần rồi. Và bây giờ, liệu cuốn này có còn thu hút sự quan tâm của độc giả không? Tôi gọi điện cho nhà xuất bản, nói với họ về những băn khoăn đó. Họ bảo: “Không, những cuốn trước dịch từ tiếng Trung và là bản dịch rút gọn. Nếu anh tìm được bản gốc thì dịch, không thì thôi, chứ bản lược dịch như ngày trước, chúng tôi không in lại”. Đúng là hồi trước, tôi cũng đọc một cuốn như vậy, chỉ hơn trăm trang thôi.
Họ nói vậy thì tôi phải tìm bản gốc. Tôi lên mạng cả tuần, tìm người sở hữu bản quyền cuốn tiểu thuyết này, vì nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky đã qua đời gần 90 năm rồi. Và tôi tìm được hậu duệ của nhà văn. Tôi nói với ông ấy một câu dứt khoát: “Nếu anh có bản gốc và giữ bản quyền thì chúng ta sẽ làm việc với nhau”. Ông ấy bảo: “Đấy, bản gốc đấy. Chúng tôi là người thừa kế, nhưng chúng tôi cần biết anh là ai thì chúng tôi mới gửi cho anh”. Sau khi tìm hiểu, tra cứu trên mạng, họ đồng ý cho tôi dịch bản gốc Thép đã tôi thế đấy.
Về tranh bìa minh họa, tôi có bản minh họa gốc của một nhà xuất bản Nga. Họ cho mình bản minh họa luôn. Tôi rất mừng. Quý lắm!
* Ông mất bao nhiêu thời gian để dịch xong bản gốc Thép đã tôi thế đấy?
- Bắt tay vào làm chính thức thì trong vòng 2-3 tháng thôi. Trước kia, tôi cũng đã dịch một số chương của Thép đã tôi thế đấy để trích in báo, nhưng không xâu chuỗi tất cả lại. Những phần đó chủ yếu nói về tình yêu, lý tưởng. Còn trong bản gốc này, cả mặt tốt lẫn mặt hạn chế của nước Nga Xô viết được phơi bày, giống như Sông Đông êm đềm sau này tái bản. Ngày trước, người ta chỉ giữ lại những nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị. Còn đây là nguyên gốc tác phẩm.
* Đã từng đọc Thép đã tôi thế đấy nhưng khi tiếp cận bản gốc và dịch sang tiếng Việt, cảm xúc của ông như thế nào, thưa ông?
- Tôi hơi bất ngờ, vì bản gốc có rất nhiều nội dung so với những bản mình đã đọc, phản ánh trung thực, sinh động xã hội Nga lúc bấy giờ. Sau khi đọc bản gốc, tôi nói với nhà xuất bản và họ đồng ý ngay. Họ yêu cầu tôi dịch đúng như thế, đừng cắt xén gì, và dịch sớm cho họ.
* Điều gì thôi thúc một dịch giả hơn 70 tuổi dịch tiểu thuyết tự truyện này, thưa ông?
- Thật ra, tất cả những công việc mà người ta đam mê làm đều xuất phát từ tình yêu. Với tôi, đó là tình yêu văn học, thứ hai là tình yêu đối với nước Nga - dẫu có thăng trầm biến đổi như thế nào thì cũng đã in sâu trong ký ức mình, nhất là thời trai trẻ. Công việc mình làm là niềm đam mê, và trả một chút xíu món nợ cho nơi mình đã trưởng thành. Nhưng cái chính vẫn là sự đam mê.
* Xin cảm ơn ông!
Nhà văn - dịch giả Ðào Minh Hiệp sinh năm 1950, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Tên ông gắn liền với những tác phẩm văn học dịch: Ðức Mẹ mặc áo choàng lông, Người giàu cũng khóc, Vĩnh biệt Machiora, Khát vọng đổi đời, Thám tử buồn, Những ngọn cờ trắng, Cuộc chiến đi qua, Thế giới trẻ em, Con gái Ivan, mẹ Ivan... Ngoài niềm đam mê văn chương dịch thuật, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp còn đam mê hội họa, từng tổ chức triển lãm tranh... |
YÊN LAN (thực hiện)