Thứ Năm, 28/11/2024 21:39 CH
Nhà báo Lê Tiền Tuyến: Được trải nghiệm trong đời sống là một hạnh phúc
Chủ Nhật, 28/08/2022 10:22 SA

“Được trải nghiệm trong đời sống là một hạnh phúc của người làm báo, và như vậy thì chữ nghĩa của mình cũng sẽ cẩn thận hơn” - nhà báo Lê Tiền Tuyến, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng - chia sẻ trong buổi giao lưu, giới thiệu tuyển tập bút ký - phóng sự ảnh Dấu ấn lữ hành và Nhìn ra thế giới.

 

Nhà báo Lê Tiền Tuyến chia sẻ kinh nghiệm với các nhà báo trẻ tham gia giao lưu. Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Chương trình giao lưu ấm áp tình đồng nghiệp vừa được Báo Phú Yên tổ chức tại sân vườn khách sạn Hùng Vương (TP Tuy Hòa), mong muốn góp phần đưa bộ sách công phu Dấu ấn lữ hành và Nhìn ra thế giới của nhà báo Lê Tiền Tuyến đến với bạn đọc Phú Yên, đồng thời lan tỏa niềm đam mê nghề và tinh thần dấn thân của một cây bút kỳ cựu.

 

Tại sự kiện này, nhà báo Lê Tiền Tuyến - một người con Phú Yên - đã có những chia sẻ thú vị về nghề.

 

* Thưa nhà báo Lê Tiền Tuyến, anh từng chia sẻ rằng: “Nghề báo có quy tắc có đi, nghe thấy, mới viết. Và trong quá trình 40 năm làm báo, tôi là một người chịu đi, bằng những chuyến công tác và nhiều chuyến đi phượt để học khôn”. Sau vô vàn chuyến đi với rất nhiều cung bậc cảm xúc, cái nhìn của anh về nghề báo, về đời sống thay đổi như thế nào?

 

- Tôi may mắn được đi nhiều; đó cũng là lợi thế của nhà báo. Những chuyến đi - từ đi công tác đến đi phượt, trước hết là có lợi cho mình. Mình cảm thấy được sống nhiều, trải nghiệm nhiều. Đi đến rất nhiều nơi trong nước - từ những vùng đất với các đặc trưng văn hóa, danh lam thắng cảnh đến các đảo xa…, tôi cảm nhận đất nước mình bao la. Khi đi ra nước ngoài, mình thấy thiên hạ cũng bao la; mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng. Và đi nhiều thì “hạ” mình xuống, vì thấy mình nhỏ thôi.

 

Được trải nghiệm trong đời sống là một hạnh phúc của người làm báo, và như vậy thì chữ nghĩa của mình cũng sẽ cẩn thận hơn. Nếu chỉ biết có mỗi một mình mình, không “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thì cứ tưởng mình “ngon” lắm, cái gì mình cũng “ngon”. Điều đó không đúng, không khách quan.

 

* Tuyển tập bút ký - phóng sự ảnh Dấu ấn lữ hành và Nhìn ra thế giới của anh quả thật vô cùng công phu, được trình bày rất chuyên nghiệp và sang trọng. Tập 1 Dấu ấn lữ hành có ba chương: Quê hương - Đất nước, Văn hóa - Sáng tạo và Du lịch - Khám phá. Ở tập 2 Nhìn ra thế giới, độc giả cùng anh khám phá thế giới theo 3 phần: Trong mắt chúng tôi, Một góc nhìn khác và Di sản - Nghệ thuật. Anh muốn gửi gắm điều gì đến bạn đọc qua bộ sách này?

 

- Thật ra thế mạnh của tôi không phải ở lĩnh vực này. Thế mạnh của tôi là ở thể loại chính luận, phóng sự điều tra; tôi đã có nhiều bài viết được trao Giải Báo chí TP Hồ Chí Minh và Giải Báo chí quốc gia. Nhưng chính luận, phóng sự điều tra mang tính thời sự nhiều hơn; còn văn hóa nghệ thuật hay di sản thì còn mãi. Cũng có nhiều người ở TP Hồ Chí Minh thắc mắc “Sao anh không in một tuyển tập những bài báo đã đoạt giải của anh?”, tôi nói từ từ tính sau. Còn bây giờ, sau hai năm COVID nặng nề và nhiều mất mát, đọc những bài đó sẽ cảm thấy nặng thêm. Cho nên tôi làm “nặng” bằng cách khác.

 

Tuyển tập Dấu ấn lữ hành - Nhìn ra thế giới được in trên giấy couche màu, khổ lớn để bung ảnh ra cho đẹp, làm khá công phu. Tôi mong muốn qua bộ sách, bạn đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp những di sản của dân tộc mình, di sản của nhân loại, cảm nhận người ta sáng tạo như thế nào. Trụ sở chính của Amazon, Airbus, Microsoft, NASA…, tôi đều đã đến, và thấy rằng khả năng sáng tạo của con người là vô biên, còn văn hóa thì tồn tại vĩnh viễn. Qua bộ sách này, tôi mong muốn mang đến cho bạn đọc một góc nhìn về thế giới. Tôi viết rất khách quan, chừng mực chớ không phải tới chỗ nào là khen chỗ đó. Trong sách này ít dùng lời khen lắm.

 

Nhà báo Lê Tiền Tuyến, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: MINH NGUYỆT

 

* Là nhà báo kỳ cựu, anh có thể chia sẻ với các nhà báo trẻ một số kinh nghiệm mà anh đã rút ra sau những lần đi - nghe thấy và viết?

 

- Thứ nhất, nguyên tắc của nghề báo là có đi - nghe thấy mới viết. Thứ hai, đến một nơi nào thì phải tìm hiểu trước, trong đầu phải định hình cái đã. Thứ ba là đừng có lười; phải suy nghĩ nhiều và chịu khó đọc. Thông tin mà mình tìm hiểu phải là những thông tin chính thống. Đi nước ngoài, tôi đọc Paris Match, CNN, Washington Post… Và có một kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với các nhà báo trẻ: Anh biết 10 thì viết 6 thôi. Đọc rất nhiều nhưng mình có thể viết 500 từ thôi, còn nếu mình nghĩ rằng chỉ cần đọc đủ để viết 500 từ thì bài báo sẽ dở ngay!

 

* Anh đã đi đến các miền đất hội tụ những đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới; đã đặt chân đến Quảng trường Đỏ ở Nga, thành phố cảng Marseille của Pháp, Boston - thành phố cổ nhất Hoa Kỳ, đến đại công trường Airbus - niềm tự hào của châu Âu, tham quan Trung tâm Không gian Johnson của NASA… và nhiều, rất nhiều nơi nổi tiếng của nhiều quốc gia trên thế giới. Sau những chuyến đi như vậy, trở về quê hương Phú Yên, cảm xúc của anh như thế nào?

 

- Ai cũng có quê hương. Tôi là người con Phú Yên. Tôi có thể đi đến rất nhiều nơi, có thể ăn nhiều thứ, nhưng không bao giờ tôi quên được thời trung học, đạp xe ra Mỹ Á uống nước dừa, ăn bánh tráng chấm mắm ruốc. Nó ngon vô cùng! Không bao giờ tôi quên được kỷ niệm đó. Còn sông Đà Rằng, bây giờ nhìn thấy bình thường, chớ thời học sinh tôi thấy dòng sông bao la. Mỗi lần đi qua cầu Đà Rằng là cảm thấy hãnh diện. Những điều đó in sâu trong tâm thức mình.

 

Quê hương Phú Yên đẹp lắm! Nhiều người sống xa quê - nhất là Việt kiều lớn tuổi - chỉ muốn trở về quê, sống những năm cuối đời ở quê nhà. Cho nên yêu quê hương không phải là “đặc quyền” của mình tôi đâu. Đó là tấm lòng của mỗi người đối với nơi mình sinh ra.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

Nhà báo Lê Tiền Tuyến (bút danh Thúy Phương, Lê Duyên, Tiền Phong), nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, đồng thời là chủ biên ấn phẩm Sài Gòn Đầu tư Tài chính, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Lê Tiền Tuyến có kinh nghiệm 40 năm cầm bút và quản lý báo chí. Anh là cây bút có thế mạnh với các thể loại: chính luận - bình luận, phóng sự - điều tra, ký sự - ghi chép, đã có rất nhiều tác phẩm đoạt Giải Báo chí TP Hồ Chí Minh và Giải Báo chí quốc gia.

 

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek