Chủ Nhật, 24/11/2024 08:53 SA
Để sách đến được với nhiều người hơn
Chủ Nhật, 16/04/2023 07:00 SA

Đông đảo bạn trẻ đến với Hội Sách tỉnh Phú Yên năm 2022. Ảnh: VIỆT AN

Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VI - năm 2023 sẽ khai mạc vào tối 20/4 tại công viên Thanh thiếu niên (TP Tuy Hòa) và diễn ra đến ngày 24/4, với nhiều hoạt động phong phú. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh hoạt động nói trên, ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT&TT, Trưởng ban Tổ chức Hội Sách tỉnh lần thứ VI - năm 2023 cho biết:

 

- Sách là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại. Tuy nhiên, theo Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TT&TT), bình quân hiện nay mỗi người Việt Nam chỉ đọc 2,8 cuốn sách (cả sách giáo khoa) và 7,07 tờ báo/năm, thấp rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Ông Trần Thanh Hưng

Chính vì vậy, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách. Để hình thành thói quen đọc sách một cách sâu rộng hơn nữa, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho ngày Sách Việt Nam trước đây, diễn ra vào ngày 21/4 hàng năm. Ngày 21/4 còn là ngày kỷ niệm sự ra đời của cuốn sách Đường kách mệnh - tác phẩm kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là quyển sách lần đầu tiên được in bởi những thợ in người Việt Nam.

 

* Hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam những năm qua diễn ra tại Phú Yên như thế nào, thưa ông?

 

- Hội Sách tỉnh Phú Yên là hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) hàng năm. Kết thúc hội sách, nhiều đơn vị, cá nhân gửi tặng tủ sách, sách tham khảo các loại cho ban tổ chức. Sở TT&TT đã chuyển món quà này đến các trường học, địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, chưa có tủ sách. Điều này càng ý nghĩa hơn khi năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lựa chọn chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện.

 

Về mặt kinh tế, doanh thu của các doanh nghiệp phát hành sách đều tăng cao qua hội sách.

 

* Thưa ông, chủ đề hội sách năm nay là gì, có gì mới và đâu là điểm nhấn?

 

- Năm nay, Bộ TT&TT đưa ra 2 chủ đề để các địa phương lựa chọn: Sách - cho bạn, cho tôi và Sách - nhận thức, đổi mới, sáng tạo. Ban tổ chức chọn chủ đề thứ hai vì nó rõ nghĩa hơn. Đồng thời, việc sáng tạo để đổi mới hiện nay rất cần đến tri thức từ sách.

 

Hội sách năm nay có vài nét mới, đó là trong chương trình khai mạc có nghi thức khai triện (con dấu) của hội sách, độc giả có thể sử dụng triện này đóng vào sách mình mua suốt thời gian diễn ra hội sách để làm kỷ niệm.

 

Một điểm khác nữa là năm nay, hội sách không tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh liên quan đến sách vì thời gian này gần đến thời điểm các em ôn thi học kỳ 2. Thay vào đó, Tỉnh đoàn (thành viên ban tổ chức hội sách) sẽ tham gia tổ chức liên hoan các nhóm nhảy trên địa bàn TP Tuy Hòa nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ, cũng là cách để “kéo” các bạn đến với hội sách. Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ, trao tặng sách. Ban tổ chức dự kiến sẽ dành tặng cho một đồn biên phòng, vì hiện nay các đồn biên phòng vẫn tổ chức tốt việc đọc sách, báo hàng ngày, nhưng số đầu sách, tủ sách còn rất thiếu; tất nhiên cũng tiếp tục tặng cho các trường học…

 

Đối với một hội sách, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng sách, có phong phú, có nhiều sách mới hay không và giá cả có phù hợp với người dân Phú Yên không? Vì vậy, ban tổ chức tiếp tục kêu gọi các công ty phát hành giảm giá sâu, nhất là đối với sách nghiên cứu, để sách đến được nhiều hơn với người yêu sách. Chất lượng sách chính là điểm nhấn của hội sách, các hoạt động bên lề chỉ mang tính chất tương tác, kết nối.

 

Đông đảo bạn trẻ đến với Hội Sách tỉnh Phú Yên năm 2022. Ảnh: THIÊN LÝ

 

* Đến nay, công tác chuẩn bị ra sao, thưa ông?

 

- Về công tác chuẩn bị, sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh về việc tổ chức hội sách năm nay, ban tổ chức đã họp và phân công nhiệm vụ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an Phú Yên, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Hội Văn học Nghệ thuật, UBND TP Tuy Hòa, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình, các đơn vị tài trợ, hỗ trợ... cùng nhiều đơn vị liên quan đã phối hợp, hỗ trợ Sở TT&TT (cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì tổ chức) rất kịp thời để mọi việc diễn ra đúng kế hoạch.

 

Điều đáng mừng là bên cạnh hội sách, nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trong đó, Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa tổ chức cuộc thi sáng tác video về Cuốn sách tôi yêu và ra mắt Tủ sách cho em; Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 trại sáng tác trong tháng 4 và tháng 5 dành cho các nhà văn, nhà thơ cả nước về Phú Yên dự trại, trong đó có 1 trại viết dành cho thiếu nhi... Những hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa thói quen đọc sách nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

 

Dưỡng nuôi niềm yêu thích cho trẻ em từ việc cho các em tiếp xúc với sách từ sớm. Ảnh: THIÊN LÝ

 

* Nhiều người lo ngại với sự lên ngôi của truyền thông số, không ít bạn trẻ Việt Nam ngày càng xa rời thói quen đọc sách. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

- Theo tôi hiện nay, con người không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn do họ có nhiều cách đọc khác nhau, nhiều lựa chọn khác nhau. Ví dụ, với sự xuất hiện của ChatGPT từ cuối năm 2022, ai sử dụng ứng dụng này sẽ hỏi những vấn đề mình quan tâm, rồi đọc câu trả lời, nghĩa là đọc nhiều hơn khi có công nghệ này. Trong trả lời của ChatGPT, chắc chắn là có kiến thức từ sách.

 

Vấn đề đặt ra, chúng ta đọc những gì ChatGPT trả lời nói riêng, chúng ta đọc trên không gian mạng, trên thiết bị cầm tay có kết nối internet... có phải đọc sách không? Nếu câu trả lời là có, nghĩa là chúng ta phải đưa sách lên môi trường mạng nhiều hơn. Khi đó, công nghệ đóng vai trò như một người “phát hành sách, giới thiệu sách”.

 

Từ cách phát hành sách trên không gian mạng dựa trên nền tảng công nghệ, người viết sách, công ty phát hành cũng phải tính đến các phiên bản ngắn gọn (bên cạnh phiên bản đầy đủ, in giấy truyền thống) để phát hành trên nền tảng số. Hiện nay, chúng ta thấy giới trẻ, thậm chí người trung niên, thay vì xem trọn một bộ phim, họ chỉ xem các video tóm tắt phim (review phim).

 

Cuộc sống hiện đại gấp gáp hơn, con người ít có thời gian cho sách, nên muốn nhiều người đến với sách, tất yếu phải có sự thay đổi trong cách viết sách và phát hành sách. Nói ngắn, viết ngắn mà đầy đủ thông tin vẫn giá trị hơn dài. Ngắn thì thường cô đọng, thông điệp rõ ràng, tiết kiệm được thời gian. Độc giả lướt nhanh thông tin hoặc sách ngắn (tóm tắt), họ sẽ dừng lại ở nội dung nào họ quan tâm, đọc hết nội dung tóm tắt, rồi họ sẽ tìm đến nội dung đầy đủ (trên mạng và trên sách giấy) nếu họ thật sự quan tâm. Nếu sách có phiên bản tóm tắt, chắc chắn người Việt Nam mỗi năm sẽ đọc nhiều sách hơn. Công nghệ hiện nay hỗ trợ việc này rất nhiều. Phiên bản ngắn có thể do tác giả viết, cũng có thể do nhà xuất bản làm, hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chúng ta.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek