Chủ Nhật, 24/11/2024 08:51 SA
Khi sách kể câu chuyện của mình
Chủ Nhật, 16/04/2023 10:00 SA

Nhà nghiên cứu Robert Darnton từng cho rằng, lịch sử của sách có thể “tựa như một khu rừng mưa nhiệt đới chứ không phải một cánh đồng, nơi nhà thám hiểm sẽ khó có thể tìm đường vượt qua”. Nhưng những người yêu sách hôm nay, với công trình nghiên cứu nghiêm cẩn mang tên Lịch sử của sách của James Raven (Giáo sư tại Đại học Cambridge, Anh) trên tay, đã có thể mạnh dạn bước chân vào cuộc thám hiểm khu rừng mưa nhiệt đới đó, để có thể lắng nghe thanh âm của những câu chuyện mà sách kể cho chúng ta, một câu chuyện khởi nguồn từ hơn 5.000 năm về trước…

 

Công trình nghiên cứu Lịch sử của sách của James Raven (Giáo sư tại Đại học Cambridge, Anh). Ảnh: BÍCH DUYÊN

 

Một cuốn sách là gì?

 

Sách là một trong những vật phẩm văn hóa quan trọng nhất, cũng là một trong những vật phẩm hiếm hoi đã ra đời, tồn tại và tiến hóa liên tục cùng với lịch sử loài người. Lịch sử của sách đã kéo dài hơn 5.000 năm với vô vàn sự đổi thay và tiến hóa.

 

Với lịch sử đó, tính quen thuộc của sách là không thể phủ nhận. Thế nhưng, một cuốn sách là gì? - vẫn là một câu hỏi đầy thách thức không chỉ với người đọc mà cả với những chuyên gia nghiên cứu về thư tịch.

 

Thách thức đó được dựng lên bởi sự tồn tại đa dạng và biến đổi không ngừng của các vật liệu và hình thức sách từ xưa đến nay, từ những ghi chép bằng chữ tượng hình (chữ hình nêm) trên hàng nghìn tấm bảng đất sét phẳng, dẹt được lưu giữ tại TP Uruk thuộc nền văn minh Sumer cổ đại vào khoảng năm 3200 trước Công nguyên (được xem là bộ sách đầu tiên trên thế giới), đến những cuộn giấy dài thời cổ đại, những bản viết tay dạng xếp ở Trung Mỹ hay các sách viết trên lá cọ ở Nam Á, và giờ đây là một file dữ liệu trong ổ cứng máy tính (e-book). Sự thay hình đổi dạng liên tục của sách trong lịch sử phát triển của chính mình đã buộc chúng ta phải thay đổi cách xác định một cuốn sách, phải chất vấn lại định nghĩa về sách phổ biến trên internet cho rằng “sách có hình thức giới hạn bởi mực, các tấm giấy, tấm da và các chất liệu khác; được viết tay, in ấn, minh họa hoặc bỏ trống; và được đóng/buộc/dán để mở được về một phía”. Thậm chí, nhiều loại cổ vật dường như còn trêu ngươi định nghĩa cố hữu ấy, như là Khipus, loại văn bản được tạo lập từ nút thắt dây thừng của người Inca vùng núi Andes xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ X.

 

Sự biến đổi mang tính chất tiến hóa ấy của sách cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của nhân loại trong việc lưu giữ và trao truyền thông tin. Mỗi chặng đường lịch sử của sách đều gắn liền với những phát minh quan trọng, có tính cách mạng, đóng vai trò quyết định trong việc con người có sách và có văn hóa đọc. Và mỗi phát minh cũng mang đến những xúc cảm sâu sắc khi con người cảm nhận được vẻ đẹp, sức hấp dẫn không phải chỉ của văn bản, mà của chính chất liệu chứa đựng văn bản đó.

 

Lịch sử của sách không chỉ là câu chuyện về sách

 

Cùng với phát minh ra giấy, những bước tiến của kỹ thuật in ấn đóng vai trò tối quan trọng trong việc phổ biến tri thức, thông tin qua sách. Từ phương pháp ấn hoặc đục lỗ chữ hình nêm lên các tấm bảng đất sét được xem như là hình thức in (ấn) vật lý đơn giản nhất, con người đã tạo ra bước ngoặt lịch sử với việc phát minh kỹ thuật in hoạt bản bắt đầu ở châu Âu vào những năm 1450 mà Johannes Gutenberg có vai trò lớn hơn cả. Xuất bản sách với số lượng lớn trong thời gian ngắn nhất, rẻ nhất từ trước đến nay đã làm nền tảng cho cuộc cách mạng tư tưởng, khoa học, tôn giáo và cả chính trị.

 

Sự gia tăng nhanh chóng của sách đã góp phần tạo ra một loạt hoạt động mới của con người về thư viện, lưu trữ, biên mục, thương mại sách vở, bùng nổ tri thức… Lịch sử của sách không đơn thuần chỉ dừng ở việc phác thảo lại diễn trình lịch sử các dạng thức sách ra đời mà đó là một chủ đề liên ngành giữa văn học, lịch sử, truyền thông, thư viện, bảo tồn và thông tin. Đặt trong bối cảnh liên ngành như vậy, đời sống của sách mới hiện ra sinh động và rõ nét hơn, đồng thời cung cấp một cách giải thích khả thi cho cách mà sách không ngừng nhiều hơn, được bảo quản tốt hơn và thực hiện nhiều chức năng hơn để dần đi vào địa hạt trung tâm các hoạt động của con người.

 

Nhưng bước tiến trong xuất bản cũng đưa đến nhiều thách thức cho chính bản thân sách, đặc biệt là cuộc tranh luận (bắt đầu từ khoảng thế kỷ XVII đến tận ngày nay) về tình trạng quá tải thông tin, hay hiện tượng xuất bản thừa, xuất bản dễ dãi các ấn phẩm kém chất lượng (đôi khi độc hại) để đáp ứng nhu cầu của thị trường đang ngày càng bị thương mại hóa. Một học giả thời Minh viết năm 1599 cũng đã đặt câu hỏi, “sách vở bây giờ nhiều vô cùng như biển nước, người ta làm sao mà đọc hết được?”. Hệ quả của sự bùng nổ in ấn cũng đã tạo ra những người mắc chứng cuồng sách (bibliomania) - những người khao khát lưu trữ sách nhưng chẳng mấy khi đọc sách… Từ những hiện tượng này, lịch sử của sách rõ ràng hiện ra không chỉ có những điều tích cực mà còn phải đối mặt với những vấn đề nan giải để có thể giữ vững được vai trò và giá trị của mình trong đời sống nhân loại.

 

Đọc sách - một thực hành sách chủ đạo

 

Không phải vô cớ mà sách trở thành vật phẩm quan trọng của văn hóa nhân loại. Sách - thông qua thực hành đọc của con người - đã góp phần hình thành, hoặc thay đổi thế giới quan, góc nhìn chính trị, thúc đẩy tinh thần, tôn giáo, ý thức hệ… Vì sách là một trong những công cụ chủ đạo khuếch đại những diễn ngôn mang tính vạch đường, chỉ hướng cho mỗi xã hội trong mỗi giai đoạn phát triển của nó. Chức năng và quyền lực của sách, vì thế, một mặt, giúp sách có một vị trí trang trọng trong sự phát triển của xã hội. Nhưng mặt khác cũng đưa sách vào những tình thế nguy hiểm. Sự kiện Tần Thủy Hoàng cho đốt bỏ nhiều loại sách vở và chôn sống nhiều nho sĩ nhằm loại bỏ hết các tư tưởng, học thuyết tồn tại trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, là một trong những minh chứng cho tình thế nguy hiểm đó của sách.

 

Mặc dù lịch sử của sách có độ dài hơn 5.000 năm, nhưng lịch sử của sách chỉ chính thức bắt đầu đời sống hiện đại của nó vào những năm 1980. Công trình nghiên cứu về lịch sử của sách của James Raven là một trong những thành tựu của ngành nghiên cứu này. Điều làm nên giá trị của công trình nằm ở việc ông đã chọn cách tiếp cận khác biệt so với các công trình nghiên cứu khác. Ông đã “vượt qua các tiếp cận học thuật phổ biến về sách lấy châu Âu làm trung tâm, coi kỷ nguyên của sách chỉ thực sự bắt đầu từ thời Sơ kỳ Cận đại châu Âu với ứng dụng của kỹ thuật in ấn con chữ rời” (TS Vũ Đức Liêm - Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội). Ông đã thực hiện điều đó bằng cách đặt lịch sử của sách vào một góc nhìn liên ngành rộng lớn (lịch sử, văn học, truyền thông, thư viện…) và liên vùng địa lý (chứ không chỉ riêng châu Âu) trong một phổ thời gian kéo dài hơn 14.000 năm. Vì thế, câu chuyện mà sách kể cho chúng ta nghe theo góc nhìn này, là câu chuyện của sách trong phạm vi toàn cầu, chứ không phải của riêng châu Âu.

 

Nhân loại đang sống trong thời đại số hóa. Sách trong thời đại kỹ thuật số đặt ra nhiều câu hỏi mới cho nhà nghiên cứu, chẳng hạn như về bố cục và nhận thức về trang sách (page). Trang sách là gì và đâu là giới hạn của khái niệm đó khi đọc sách trên các thiết bị công nghệ với những văn bản được tùy chỉnh chia trang hoặc đọc tiếp bằng thao tác kéo màn hình? Thời đại số cũng chứng kiến cảnh bùng nổ thông tin, lan truyền thông tin và lưu trữ thông tin khiến cho nỗi lo lắng về một thời đại đang bị phân mảnh về tri thức, ý thức hệ và thường không thấu hiểu lẫn nhau bởi cách thức sách ra đời, được đọc và được sao lưu quá dễ dàng. Vậy, bước tiến tiếp theo của sách trong tương lai sẽ như thế nào? Cho dù câu hỏi này chỉ có tương lai mới trả lời được, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng, sách cùng các thực hành sách, sách và văn hóa đọc, sẽ vẫn tiếp tục cùng nhân loại. Vì lịch sử của sách, đồng thời là câu chuyện tiến hóa của xã hội và trí tuệ của loài người chúng ta.

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek