Thứ Sáu, 20/12/2024 01:10 SA
Nửa vé xe về Tết
Thứ Bảy, 29/01/2022 18:00 CH

Quãng 20 tháng Chạp ta trở đi, ký túc xá cứ thưa dần, thưa dần như quán vắng, các dãy phòng lần lượt khóa cửa im lìm. Ai là người rời sau sẽ cảm nhận cái quạnh quẽ, trống vắng, thậm chí man mác buồn mỗi khi nhìn vào đó. Nếu như ở đây ngày càng trở nên quạnh quẽ kiểu vãn chợ chiều, thì ở gia đình của mỗi người lại ngày càng râm ran không khí tết bởi bước chân trở về của mỗi đứa con xa.

 

 

Ai cũng có một xóm quê, một góc phố đang vẫy gọi mình. Với tôi, xóm quê nơi nhà tôi ở nó hẻo lánh nhưng lại là cả một bầu trời đang vẫy gọi tôi từng ngày. Ở đó chẳng có cây đa, bến nước, sân đình gì sất, mà đất đai cằn cỗi bởi tứ bề là tre, mỗi khi đẵn đốn thì gai cào rách da chảy máu; vườn nhà quanh năm không có nước tưới ngoài việc phải giọt từng gầu nước giếng duy trì màu xanh cho giàn bầu, giàn mướp… Thế mà sao nó lại có một “sức hút” mãnh liệt trong những ngày còn sót lại ở ký túc xá này vì lớp còn môn cuối, tôi không thể nào lý giải nổi. Nếu như ở nhà phải đốn tre hay giọt nước tưới vườn… là cả một cực hình, thì giờ này được làm những việc đó là cả một hạnh phúc. Hạnh phúc của một đứa con được cáng đáng việc nặng, đỡ đần cho mẹ đang ngày càng lưng còng tóc bạc; hạnh phúc của một tay học trò “dài lưng tốn vải” cũng không đến nỗi…vô tích sự. Và, một hạnh phúc rất khó tả, khó sẻ chia, chỉ có mình làm chứ không ai làm thay, chỉ có mình cảm nhận chứ nói ra không phải ai cũng hiểu. Đó là mọi vật đều như người thân, như có mắt, có tai, có tâm hồn mở lòng ra đón mình về, mà không nơi nào thay thế được. “Ngày trở về, anh bước lê/Trên quãng đường đê đến bên lũy tre/ Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về”, lời nhạc Phạm Duy không chỉ dành riêng cho một ai, mà cho bất cứ ai đã tan chảy vào quê, hoặc quê đã hòa làm một thành máu thịt trong người mình! Liệu có ai hỏi “miệng” của vườn rau ở đâu mà cười được không nhỉ? Nhưng với những ai từng xốn xang vì một chồi non bị gãy, từng rưng rưng khi đứng trước một vạt rau mượt mà…thì có thể “thấy” được điều này.

 

Thế rồi, sau bao ngày trông mong cũng đến lúc tôi trở về với vườn rau “cười đón” nơi quê nhà. Bến xe của thành phố ngàn hoa hôm ấy chẳng thấy hoa đâu bởi trời lạnh căm căm, sương mù dày đặt, nhưng tôi bước lên xe cũng kịp nhận ra một anh bạn quen đang bước về phía mình. Tôi ngạc nhiên quá đỗi, vì cả tuần nay anh ta luôn nói với tôi sẽ về trước bằng cách…không tốn đồng nào! Nhưng giờ thì… Thế là cả hai chúng tôi cùng về chung, có bạn đồng hành càng vui chứ sao.

 

Nhà xe soát vé, cả hai chúng tôi đều chưa mua trước vì gấp quá. Tôi đưa tiền cho phần vé của mình, còn anh bạn cứ nhìn tôi với tất cả ánh mắt gửi gắm. Trụ lại đây tới giờ phút này mà còn dư tiền để gánh phần thêm cho một người, quả là…hoang đường! Tôi xoay sang phụ xe: “Tụi em chỉ còn đủ một vé, anh cho xuống Phan Rang thôi”. Chả là, tôi vẫn không thoát khỏi cái ách giữa đàng khi anh này luôn cứ tính việc xuống Phan Rang rồi “nhảy tàu” về quê, coi đó là một thú vui trải nghiệm! Tôi không hưởng ứng vì quá phiền phức, còn anh này thì cứ đánh đu với ý tưởng đó dù trước đó anh vẫn không đến nỗi thiếu tiền để về, cũng không phải ở nán lại để học môn nào nữa! Giờ gặp nhau ở đây, không hưởng ứng cũng chả được, thôi thì cứ trải nghiệm xem sao.

 

Chúng tôi đến ga Tháp Chàm như qua một giấc mơ. Trời nóng hầm hập, hai cha nội vạ vật như hai kẻ lang thang, chờ đến đêm có chuyến tàu suốt Nam-Bắc dừng ở đây thì tót lên bất kỳ toa nào, tìm xó nào đó ngủ một giấc, sáng ra đã tới quê nhà miền thùy dương cát trắng, “chẳng cũng sướng sao”! Đó là tôi diễn xuôi ý của anh bạn như vậy, còn ý tôi, “chẳng cũng chán sao”! Bởi, nếu không đeo đuổi cái trải nghiệm kỳ quặt này, thì anh ta đã dư sức về nhà hơn tuần nay rồi, và giờ này tôi cũng đang sắp qua Đèo Cả để tối nay được ôm chầm lấy mẹ, hít hà mùi khói bếp quen thuộc trước bữa cơm của hai mẹ con và sau đó lăn ra đánh một giấc ngon lành, có đâu chập chà chập chờn như ăn xin thế này!

 

Chúng tôi lên tàu khoảng 8 giờ đêm, đúng như anh bạn thích lăn lộn này đã nói, chẳng ai chú ý đến đâu. Cứ lên hết đi đã! Khi đoàn tàu rùng mình chuyển bánh, tôi mới chắc là không còn bị đuổi xuống, ít ra trong lúc tàu đang chạy! Tuy nhiên tôi vẫn hồi hộp chờ đến lúc soát vé. Một giờ, hai giờ trôi qua, vẫn không thấy động tĩnh gì, càng thêm yên tâm “chắc không sao đâu”, hoặc là “họ đã soát nhưng…trừ mình ra” (!) Nhưng, đó chỉ là mơ! Bởi ngay lúc tôi còn đang khoan khoái tận hưởng cảm giác trót lọt ấy, thì anh soát vé tới. Nhìn mặt thì thấy anh ta không khó lắm, nhưng khá nghiêm nghị: “Vé hai cậu đâu?”. Anh bạn cười cầu tài “Dạ, tụi em sinh viên, anh thông cảm…”. Anh ta đe: “Tôi biết các cậu rồi, gia đình cho tiền mua vé, lại tiêu hết rồi phỏng? Ra tới Nha Trang tôi đuổi cổ xuống, không nói nhiều”. Nói xong anh ta bỏ đi. Anh bạn trấn an tôi: “Kệ đi! Không có chuyện gì đâu. Mà tới Nha Trang bị đuổi xuống thật, thì lại nhảy tàu khác về, chẳng sao cả”. Với độ lì này, thật đáng nể, trong khi việc nóng lòng nóng ruột muốn về tới nhà ngay làm tôi như muốn vỡ tung. Thế rồi tôi chợp mắt lúc nào không hay.

 

Anh bạn lay tôi dậy khi trời đã sáng: “Xuống ga thôi, không lại ra luôn Hà Nội đó!” Hai thằng lục tục xuống sân ga, tàu vẫn đang chờ khách. Tôi hiểu, đến Nha Trang thấy chúng tôi ngủ say, anh soát vé không nỡ đánh thức để đuổi như đã “hứa”, vậy cũng ấm lòng rồi.

 

“Làm ly cà phê cho tỉnh chớ?”-anh bạn lại lên tiếng. Tôi ngạc nhiên: “Ủa còn tiền hả?”. Như một nhà ảo thuật, anh ta xòe ra mấy tờ đủ cho 2 ly cà phê và gói thuốc Mai, thế mà giấu được anh soát vé mới tài! Ngồi trong sân ga nhâm nhi ly cà phê sáng, lúc này, tôi mới thấy quả thật cũng lâng lâng nhẹ nhõm và thú vị làm sao. Đã về đến đây rồi, việc về nhà không còn gì phải vội, cứ ngồi đây bày đặt thả hồn theo khói thuốc cái đã, làm như sành điệu lắm! Chỉ còn gần một giờ cuốc bộ nữa thôi, tôi sẽ về nhà, sẽ gặp lại mẹ. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ những gì đơn sơ thân thuộc nhất mà tôi không rứt ra được trong tâm khảm. Tôi tưởng tượng khi vừa tới cửa, sẽ gọi to “Mẹ ơi, con về đây!” và hai mẹ con sẽ ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi bởi bấy lâu mẹ ở nhà một mình một bóng, thiếu tôi đỡ đần vì các anh chị đều ra riêng.

 

Nhưng nghĩ ngợi cho bài bản vậy thôi, chứ trong thực tế khi tôi về đến nhà, cả hai mẹ con đều không nói gì nhiều, cứ như chưa từng có quãng thời gian se sắt quắt quay vì con nhớ mẹ hay mẹ nhớ con. Phải chăng, những gì thân thuộc nhất luôn được “nói nhiều” trong ý nghĩ lúc ở xa, mà ít thể hiện ra ngoài khi đã trở về?

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Quê hương Tuy Hòa và má
Chủ Nhật, 30/01/2022 13:00 CH
Kỳ diệu ngôi nhà ngập gió tuổi thơ
Chủ Nhật, 30/01/2022 08:00 SA
Đi lễ chùa đầu năm
Chủ Nhật, 30/01/2022 07:00 SA
Về lễ tết nhà ngoại
Chủ Nhật, 30/01/2022 07:00 SA
Chút tản mạn cuối năm
Thứ Bảy, 29/01/2022 15:03 CH
Đường về nhà
Thứ Bảy, 29/01/2022 10:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek