Thứ Năm, 28/11/2024 20:51 CH
Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc
Thứ Ba, 30/08/2022 13:00 CH

Diễn ra từ ngày 25-28/8 tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI, năm 2022 với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên đã tạo nên sắc màu văn hóa rực rỡ của các dân tộc anh em: Kinh, Ê Đê, Ba Na, Chăm…

 

Một tiết mục nghệ thuật mang âm hưởng đại ngàn của Đoàn NTDG huyện Sông Hinh. Ảnh: THIÊN LÝ 

 

Đặc sắc nhất là thi trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp giới thiệu trang phục truyền thống. Thông qua những tiết mục nghệ thuật, các địa phương đã giới thiệu đến người xem những nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc mình; quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp đến với đông đảo người dân và du khách.

 

Say đắm với những điệu múa, lời ca

 

Mở màn thi diễn, khán giả đã được chìm đắm trong âm thanh của đại ngàn qua tiết mục múa Nhịp đập cao nguyên của đoàn Nghệ thuật dân gian (NTDG) huyện Sông Hinh. Còn trong phần thi diễn của đoàn NTDG huyện Sơn Hòa, khán giả như lạc vào thế giới tâm linh theo nhịp điệu của âm nhạc cồng chiêng qua tiết mục Thần giữ lửa. Không dừng lại ở đó, người xem tiếp tục bị mê hoặc bởi âm thanh cồng chiêng, trống đôi giục giã và những điệu múa xoang trong màn trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm của các chàng trai cô gái Ba Na đến từ huyện Đồng Xuân. Hay những tiết mục mang âm hưởng núi rừng ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước như: Xuân về buôn em, Khúc hát đại ngàn, Gùi nắng gọi mưa, Cao nguyên Sông Hinh (huyện Sông Hinh); Suối Ché tình yêu, Sơn Hòa - khúc hát tình quê (huyện Sơn Hòa); La Hai ơi La Hai, Phú Xuân dòng nước mùa xuân, Đơn ca tiếng Chăm (huyện Đồng Xuân)…, mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc truyền thống đa sắc màu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở ba huyện miền núi của tỉnh.

 

Xuyên suốt trong ba đêm thi diễn, các đoàn NTDG vùng đồng bằng và miền biển như Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và Tuy Hòa cũng đã mang đến ngày hội những tiết mục mang đậm nét văn hóa xứ Nẫu, thể hiện cuộc sống bình dị, tâm hồn phóng khoáng, vui tươi của con người đất Phú trong cuộc sống mới ngày nay. Đó là: Tuy Hòa thành phố phía mặt trời, Hoa nắng, Lung linh sắc màu của đoàn TP Tuy Hòa; Biển gọi, Đá Bia một thời mở cõi, Tiếng dân chài, Tình em biển cả, Tiếng trống ngày hội của đoàn TX Đông Hòa; Hương sắc Việt Nam - Ngày mới Tây Hòa, Bài ca thống nhất, Hương sắc Tây Hòa, Bài ca Phú Yên - Hoa đất nước của đoàn huyện Tây Hòa; Huyền ca đất Phú, Tạ Ôn Đình trảm thủ Linh Tá (trích đoạn tuồng), Gửi em khúc hát tình ca - Bài ca đất Phú - Lời mời Phú Yên của đoàn huyện Phú Hòa... Trong khi đó, đoàn NTDG huyện Tuy An lại đưa khán giả đến với vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương, Tổng Bí thư Trần Phú; và là miền di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Địa đạo Gò Thì Thùng, Thành An Thổ, Đền thờ Danh nhân Lê Thành Phương, Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Hòn Yến, Gành Ông, Gành Bà, Bãi Xép... qua những lời ca ngọt ngào, đậm hương sắc của biển và vang vọng thanh âm đàn đá Tuy An.

 

Không chỉ có âm thanh cồng chiêng, những làn điệu dân ca, danh lam thắng cảnh, các món ăn đặc sản..., người xem còn được ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống, từ chiếc áo bà ba trong sinh hoạt hằng ngày, chiếc áo dài ôm sát người, nhẹ nhàng tôn lên nét đẹp uyển chuyển, duyên dáng của người phụ nữ, đến những bộ trang phục thổ cẩm đầy sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm... Qua đó, người xem có dịp trải nghiệm văn hóa các dân tộc, tôn vinh sự giàu có của nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc anh em.

 

Màn trình diễn trang phục truyền thống của Đoàn NTDG huyện Phú Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Nơi giao lưu, chia sẻ tình đoàn kết

 

Không giấu được cảm xúc khi tham gia trình diễn cồng chiêng trong ngày hội, anh Bùi Văn Hiệp ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) vui vẻ nói: “Nhiều lần tham gia ngày hội VH-TT-DL, nhưng tôi cùng các nghệ nhân, diễn viên của Đồng Xuân luôn thấy vinh dự, tự hào khi được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc. Vui hơn nữa là được rất đông khán giả đến xem và cổ vũ”. Còn già Ôi K’Ba ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) bày tỏ: “Cái bụng già mừng lắm! Đoàn nào cũng có người già, người trẻ cùng tham gia. Điều đó cho thấy, văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại được chú trọng, tạo lớp kế thừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”.

 

Nhiều bạn trẻ lần đầu tham gia biểu diễn trong ngày hội cũng không giấu được cảm xúc. Em Nguyễn Đức Mạnh ở huyện Phú Hòa bộc bạch: “Em vừa hồi hộp vừa thấy vui khi cùng các anh chị trong đoàn cố gắng thi diễn tốt tiết mục của mình. Đến với ngày hội này, em có thêm cơ hội quen nhiều bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều thú vị về đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

 

Anh Ngô Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện Tây Hòa, chia sẻ: “Trình diễn NTDG kết hợp giới thiệu trang phục truyền thống là cơ hội để nhiều người dân được thưởng thức và chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa của các dân tộc. Những điệu múa, lời ca của các đơn vị đem đến trong ngày hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thấy tận mắt, nghe tận tai mới cảm nhận hết không gian văn hóa độc đáo, đồ sộ mà người dân đang sở hữu...”.

 

Khẳng định Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho rằng nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa và còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc. Mỗi dân tộc anh em, mỗi địa phương đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm cho bức tranh văn hóa Phú Yên trở nên đa dạng, phong phú và có nhiều yếu tố đặc sắc. “Ngày hội là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là dịp để đồng bào các dân tộc anh em gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình, địa phương mình, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Phú Yên. Từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và học tập lẫn nhau giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, cùng nhau xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, đây là cơ hội để Phú Yên quảng bá, giới thiệu với người dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh, con người và miền đất Phú; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Phú Yên nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh. 

 

Ngày hội VH-TT-DL thật sự là nơi hội tụ, giao lưu và tỏa sáng các giá trị truyền thống trong cộng đồng các dân tộc; trở thành động lực để các dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek