Dù mẹ luôn nhắc đi nhắc lại, về tết quan trọng và cần thiết hơn về nghỉ hè, nhưng 5 năm học ở nước ngoài tôi chỉ về tết được đúng một lần.
Đó là khi lịch nghỉ Tết Âm lịch bên nhà không bị vướng lịch thi, lịch học, mà còn trùng với lịch nghỉ đông bên này. May mắn hơn nữa, tôi còn tìm được vé bay khứ hồi giá rẻ. Đặt vé xong, dù bụng dạ có lâng lâng sung sướng khi mơ tưởng chuyện ăn tết ở nhà, tôi vẫn thấy lo lắng. Nếu lịch thi mà thay đổi thì chẳng những tôi không thể về tết mà còn bị mất tiền mua vé và phải đền bù theo quy định của hãng. Tôi cũng chả hiểu vì sao Qatar Airways lại có những quy định kỳ quái vậy. Nhưng kệ, niềm vui mua được vé giá rẻ cộng thêm việc bù đầu lo học thi khiến tôi quên bớt nỗi sợ lỡ như, nếu như… May sao, tôi làm bài thi khá ổn, thi xong môn cuối cùng còn dư đúng một ngày để gửi đồ, xếp đồ và ra sân bay. Đường về nhà quá xa và tôi sẽ phải bay bốn chặng. Trong đầu tôi, chữ nghĩa, bài vở dường như còn ngổn ngang, hỗn độn như mớ hành lý tôi nhét vội, không kịp xếp cho ngay ngắn. Mẹ tôi nói chữ nghĩa đem tôi đi xa mẹ nhưng, nhờ vậy biết đâu tôi có thể đến gần chân trời hơn, như câu thơ mẹ hay đọc “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”, như câu hát mẹ thường ngân nga “Bầu trời rộng lớn… Lòng người rộng lớn…”.
Bước ra khỏi taxi, kéo hành lý vào sân bay, tôi mới thấy trời lạnh và nhớ ra mình đã bỏ quên khăn quàng cổ, găng tay ở ký túc xá. May mà cái áo khoác mang theo rất dày, có mũ và hai túi sâu đủ che chở đôi tai và hai tay tôi lạnh cóng. Gửi xong hành lý, lấy vé, check in và ngồi chờ ra máy bay, tôi mới gọi điện báo cho mẹ. Mẹ vui lắm, khoe đang phơi dưa món mà hên ghê, gặp bữa trời nắng nên chắc năm nay dưa món mẹ làm sẽ ngon hơn năm ngoái. Mẹ hỏi tôi có thèm ăn bánh chưng với dưa món như mọi khi không, tôi bảo giờ con chỉ thèm ngủ. Và tôi lơ mơ ngủ gục trong khi mẹ vẫn đang nhắc chuyện giữ kỹ túi giấy tờ, tiền bạc, lưu ý cất riêng hộ chiếu, vé vào ngăn trong, đến sân bay nào dù khuya sớm cũng gọi về báo cho ở nhà biết, đói bụng thì nhớ mua ăn đừng tiếc tiền, vân vân và vân vân. Sau hai giờ bay từ thành phố tôi học đến sân bay quốc tế để đi chuyến bay về nước là khoảng trống 6 tiếng đồng hồ cho việc nhận hành lý, di chuyển từ khu này sang khu kia, làm thủ tục nhận vé, và lại gửi hành lý, check in, ngồi chờ ở cửa ra máy bay… Trời càng về đêm càng lạnh. Trên các dãy ghế, có nhiều hành khách với đủ mọi thành phần, quốc tịch, tuổi tác, đang nằm, ngồi nhẫn nại chờ bay như tôi. Tôi trùm mũ kín đầu, nhắm mắt và hình dung ở nhà mẹ đang làm gì. Hay thật, bên này ban đêm trời lạnh cóng, còn ở quê nhà nắng rực rỡ và mẹ tôi đang phơi dưa món. Tôi như con chim đang bay từ vùng giá lạnh xa xôi tìm về tổ ấm…
*
Chuyến bay của tôi phải quá cảnh tại sân bay quốc tế Hamad (Doha, Qatar) hơn 8 giờ. Còn nhớ, tôi đã có lần transit tại đây vào ban đêm. Khi phi cơ gần hạ cánh, nghe phi hành đoàn thông báo thời gian lúc này là 10 giờ đêm và nhiệt độ bên ngoài là 40 độ, ai cũng ồ lên ngạc nhiên. Lần này đến Qatar không phải mùa hè mà là giữa đông, nhiệt độ xuống thấp, lạnh giá khiến ai cũng co ro. Tôi thấy nhiều người di chuyển đến khách sạn, nên cũng liều đến quầy thông tin hỏi về quy định được lưu trú tại khách sạn nếu transit tại đây từ 8 đến 24 tiếng. Cô nhân viên có đôi mắt đẹp đặc trưng vùng Trung Đông ở quầy phục vụ soi vé tôi thật kỹ, kiểm tra các thông tin trên máy tính, sau đó trả lời vì tôi bay vé khuyến mãi giá rẻ, lại không đăng ký và trả phí khách sạn trước nên tôi không có tên trong danh sách, tôi chỉ được một suất ăn miễn phí tại sân bay. Bữa ăn sang trọng và có nhiều món rất ngon khiến tôi quên nỗi ấm ức không được nghỉ ngơi ở khách sạn. Tôi gọi cho mẹ và kể về chuyện được ăn cá rất ngon tại sân bay Qatar. Mẹ bảo cá ở đó làm sao ngon bằng cá biển quê mình. Đi khắp thế giới không đâu cá tươi và ngọt như biển quê mình được. Mẹ đúng là luôn thiên vị cho cội nguồn, bản quán, đúng tinh thần bà ngoại trước đây: “Cơm với cá như má với con”!
Hamad là sân bay mới, thay thế cho sân bay Doha trước đó, nên thường được gọi là New Doha. Sân bay rất đẹp và hiện đại như sân bay quốc tế của Dubai, nhưng tệ nhất là nó chỉ có ghế rời, không có những dãy ghế dài để những người bay giá rẻ như tôi có thể nằm nghỉ tạm. Lần đầu chưa quen, việc nằm dài trên ghế ngồi chờ ở sân bay làm tôi thấy ngại ngùng vì nghĩ vậy là mất lịch sự, thiếu văn minh; nhưng các lần sau, mỏi mệt vì chờ lâu khiến tôi trở nên bất chấp lúc nào không hay. Đôi khi, cảm giác không ai biết mình là ai, ở đâu, cũng rất thú vị!
Ngồi ngủ gục ở một sân bay sang trọng giữa chặng đường bay, tôi mơ thấy mẹ tôi khi còn là sinh viên như tôi nhảy tàu về nhà ăn tết. Đoàn tàu lửa cũ kỹ, chạy chậm như con sên như mẹ thường nói, đang bò gần núi Chóp Chài và mẹ tôi ở tuổi hai mươi trẻ trung mà hơi nhà quê, tay xách chồng nón Huế đứng đợi ở cửa toa tàu, chờ tàu chạy chậm để nhảy xuống. Đợi khi tiếng bánh sắt rít lên trên đường ray và tàu chạy thật chậm là nhảy ào xuống đường tàu. Nguy hiểm vô cùng! Có lần nào mẹ bị gì không? Sao không? Rớt kính, đứt dép, trầy đầu gối, rách quần... Lỡ gần tới nơi mà tàu không chạy chậm, không dừng thì sao? Thì cứ phải đợi, đi quá xa rồi cũng xuống được chỗ nào đó, đón xe lam quay lại. Sợ nhất là tàu chạy ban đêm, nhìn ra ngoài tối mịt mù không biết đâu là đâu. Sao phải nhảy tàu? Vì mấy năm đó tàu chỉ dừng ở ga Diêu Trì và ga Nha Trang, không dừng ở Tuy Hòa. Bà ngoại biết không? Biết! Ngày trước bà ngoại đi học về nhà còn ác liệt hơn. Thời chống Pháp, bà ngoại học Trung học Bình dân ở Quảng Ngãi. Bà ngoại kể muốn về nhà chỉ có đi bộ và đi xe goòng. Đi bộ thì thảm rồi, đi xe goòng đỡ hơn. Xe goòng, hiểu đơn giản là toa xe kéo trên đường ray xe lửa, còn chậm hơn cả con ốc sên những năm đầu thập niên 80, thời của mẹ. Nhưng được học là may mắn rồi, vì thời đó có mấy ai được đi học xa đâu. Từ Quảng Ngãi mà hai ba ngày ròng ăn cơm nắm với muối, bà ngoại mới về đến nhà ở Tuy Hòa… Tôi mơ thấy tiếng tàu lửa gõ nhịp trên đường ray và tiếng rít của nó khi dừng và giật mình. Sân bay Hamad - Qatar vẫn lộng lẫy, mênh mông, dửng dưng bên ngoài giấc mơ của tôi. Trên sân bay, tiếng máy bay cất cánh, hạ cánh ồn ã, liên tục. Tôi đã bay qua tuổi hai mươi của mẹ tôi, của bà ngoại tôi đến những chân trời xa. Việc ngồi chờ bay mỏi mệt và phải transit qua hai ba nơi, rõ ràng là không thấm thía gì so với đường về nhà của bà ngoại tôi, của mẹ tôi thuở trước.
Hơn tám giờ ở sân bay và gần tám giờ bay thẳng từ Qatar về Việt Nam, tôi như sống giữa hai thế giới mơ và thực, thức và ngủ. Máy bay lên cao, bầu trời tách khỏi mặt đất, cảm giác như tôi đang đi trong khoảng không trong vắt và tĩnh lặng. Tôi nhớ những cái tết lúc nhỏ, năm nào cả nhà tôi cũng theo một lộ trình bất di bất dịch. Sáng mùng một, cúng xong, cả nhà ăn mặc đẹp đẽ chở nhau đến nhà nội chúc tết trước, rồi sang nhà ngoại. Bà nội thường hỏi muốn ăn món gì, còn bà ngoại bao giờ cũng rờ đầu, nắm tay coi thử tôi cao lớn tới đâu. Cả bà nội và bà ngoại giờ đã ngủ sâu dưới đất và không bao giờ thức dậy. Nếu như có thế giới khác, tôi mong bà ngoại tôi sẽ được đi máy bay hoặc được nhẹ nhàng tự do bay lượn đến những vùng đất khác nhau, không còn khòm lưng, khó nhọc mỗi khi đi đứng như lúc còn sống. Nhìn qua cửa sổ máy bay, tôi hình dung mẹ tôi như một cái chấm nhỏ chập chờn bên dưới, đang ngước nhìn lên trời, ngóng đợi tôi.
*
Có lần tôi nói mẹ ơi, bạn con ai cũng bảo con là version/ phiên bản của mẹ. Mẹ bảo, thực ra mẹ từng không thích giống bà ngoại, mẹ cũng không thích con giống mẹ, con cứ đi theo con đường con chọn. Tôi đùa, đường nào mà chẳng về nhà với mẹ, vì con từ bụng mẹ ra mà! Mẹ bảo con cứ tự quyết, mẹ bảo không cần con phải quẩn quanh bên mẹ, nhưng mẹ luôn nhắc chuyện ngày xưa con vấp té chỗ bậc cửa này nè và khóc ra sao, cái tường này dù sơn lại vẫn còn các dấu khắc đánh dấu con cao lên mỗi năm, chuyện ngày tết con cứ đòi mặc mãi bộ đồ màu hồng nóng nực, trong khi mẹ đã chuẩn bị cái áo đầm xanh mới và rất đẹp… Mẹ bảo con cứ đi xa, nhưng mẹ và ngôi nhà cứ vẫy con về gần đó! Ừ, kể ra mẹ cũng hơi mâu thuẫn phải không?
Sài Gòn cuối năm vẫn đông đúc như mọi khi, nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Vì không mua được vé bay chuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa nên ba tôi đặt vé TP Hồ Chí Minh - Cam Ranh cho tôi. Về đến Cam Ranh dự kiến 11 giờ đêm, mà từ Cam Ranh về Tuy Hòa còn hơn trăm rưỡi cây số, nên ba mẹ phải nhờ ông anh họ lái xe vô đón tôi tại Cam Ranh. Mẹ ơi, ngày tết là quan trọng nhất hở mẹ? Không, ngày con sinh ra là quan trọng nhất, còn ngày tết đơn giản là ngày gia đình sum họp. Đơn giản, mà sao ai nấy đều tất bật lo tết, cái gì cũng dồn vô tết, ở đâu xa cũng cố về tết hở mẹ? Vì ai cũng nghĩ phải ráng hết sức, phải thật đẹp, thật hoàn hảo để đón cái mới, bắt đầu chu kỳ mới, để hy vọng. Mẹ nghĩ, dường như khi cố gắng làm điều cần làm, phải làm, thì sau đó mới mong có được điều mình thích, mình muốn!
Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, nhận hành lý và kéo va li từ khu quốc tế sang khu bay nội địa, tôi còn phải đợi 5 tiếng nữa mới lên chuyến bay về Cam Ranh. Gần 12 giờ đêm, tôi mới kéo được hành lý ra cửa và ôm lấy ba mẹ. Ôi, sung sướng! Gặp ba mẹ, tôi như được quẳng hết gánh nặng lo lắng đường xa. Lên xe, tôi lập tức gối đầu lên đùi mẹ ngủ say và ngon đến mức khi xe dừng, mẹ phải lay mấy cái, tôi mới tỉnh.
Cửa mở, ngôi nhà dang tay đón tôi, chị tôi chạy ra ôm tôi, con chó nhỏ mừng quýnh quíu, nhảy lên đòi tôi ẵm. Giữa nhà là chậu mai vàng rực rỡ. Mấy năm trước nó còn thấp và nhỏ xíu, mà nay đã vươn cao bằng tôi. Mẹ cười bảo con về là nhà mình tết rồi đó. Phải rồi, tôi là tết của mẹ, còn mẹ là tết của tôi!
LAM DUNG