Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ người dân Phú Yên đã chiêm nghiệm và đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong dự báo thời tiết của vùng mình đang ở. Điều này có khi được truyền miệng, có khi đúc kết bằng bài vè, ca dao, tục ngữ…
Phú Yên có 3 mặt là núi, một mặt giáp biển. Núi tạo thành một vòng cung bao quanh từ đỉnh đèo Cù Mông sát biển phía bắc, chạy vòng lên phía tây và kéo xuống khép kín ở đèo Cả, cũng sát tận biển ở phía nam. Địa hình đặc thù này đã tạo ra mùa mưa, nắng, gió, bão ở Phú Yên khá đặc biệt.
Lao động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp của người dân gắn liền với thiên nhiên và thời tiết. Những người nông dân xưa phải nắm rõ hiện tượng thời tiết nhằm thích ứng một cách hài hòa với thiên nhiên.
Để dự báo thời tiết, các câu ai ai cũng biết là: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” hay câu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”… Từ xưa, khi chưa có hệ thống dự báo thời tiết, người dân Tuy Hòa (bao gồm TP Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa) đã đúc kết kinh nghiệm dự báo thời tiết cho vùng này bằng nhiều cách khác nhau.
Dự báo mưa thì bằng các câu sau:
Tháng 8 ngó ra,
Tháng 3 ngó vào.
Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ
Mùa tháng 8 (âm lịch) thấy mây đen trên đỉnh núi Chóp Chài là lo hốt lúa, lo đi kiếm chỗ đụt mưa. Mùa tháng 3 thấy mây phủ ở Đá Bia là biết mưa sắp đổ xuống. Tháng 3 gió nồm nên thường mưa từ hướng đông - nam; tháng 8 thì hay mưa từ hướng đông - bắc (gió bấc). Tính chất mưa cũng khác nhau: “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn”…
Người dân cũng thường căn cứ vào tiếng chim vạc kêu mà đoán trời sẽ mưa hay nắng. Ban đêm, dù còn có mưa to, trời sấm sét rung chuyển nhưng nghe tiếng vạc kêu khi bay đi kiếm ăn từ hướng đông lên hướng tây là chắc chắn ngày hôm sau sẽ nắng.
Ngược lại, khi trời đang nắng gắt mà vạc bay từ hướng tây về hướng đông và kêu là ngày sau đó trời sẽ mưa. Rất có thể do tập quán kiếm ăn mà chúng biết được thời tiết nắng mưa và tiếng kêu có thể là tiếng gọi đàn để rủ nhau đi kiếm ăn hay tránh mưa bão.
Về dự báo chung thì trong dân gian có câu:
Mống dài thì lụt
Mống cụt thì mưa
Mống vừa thì nắng
(Mống = cầu vồng)
Một số người đi biển có kinh nghiệm khi nhìn chim bay (hải âu, nhạn, én…), ráng chiều, mây trời… để dự đoán thời tiết trên biển khi ra khơi. Một số người khác thì nhìn cây cỏ và côn trùng như kiến, mối, ong… để dự báo thời tiết những ngày sắp tới trong khu vực mình ở.
Theo kinh nghiệm dân gian thì: Chim bay cao là nắng và ít gió, bay thấp là thường mưa, gió nhiều; ráng: “ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa”; mây: “vảy trút thì mưa, vảy bừa thì nắng”. Kiến tha mồi vào nhà là sẽ sắp mưa lụt; mối vào nhà hay làm ụn mối trên cao là sắp mưa, lụt; ong vò vẽ làm tổ trên cao là sẽ mưa lụt, làm tổ dưới thấp là có gió to, bão lớn...
Người dân hai bên dòng sông Đà Rằng thì có bài vè:
Rù rì ra lá,
Cua đá đào hang,
Bãi cát như ban,
Thì trời hết lụt.
Theo kinh nghiệm từ ngàn xưa thì sau ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm, vùng Tuy Hòa sẽ không còn mưa to, không còn lụt lội nữa nên sau 23 tháng 10 là bắt đầu lo làm đất để xuống giống cho vụ mùa đông xuân. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà thời tiết ngày nay thay đổi nhiều so với trước kia nên hiện nay người dân thường chờ qua tháng 11 âm lịch mới bắt đầu làm đất sạ ruộng.
Bằng những cách trên, người dân vùng Tuy Hòa xưa đã dự báo thời tiết hàng ngày và thường đúng cho khu vực mình đang ở, đang lao động sản xuất.
Ngày nay, dù có hệ thống dự báo thời tiết nhưng vùng dự báo quá rộng, kéo dài cả ngàn cây số nên đôi khi khó xác định chính xác thời tiết khu vực mình sống. Nếu biết được thêm một vài kinh nghiệm để dự báo thời tiết cho vùng của mình ở thì điều đó cũng rất có ích.
HUỲNH KHANG