Giỗ Tổ Sân khấu năm 2022 và kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIII đã trôi qua, nhưng dư âm và ấn tượng về ngày này vẫn còn lan tỏa, in đậm trong lòng nhiều người, nhất là anh chị em nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực ca hát của tỉnh nhà.
Giỗ Tổ Sân khấu năm 2022 tại Đền thờ Lương Văn Chánh. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Không biết chính xác Tổ nghề của Sân khấu là ai cũng như ngày giỗ Tổ nghiệp có từ bao giờ, nhưng từ nhiều thế kỷ qua, mỗi năm cứ đến ngày 12/8 âm lịch, anh chị em hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, ca hát lại tổ chức giỗ Tổ nghề của mình.
Ngày hội ấm áp nghĩa tình
Phú Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật sân khấu Tuồng, dân ca Bài chòi. Thường trong khoảng thời gian từ 11-13/8 âm lịch hàng năm, các đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ (CLB) Tuồng, Bài chòi, Đờn ca tài tử… tổ chức giỗ Tổ Sân khấu theo khả năng và lòng thành kính của mình. Đặc biệt, từ năm 2006, Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) có sáng kiến tập trung tất cả các đội nhóm, CLB và anh chị em văn nghệ sĩ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực sân khấu và ca hát lại với nhau cùng giỗ Tổ nghiệp vào ngày 12/8 âm lịch bằng hình thức xã hội hóa.
Những năm đầu, giỗ được tổ chức trang nghiêm và đông vui tại Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo (do doanh nghiệp này hỗ trợ), nhiều bậc cao niên nguyên là lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo đương nhiệm của tỉnh, của ngành Văn hóa đã đến dự, động viên, khích lệ tinh thần của anh chị em nghệ sĩ. Có lần Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đình Sanh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từ TP Đà Nẵng xa xôi đi tàu lửa vô dự cùng với anh em Phú Yên. Cũng có năm giỗ Tổ Sân khấu được đưa về tận làng biển Phú Thọ (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa); có hôm ngày giỗ gặp phải thời tiết xấu, mưa dầm… nhưng ngày giỗ nào cũng đông vui, ấm áp.
Kể từ năm 2010, giỗ Tổ Sân khấu được gắn với kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam. Cùng với tri ân Tổ nghiệp, trong ngày hội này, anh chị em văn nghệ sĩ cũng đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với những quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp; tri ân khán giả đã đồng hành trong công cuộc bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu.
Năm 2021 do đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trên phạm vi cả nước, Phú Yên cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên giỗ Tổ Sân khấu tập trung không tổ chức được. Năm nay, khi dịch này đã được khống chế và anh chị em hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, ca hát… đến hẹn lại cùng nhau đoàn tụ. Lần giỗ Tổ Sân khấu và kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIII này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm VH-TT và TT-TT huyện Phú Hòa cùng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên tổ chức tại Đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Đây là lần thứ ba giỗ Tổ Sân khấu được tổ chức tại khu di tích lịch sử quốc gia này. Hơn 100 nghệ nhân, nghệ sĩ cùng đông đảo những người yêu mến nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống, trong đó có nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Văn Thoại, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng… đã cùng tề tựu về đây từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối. Nhiều anh chị em nghệ sĩ đang có lịch biểu diễn ở xa cũng đã về kịp trước giờ khai mạc.
Sau khi dâng hương tưởng niệm Thành hoàng Lương Văn Chánh, giỗ Tổ nghiệp Sân khấu được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Các đại biểu cùng anh chị em nghệ nhân, nghệ sĩ đã thành kính thắp hương dâng Tổ nghiệp và tưởng nhớ những nghệ sĩ liệt sĩ, nghệ sĩ đã quá cố.
Đặc biệt, giỗ Tổ nghề Sân khấu năm nay trùng vào dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên càng tăng thêm ý nghĩa. Ngoài cùng nhau ôn lại truyền thống, quá trình hình thành và phát triển của ngành Sân khấu nước nhà và của tỉnh, ngày hội này còn có chương trình liên hoan Nghệ thuật truyền thống, quy tụ 12 CLB Tuồng, Dân ca Bài chòi, Đờn ca tài tử trong tỉnh tham gia. Nhiều CLB, nhiều anh chị em nghệ sĩ đã dành hàng tháng trời để tập luyện, xuất tiền túi để may sắm phục trang, đạo cụ… mang đến liên hoan những tiết mục, trích đoạn tiêu biểu, đặc sắc nhất, như: Tam hùng kiệt (tác giả Đào Tấn) của CLB Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa); trích đoạn dân ca kịch Bài chòi Câu thơ yên ngựa (tác giả Tuấn Minh) của CLB Dân ca Bài chòi An Chấn (Tuy An); trích đoạn Tấn công liên lâu thành (trong vở Dân ca kịch Bài chòi Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa) của Chi hội Sân khấu huyện Phú Hòa; ca cổ Mừng ngày giỗ Tổ (tác giả Tấn Toàn) của CLB Diên Hồng (Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh)…
Trích đoạn dân ca kịch Bài chòi Tấn công liên lâu thành (trong vở Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa) tham gia Liên hoan Nghệ thuật truyền thống của Chi hội Sân khấu huyện Phú Hòa. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống
Trong không khí ấm áp, chân tình, ngày Sân khấu Việt Nam đã diễn ra với thành công hơn mong đợi.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Chúng tôi tổ chức ngày hội này nhằm động viên anh chị em nghệ sĩ của tỉnh giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân, đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Năm ngoái, không thể tổ chức giỗ Tổ Sân khấu tập trung vì dịch bệnh COVID-19. Thời điểm đó, ai cũng buồn vì không biết bao giờ cuộc sống trở lại bình thường. Bởi vậy, hôm nay đứng trước bàn thờ Tổ, anh chị em nghệ sĩ được quây quần bên nhau, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Đây là dịp để các nghệ sĩ tri ân Tổ nghề và các bậc tiền bối cũng như tự nhủ với bản thân phải cống hiến hết mình cho nghề. Người nghệ sĩ giống như những con tằm chăm chỉ, tuy ăn lá nhưng nhả ra cho đời những sợi tơ vàng”, nghệ sĩ Bình Thảng, Chi hội phó Chi hội Sân khấu tâm sự.
Thể hiện khá thành công vai diễn trong trích đoạn Câu thơ Yên ngựa, nghệ sĩ Hoàng Cầm (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) trải lòng: “Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho ngày giỗ Tổ năm nay. Thời gian qua, không có nhiều cơ hội được biểu diễn trên sân khấu, chính vì thế, giỗ Tổ Sân khấu và liên hoan nghệ thuật truyền thống lần này là một sự kiện vô cùng đặc biệt đối với anh chị em nghệ sĩ. Theo tôi, việc duy trì nghi lễ này hàng năm là sự nhắc nhở về truyền thống và là một dịp để người nghệ sĩ bày tỏ tâm nguyện sẽ nỗ lực hơn nữa, cho xứng với danh xưng và vị thế của mình trong xã hội, xứng với sự yêu thương của khán giả”.
Chiều 11/8 âm lịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Sở VH-TT-DL) cũng đã tổ chức giỗ Tổ Sân khấu năm 2022. Trong các ngày từ 11-13/8, nhiều CLB, nghệ sĩ cũng đã trang trọng bài trí bàn thờ và cúng Tổ nghiệp tại CLB hoặc tại gia. Ước nguyện chung của anh chị em nghệ sĩ quê nhà là mong lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa quan tâm đầu tư cho các hoạt động văn học nghệ thuật truyền thống, cách mạng, tiến bộ, góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước và quê hương Phú Yên. Đồng thời phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tạo có tài năng, thu hút đông đảo khán giả, tích cực bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống và đưa các giá trị ấy đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ năm 2010, giỗ Tổ Sân khấu được gắn với kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam. Cùng với tri ân Tổ nghiệp, trong ngày hội này, anh chị em văn nghệ sĩ cũng đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với những quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp; tri ân khán giả đã đồng hành trong công cuộc bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu. |
XUÂN HIẾU