Ngày 12/4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo báo cáo giám sát việc quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Chân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 108 di tích được xếp hạng và 205 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Qua giám sát, từ khi được phân cấp quản lý di tích, trách nhiệm các ban ngành và chính quyền các cấp được phân công cụ thể hơn, công tác quản lý di tích từng bước đi vào nền nếp. Hầu hết địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa, nguồn gốc của lễ hội và giá trị văn hóa, lịch sử của di tích tại lễ hội; qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân và du khách trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích…
Tại hội nghị, các đại biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác lập quy hoạch các di tích; việc quản lý nhà nước về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh; thực hiện cắm mốc giới bảo vệ di tích; giải quyết, xử lý việc xây dựng trái phép, nuôi trồng và khai thác thủy sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống… trong khu vực bảo vệ di tích; có chính sách bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; ban hành quy định, định mức các chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực phát huy giá trị di tích, thu hút phát triển du lịch nhằm phát huy các di tích...
THIÊN LÝ