Nghệ thuật bài chòi (NTBC) có sức sống mãnh liệt trong đời sống của người dân Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng. Được hình thành từ bao đời nay, NTBC thấm đượm vào tâm hồn và tình cảm của người dân vùng đất này.
Trong căn nhà nhỏ của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Trọng Tích ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa, tiếng đàn trầm bổng cùng lời ca ngọt ngào vang lên mang đến người nghe cảm giác thư thái, vui tươi, ấm áp và gần gũi. Nơi ấy không chỉ để những người đam mê dân ca bài chòi gặp gỡ, giao lưu, mà còn góp phần gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Chung niềm đam mê
Đến nhà NNƯT Nguyễn Trọng Tích, chúng tôi được hòa mình vào những câu bài chòi cổ: Trộm mẫu thân anh băng vườn rẽ lối/ Giữa đêm trăng lặng sương tàn/ Mền đây em đắp, của này tình anh/ Giường anh nệm ấm phòng riêng/ Năm canh héo ruột, thương em giữa trời... (Trích Lâm Sanh, Xuân Nương).
Dứt câu hát, nghệ nhân Nguyễn Trọng Tích kể, gia đình ông có hơn ba đời theo nghiệp cầm ca. Ông nội là người chuyên hát dân ca - nhạc cổ, ông học theo nên thông thạo nhiều thể loại như: bài chòi, chèo bát nhã, hò bá trạo…. “Năm 2003, tôi tham gia CLB Bài chòi dân gian An Hiệp (huyện Tuy An). Đến năm 2013, tôi quyết định rủ thêm một số anh em có chung niềm đam mê thành lập nên CLB Bài chòi dân gian An Phú cho đến nay”, ông Tích nói.
CLB Bài chòi dân gian An Phú ban đầu do ông Nguyễn Thanh Khiết làm chủ nhiệm. Còn từ năm 2017 cho đến nay, vị trí này do anh Nguyễn Duy Vinh, con trai NNƯT Nguyễn Trọng Tích đảm nhiệm. CLB hiện có 10 thành viên chính thức hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên trong CLB, dù mỗi người có nghề nghiệp và cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung niềm đam mê với âm nhạc truyền thống của dân tộc. “Từ nhỏ, tôi đã được nghe cha mẹ hát dân ca bài chòi. NTBC đã thấm sâu vào máu, vì vậy, được thể hiện khả năng ca hát chính là niềm đam mê của tôi”, anh Nguyễn Duy Vinh chia sẻ.
Từ một người bẻ đôi cũng không biết bài chòi là gì mà giờ đây nó như mạch nguồn len lỏi trong tâm hồn chị Nguyễn Thị Trinh (thôn Long Thủy), để rồi có dịp bùng lên làm đắm say lòng người qua câu hát trong các lễ hội, hội diễn văn nghệ quần chúng hay đơn thuần chỉ là một buổi sinh hoạt của CLB. Chị Trinh tâm sự: “CLB Bài chòi dân gian An Phú thành lập cũng là lúc tôi bén duyên với NTBC. Tham gia CLB, tôi mới được học bài bản”.
Bảo tồn và phát huy
Những làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản... có tuổi đời hàng bao thế kỷ, tưởng chừng chỉ còn sức hút với những người lớn tuổi, nhưng giữa thị trường âm nhạc sôi động với những dòng nhạc ngoại nhập khác nhau, những làn điệu ấy như một mạch chảy ngầm, vẫn được nhiều bạn trẻ giữ gìn và theo đuổi bằng niềm đam mê, khát khao không để văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc bị lãng quên, mai một theo thời gian.
Em Nguyễn Khắc Hà Đan, CLB Bài chòi dân gian phường 5 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Mỗi khi ngân nga làn điệu bài chòi cùng các anh chị có chung sở thích, những áp lực trong cuộc sống của em như được giải tỏa. Hơn nữa, hát bài chòi còn là cách để em thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, cũng là hy vọng sẽ góp một phần công sức của mình vào việc giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo, di sản quý báu của dân tộc”.
Hơn 30 năm gắn bó với những làn điệu bài chòi, những tích tuồng cổ, chị Trình Thị Liên (thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) không chỉ có tình yêu sâu đậm mà còn tích cực góp phần bảo tồn, giữ gìn bộ môn nghệ thuật này bằng giọng hát truyền cảm, ngọt ngào của mình. Chị Liên bày tỏ: “Không thể bắt ép người xem, nhất là giới trẻ phải yêu thích khi không hiểu hoặc còn mơ hồ về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Theo tôi, việc cần làm là tổ chức các đợt thi, hội diễn... ở các địa phương, để thế hệ trẻ được tiếp cận và hiểu biết hơn về NTBC, âm nhạc truyền thống”.
Sở VH-TT-DL đã ban hành kế hoạch triển khai đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2022. Theo đó, ngành Văn hóa sẽ tổ chức khảo sát, kiểm kê di sản NTBC và các tập quán, nghi lễ truyền thống tốt đẹp gắn với di sản này trên địa bàn tỉnh; tổ chức truyền dạy và thực hành di sản NTBC; tổ chức trình diễn di sản NTBC kết hợp với một số loại hình nghệ thuật truyền thống tại TX Đông Hòa, huyện Phú Hòa; hỗ trợ trình diễn NTBC nhằm quảng bá du lịch Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh; khen thưởng thành tích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể NTBC. Đồng thời mở trại sáng tác bài chòi, bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi; tích hợp nội dung di sản NTBC vào tài liệu giáo dục ở địa phương...
Mỗi khi ngân nga làn điệu bài chòi cùng các anh chị có chung sở thích, những áp lực trong cuộc sống của em như được giải tỏa. Hơn nữa, hát bài chòi còn là cách để em thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, cũng là hy vọng sẽ góp một phần công sức của mình vào việc giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo, di sản quý báu của dân tộc. Em Nguyễn Khắc Hà Đan, CLB Bài chòi dân gian phường 5 (TP Tuy Hòa) |
THIÊN LÝ