Ngày nhỏ, đồng làng tôi nhiều cá rô lắm, những con cá rô lưng đen, lườn xanh biêng biếc, sống lủi chui trong các chân ruộng lúa hoặc ao chuôm. Cá rô ưa thứ nước đục chứa phù sa màu mỡ của đồng hơn kiểu nước trong leo lẻo của đầm hồ lớn hoặc sông. Vậy nên buông câu sông hoặc đầm hồ rất ít khi dính cá rô. Có chăng cũng chỉ là một con rô… đi lạc, mình mẩy đen thui, ốm nhách, to tướng được mỗi cái đầu!
Cá rô ở đồng lại khác, nước cạn, đục mò mò vậy nhưng con cá xanh um béo múp, nhất là vào mùa lúa trổ đòng. Người ta bảo bông lúa rụng xuống cá rô ăn nên béo, không biết có thực không? Riêng tôi biết chắc một điều: cá rô là giống cá rất phàm ăn, nhỏ người nhưng cái miệng rộng ngoác, lởm chởm đầy răng. Giun đất hoặc các giống cá, tôm tép nhỏ đương nhiên là mồi ngon của cá rô, nhưng cũng không loại trừ việc chúng có thể ăn luôn cả mồi thực vật như bông lúa rụng! Vụ đông xuân trời nắng gắt, ít mưa nên đồng ít cá. Hè thu mới là vụ lúa cá rô sinh sôi nhiều. Tháng bảy âm lịch, trời chuyển tiết thu với những cơn mưa rào cuối hạ chăng chăng đổ xuống tắm mát những chân ruộng lúa đang hoặc sắp trổ đòng. Nước ruộng dâng lên, giống cá rô đồng có đặc tính rất lạ: chưa mưa, nước ruộng cạn không ai thấy cá ở đâu, vậy nhưng chỉ cần trời đổ xuống cơn mưa, nước ruộng dâng lên là lập tức… có cá! Dùng que rẽ lúa, thấy cá rô đồng đớp móng là rủ nhau đi câu. Câu ruộng, câu thả thì không cần phao. Mỗi đứa bó cần mười chiếc, cứ móc mồi giun vào lưỡi thả chìm xuống nước, sau đó tuần tự đi dở. Rô đồng ăn mồi rất bạo, nhất là sau những cơn mưa khiến khí trời dịu mát, “đánh thức” đám cá choai hưng phấn đi tìm thức ăn. Gọi “cá choai” bởi thả câu ruộng lúa cữ này chủ yếu câu được lũ cá rô mới lớn, tầm hai ngón tay. Cỡ này dễ câu nhất bởi chúng khờ khạo háu ăn, thấy mồi là “bập”! Cá rô tầm này đem về làm sạch ruột, nấu ngọt hoặc kho khô với lá gừng và tiêu ớt đều ngon. Thịt cá không chắc và ngọt bằng cá lớn, nhưng ưu điểm là xương rất mềm, cắn nguyên con mà ăn không lo hóc xương. Miếng cá rô đồng trong miệng ngọt lịm, thêm hương lá gừng thơm nức giúp đánh át vị tanh; thêm chút tiêu ớt cay the kích thích vị giác “hưng phấn” hơn lên khiến nhai miếng nào “biết” miếng đó. Giờ cá rô đồng không còn nữa, nhiều nơi nghĩ cách thay thế bằng cá rô nuôi. Nhưng thật lòng, nếu đem so với cá rô đồng tự nhiên thì cá rô nuôi thật không thể sánh bằng!
Vậy nhưng “thượng đẳng” của món cá rô đồng phải là cá nướng dằm mắm ớt. Món nướng muốn ngon phải tìm cá lớn. Bình thường rô lớn chỉ sống nơi các chân ruộng rộc hay những ao chuôm có mực nước sâu. Chúng cảnh giác, không tham mồi nên khó câu. Đợi tới mùa mưa, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống khiến nước trong đồng dâng cao, lũ rô mái (cá cái) bụng mang đầy trứng mới rời nơi trú ẩn, theo nước ngược dòng tìm nơi đẻ. Chặn bắt chúng bằng cách đặt lờ hoặc giăng lưới. Những con rô to cộ, béo múp được xỏ ghim nướng trên than hồng. Thịt cá chín vàng ruộm, mỡ chảy xèo xèo muốn tắt bếp. Cá chín gỡ bỏ ruột, đem thả vào tô mắm ớt làm sẵn. Đưa đũa dằm nhẹ cho thịt cá bở ra, ngấm mắm đều trước khi ăn. Sẽ ngon hơn nếu mắm được giã, trộn (hoặc rắc lên trên) thêm ít rau ngò (rau mùi).
Nhà tôi nghèo, nhiều khi bữa cơm đông người mà chỉ một con rô mái nướng. Vậy là mẹ “sáng kiến” gỡ hết thịt cá đem… dằm nát, trộn đều vào tô mắm bự! Cả nhà xúm xít ăn cơm cùng món mắm cá rô chấm rau lang luộc, trong khi bên ngoài trời mùa đông vần vũ sụt sùi mưa gió. Ngon cực kì. Ngon tới mức cơm nhanh chóng hết veo trong khi cái nồi còn nóng giãy! Riêng tôi, còn ngon hơn nữa bởi là con út nên được mẹ ưu ái cho cái… đầu cá. Muốn nằn nì xin luôn mẹ bộ xương nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo xương cá rô bén lắm, ăn không khéo mắc cổ (hóc xương) là chết…
Giờ thì quê còn, đồng còn nhưng cá rô đồng chỉ còn trong… kí ức. Nhớ lần đi chúc tết nhà ông anh vợ, gặp tô mắm cá rô đồng, ông than: Đầu năm đi bắt cá lấy hên mà về cả nhà “chê” không ai ăn…. Tôi nghe, bụng mở cờ, xắng xở kêu: được, để em ăn! Kết quả: bữa cơm tết năm ấy, mình tôi “đánh bay” xoong cơm nguội với mắm cá rô đồng, kệ các thứ nem chả thịt thà anh chị cố công bày ra khoản đãi.
Y NGUYÊN