Tọa đàm “Nhà văn viết gì thời COVID?” - một hoạt động của Trại sáng tác Văn học năm 2021 - vừa được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa). Các nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ những cảm nhận về sự khốc liệt của dịch bệnh, về dũng khí Sài Gòn, về thân phận con người, về tình người trong hoạn nạn... và trách nhiệm của nhà văn trên trang viết.
Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, những chấn thương từ đại dịch nơi mỗi người vẫn còn hằn những vết cắt đớn đau. Riêng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã mất đi 3 nhà văn vì COVID-19; hơn 20 nhà văn khác đã, đang chống chọi với virus Corona. Và, đa số các nhà văn có mặt ở đây, đều trải qua cái cảm giác được sống sót sau gần 5 tháng chống chọi và vượt qua dịch bệnh.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Bích Ngân nói: “Đề tài cần các nhà văn khai phá lúc này là số phận con người; dịch bệnh ập đến khiến con người trở nên quá mong manh trước đời sống. Hơn lúc nào hết, văn chương, chữ nghĩa rất cần vào lúc này, thậm chí không chỉ có văn chương mà còn cần có sự chung tay của nhiều loại hình nghệ thuật khác”.
Đại diện Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tham dự tọa đàm, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch hội, chia sẻ đôi nét về công cuộc chống dịch tại Phú Yên, về việc truyền thông để bà con nơi vùng sâu vùng xa thay đổi thói quen, thực hiện tốt quy tắc 5K để phòng chống dịch, về sự “xông pha” của những người cầm bút… Tất cả đã được ghi lại, được tái hiện trong tuyển tập văn học nghệ thuật Ngày mai trời lại sáng của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, như một món quà tri ân những người trên tuyến đầu.
Nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ cảm giác như là bị choáng khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh - nơi ông sinh sống, về nỗi đau khi mất một đồng đội - nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nói: Qua đại dịch COVID-19, chúng ta “nhìn thấy” rất nhiều. Đó là tấm lòng nhân hậu, là sự hào hiệp, rộng lượng của người Việt Nam.
Đó chính là truyền thống của dân tộc, thời nào cũng có, nhưng trong những thời điểm cam go, trong những lúc gian khó, thì truyền thống, đạo lý của người Việt Nam càng sáng rõ. Người dân ai cũng có tấm lòng thiện nguyện. Văn nghệ sĩ không có điều kiện nhưng đã vận động, kết nối người nọ người kia giúp đỡ đồng bào. Đó là điều cực kỳ đáng quý. Và điều quan trọng nhất mà chúng ta đã làm được, là ý thức của người dân. Mỗi người dân đều có ý thức phòng chống dịch cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng.
Nhà thơ Nguyên Trân đã vào các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, đã đồng hành với rất nhiều đoàn thiện nguyện và không thể nào kìm nén được cảm xúc của mình. Chị trao đổi dưới góc nhìn của một thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh: “Không có chuyện gì lần đầu tiên xảy ra mà chúng ta có thể làm tốt ngay từ đầu. Văn, chúng ta viết một lần cũng chưa được ngay, chúng ta cũng phải sửa, đúng không ạ? Những việc lớn hơn thế, chuyện thay đổi dần dần cho phù hợp cũng là bình thường, là tất yếu.
Đọc trên mạng, thấy mọi người viết rất nhiều, có những thông tin rất bi quan, tiêu cực, có những phê phán rất gay gắt. Khi đọc những bài viết chưa có sự cảm thông, cảm thấy rất buồn”. Nữ tiến sĩ luật nói về nỗi vất vả, hy sinh của những người tham gia chống dịch, nói để mọi người có thể chia sẻ, có thể cảm thông, có thể chung tay. Chị mong là khi đặt bút viết, các tác giả có sự cảm thông thực sự.
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên chia sẻ về những điều mà bà cho rằng rất nhỏ bé. “Trước khi là một nhà thơ, nhà văn thì tôi là một phụ nữ. Một phụ nữ trong cơn đại dịch nghĩ gì, làm gì, có những tâm sự như thế nào, những bức xúc như thế nào?
Tôi nghĩ đó là điều nhỏ bé nhưng khá lớn, vì người phụ nữ đó không chỉ nghĩ riêng cho mình mà cho gia đình mình, cho con cháu mình, cho bạn bè mình…”, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nhìn nhận. Bà nói rằng trong đại dịch, hầu hết chị em trở thành đầu bếp rất giỏi, kể cả những người trước đó không biết nấu ăn. Và họ có những ước mơ rất giản dị. Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên đọc bài thơ Tôi nghĩ mình sẽ khóc một trận..., được viết trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.
…Bạn bè tôi chơi trò sau cách ly bạn sẽ làm việc gì đầu tiên
ăn sáng với ai nhậu nhẹt với ai đàn đúm với ai
tôi nghĩ mình sẽ khóc một trận
sẽ đi một hơi ra chợ hoa mua đủ các loại về cắm khắp nhà
sẽ sơn móng tay móng chân
sẽ trang điểm
sẽ thoa lên môi màu son đỏ nhất
mặc chiếc áo đẹp nhất
rồi tự vẽ mình
Tôi sẽ vẽ mình thật nhiều màu sắc
rực rỡ như mùa hè phía trước
dịu dàng như mùa thu phía trước
ấm áp như mùa đông trong chiếc áo len hồng
rồi tôi đi chơi
Tôi sẽ đi những nơi tôi thích
Ít nhất sẽ không về nhà không nấu bếp không lau dọn không nghĩ ngợi lẩn quẩn trong bốn bức tường
tôi đi tìm lại tiếng ve...
Nhà văn viết gì thời COVID? Đề tài của nhà văn rất rộng. Theo nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, điều quan trọng là trên trang viết của mình, nhà văn “đi vào” thân phận con người, tình cảm của con người. Điều để lại trong văn chương là như vậy.
Nhà văn viết gì thời COVID? Đề tài của nhà văn rất rộng. Theo nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, điều quan trọng là trên trang viết của mình, nhà văn “đi vào” thân phận con người, tình cảm của con người. Điều để lại trong văn chương là như vậy. |
YÊN LAN