Một câu hát chỉ với mười chữ “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” của nhạc sĩ Phạm Duy được một công ty điện tử mua với giá 100 triệu đồng để làm slogan cho sản phẩm đầu hát karaoke. Có thể đó là một chiêu thức kinh doanh nhằm đánh bóng thương hiệu, nhưng cái hay, cái đẹp của câu hát ấy không thể phủ nhận. Ngoài tình non nước, người Việt cũng có thể tự hào về sự đa dạng và phong phú của tiếng Việt. Trải dài từ Bắc đến Nam hình thành cách nói vùng miền khác nhau, mỗi thổ âm mang một nét đặc sắc riêng.
Có người cảnh tỉnh “chửi cha không bằng pha tiếng” nhưng tôi không thấy vậy. Giọng xứ Huế, giọng xứ Nghệ hay giọng xứ Thanh càng dị biệt càng làm tiếng Việt lấp lánh. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp chưa bao giờ mê vé số nhưng móc túi mua hết cả xấp vé số cho một em bé vì lý do rất đơn giản “nó nói giọng Quảng Trị giống như mình”. Thú vị hơn, anh bạn cùng tốt nghiệp báo chí với tôi, một hôm khoe: “Tao đang làm thông dịch viên cho đoàn chuyên gia nước ngoài!”. Tôi khâm phục khả năng ngoại ngữ của bạn nên gạn hỏi: “Cậu dịch tiếng gì?”. Chẳng chút e dè, anh bạn nói ngay: “Đoàn chuyên gia Hàn Quốc về Quảng Ngãi có hai thông dịch viên, một người rất giỏi tiếng Hàn, còn một người chuyên… tiếng địa phương. Tao dịch tiếng Quảng Ngãi ra tiếng Việt, để người kia dịch tiếng Việt sang tiếng Hàn!”. Tôi bất ngờ ghê lắm, nhưng tin anh bạn nói thật, vì người Sài Gòn hay người Hà Nội không dễ gì nghe lần đầu mà hiểu được tiếng nói “rặt” Quảng Ngãi!
Gần đây ngôn ngữ giao tiếp của người Việt được bổ sung nhiều ngoại ngữ hơn. Trình độ tiếng Anh của tôi rất bình thường, có lẽ chỉ sánh ngang với anh Xuân Tóc Đỏ chào tạm biệt cô hàng nước mía bằng tiếng Pháp trong tiểu thuyết “Số Đỏ”. Thế nhưng, lúc nào tôi cũng trân trọng những người giỏi ngoại ngữ. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, bước qua rào cản ngôn ngữ mới dễ dàng hợp tác làm ăn với thiên hạ. Bây giờ nơi tuyển dụng lao động nào chả đòi hỏi trình độ ngoại ngữ. Hơn nữa, biết thêm một ngoại ngữ cũng đồng nghĩa mở thêm một cánh cửa kho tàng tri thức nhân loại. Đứa cháu tôi mới học lớp 1 mà cũng có thể nói tiếng Anh khá lưu loát. Bẵng đi một thời gian, hai chú cháu mới có dịp chơi đùa với nhau. Đứa cháu bảo: “Ở trường tiểu học quốc tế của cháu, bạn nào cũng có tên tiếng Anh hết trơn rồi. Cháu tên là Andy Đoàn. Chú cũng nên đặt một cái tên tiếng Anh!”. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vui vẻ đề nghị: “Cháu đặt tên cho chú xem sao!”. Đứa cháu ra dáng suy nghĩ một chút rồi à lên đắc ý: “Chú tên Micheal đi!”. Chiều lòng đứa cháu, tôi gật gù: “Mai-cồ, Mai-cồ, nghe cũng hay!”
Bạn bè văn chương của tôi cũng có nhiều người “độn” tiếng Anh vào tác phẩm, nên chẳng có gì phải băn khoăn khi cô ca sĩ Phương Uyên hay ca sĩ Mỹ Tâm tập viết mấy ca khúc cũng có năm, bảy chữ Tây lao xao giữa chữ ta. Trong cuốn “50 sự thật làm thay đổi thế giới”, người ta thống kê rằng mỗi năm có mười ngôn ngữ không được sử dụng nữa. Tôi chưa bao giờ bi quan về sức sống trường kỳ của tiếng Việt, nhưng cũng lắm lúc chột dạ vì thấy đâu đây người Việt dùng tiếng Anh một cách vô tội vạ. Dùng tiếng Anh cả lúc không cần thiết thì có nên chăng? Trong một cuộc họp báo có 3 quan khách nước ngoài dự và khoảng 50 nhà báo trong nước, cô MC kiêm luôn vai trò thông dịch viên đã phải một phen toát mồ hôi khi bỗng dưng một vị quan chức trong nước phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ông ta “phô diễn” ngoại ngữ cho 3 vị khách ngoại thấy, còn cô MC phải dịch lại bài phát biểu đó bằng tiếng mẹ đẻ cho năm chục nhà báo nghe. Thật là đáng buồn!
Sao mỗi người không một lần tự hỏi về tình yêu của mình dành cho tiếng nước mình.
SONG YẾN