Thứ Sáu, 04/10/2024 10:15 SA
Vĩnh biệt một hồn thơ
Thứ Bảy, 02/10/2021 07:00 SA

Nhà thơ Văn Công - tác giả của những bài thơ từ chiến khu Phú Yên vượt tuyến ra miền Bắc trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng miền Nam vừa vĩnh biệt chúng ta, đại thọ 96 tuổi. Ông được văn học sử ghi nhận là một trong số rất ít văn nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học nghệ thuật giải phóng thời kỳ đầu đất nước tạm thời chia cắt sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

 

Ký ức cuộc đời

 

Bìa tập sách Văn Công - cuộc đời và trang viết. Ảnh: PV

Tên thật là Cao Xuân Thiêm (sinh năm Bính Dần 1926, hồ sơ cá nhân ghi năm 1928) - xuất thân trong một dòng tộc nổi tiếng có truyền thống hiếu học ở Diễn Châu, Nghệ An với những tên tuổi lẫy lừng như Tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn Cao Xuân Dục, học giả Cao Xuân Huy, giáo sư ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo… Ông được hai bậc thân sinh dạy chữ rèn người nghiêm cẩn cả chữ Hán Nôm, Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông dang dở việc học để lao động mưu sinh đỡ đần gia đình ở lớp đệ tam niên do gia cảnh quá nghèo. Với tố chất hiếu học và năng khiếu bẩm sinh, ông không ngừng tự học, sáng tác những bài thơ đầu tiên trên bước đường vất vả mưu sinh từ quê nhà Diễn Châu, Nghệ An đến kinh đô Huế và Đà Nẵng. Như một lẽ tự nhiên, ông sớm đến với cách mạng trong những ngày sục sôi của cuộc cách mạng long trời lở đất giành chính quyền tháng 8/1945, là một trong những chiến sĩ vệ quốc đoàn Nam tiến đầu tiên:

 

Tôi nhớ năm xưa vào Tỉnh đội.

Quê hương anh thành phố ngẩng đầu trông

Những bông lúa cúi chào anh bộ đội

Mỉm nụ cười cô gái chở qua sông

Đây Tuy Hòa thấm trăm dòng máu đỏ

Như trung tâm nguồn sinh lực tràn trề

Và Phú Yên! Linh hồn ta đó…

 

Như một cơ duyên, như tự bạch trong bài thơ vượt tuyến Tuy Hòa mến yêu được tặng giải nhất Báo Thống Nhất (Hà Nội) năm 1957, ông gắn bó trọn cuộc đời với quê hương thứ hai Phú Yên và cả Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

 

Từ một chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đoàn quân Nam tiến, ông là Đội trưởng vũ trang tuyên truyền 250 sát cánh cùng Phòng Quốc dân thiểu số Phú Yên bám trụ Thồ Lồ - Phú Mỡ và các buôn làng miền tây Phú Yên làm công tác Thượng du vận, đoàn kết Kinh Thượng sát cánh bên nhau, đồng lòng chống kẻ thù chung. Ông cà răng, căng tai, đóng khố, ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) học hỏi và thông thạo ngôn ngữ dân tộc Ba Na, Chăm, Ê Đê, được bà con tin yêu như một già làng. Những bí danh hoạt động của ông ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số như Ma Pốp, Ma Xoong, Ma Xí… được bà con trang trọng đặt tên cho những con suối vùng Thồ Lồ - Ma Dú.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được phân công ở lại miền Nam xây dựng căn cứ Thồ Lồ - Ma Dú, xây dựng đường dây liên lạc giữa Tỉnh ủy bí mật Phú Yên và vùng tập kết 300 ngày tỉnh Bình Định.

 

Ngày 15/5/1955, ông vẫy tay tạm biệt đồng đội trong chuyến tàu cuối cùng tại cảng Quy Nhơn và vất vả lội ngược dòng về chiến khu Thồ Lồ trong sự truy nã gắt gao của kẻ thù.

 

Tại chiến khu Thồ Lồ trong những ngày gian khổ nhất của cách mạng miền Nam, những người được phân công trụ lại hoạt động gian nan cơ cực, hiểm nguy rình rập trong chân tơ kẽ tóc. Ông cùng đồng đội đã thắp lên ngọn lửa ý chí, niềm tin, sống giữa lòng dân, dựa vào sức dân xây dựng vùng chiến khu xanh bất khả xâm phạm, vùng giải phóng đầu tiên của tỉnh Phú Yên sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

 

Là Trưởng Ban Kinh tài đầu tiên của Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, ông phát huy cao độ ý chí tự túc tự cấp, tự lực tự cường để trang trải nhu cầu cuộc sống tối thiểu cho lực lượng cách mạng và nhân dân vùng giải phóng. Ban Kinh tài (có lúc gọi là Ban Tài mậu) Phú Yên là đơn vị kinh tài duy nhất của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhà thơ thời khói lửa chiến tranh khốc liệt không chỉ cầm súng, mà còn lo cơm áo gạo tiền, còn chi viện cho các tỉnh bạn. Ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, Trưởng Ban Chi viện tiền phương Khu ủy V trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975… Ông cùng đồng đội lập nên vô vàn chiến công có tên và không tên, sống mãi cùng năm tháng trong lòng dân vùng giải phóng.

 

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng phân công ông một nhiệm vụ tương xứng với quá khứ cống hiến đặc sắc, song ông đề đạt nguyện vọng trở về Phú Yên nghĩa nặng tình sâu. Ông về lại chiến khu xưa làm Bí thư Huyện ủy Tây Sơn (Sơn Hòa, Sông Hinh ngày nay) một vài năm và được HĐND tỉnh Phú Khánh bầu làm Phó Chủ tịch thường trực, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh cho đến khi nghỉ hưu.

 

Tôi có vinh dự giúp việc cho ông trong nhiều năm, được nghe ông và đồng đội cùng hoạt động kể rất nhiều ký ức về một thời khó khăn mà thủy chung, son sắt. Bộ đội gặp ông trên đường hành quân, nhìn sắc mặt của ông đăm chiêu hay vui tươi là biết tình cảnh quân lương. Lúc ở giữa chiến khu Thồ Lồ, là thanh niên chưa vợ nhưng ông cùng với một đồng chí người dân tộc Ba Na đỡ đẻ cho một nữ cán bộ ở trạm giao liên giữa rừng. Ông nói: “Trời thương, mẹ tròn con vuông”. Ông đặt tên dân dã là cháu Rừng, khi làm thủ tục đưa hai mẹ con ra miền Bắc theo đường giao liên bí mật, ông đặt lại tên là Lâm. Hạt giống đỏ đặc biệt này sau ngày tái lập tỉnh là Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển Phú Yên. Ông gắn với vô vàn ký ức thấm đẫm tình thương và trách nhiệm một thời máu lửa có thể viết và in thành sách vô cùng hấp dẫn, sống mãi cùng năm tháng.

 

Những vần thơ vượt tuyến

 

Từ chiến khu Thồ Lồ, xúc động và rung động về sức dân và lòng dân vĩ đại, về những tấm lòng trung kiên của đồng bào đồng chí vững tin vào thắng lợi của cách mạng miền Nam trong những ngày gian khổ nhất, ông sáng tác nhiều bài thơ để đăng Báo Đoàn kết (tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay) và theo đường giao liên bí mật ra miền Bắc. Những bài thơ như: Lòng em, Tiếng hát các em, Đi giữa Phú Yên, Tuy Hòa mến yêu, Người Cộng sản… lay động lòng người trên đất Bắc. Nhiều bài thơ được tặng giải nhất Báo Thống Nhất mà mãi đến khi ra Bắc năm 1971 ông mới được nhận đủ mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng (một số tiền khá lớn thời điểm ấy).

 

Nhà xuất bản Văn học Hà Nội đã chọn 17 bài thơ của tác giả Văn Công cùng những bài thơ vượt tuyến từ miền Nam gửi ra của hai tác giả Giang Nam, Thanh Hải in chung thành tập thơ Tiếng hát miền Nam có sức lan tỏa và lay động sâu sắc thời đất nước còn chia cắt.

 

Tập thơ này được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, được Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Hà Nội đưa vào giáo trình giảng dạy văn học cho sinh viên. Mãi sau này, khi tôi học khóa I Khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế (khóa 1977-1981) vẫn còn được học giáo trình này do giáo sư chủ nhiệm khoa Hồ Tấn Trai (Phạm Văn Sĩ) - tác giả tập biên khảo “Văn học cách mạng miền Nam” truyền dạy.

 

Những bậc ân sư mà tôi có vinh dự được truyền dạy như Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Phong Lê… đều trân trọng nhắc đến những bài thơ đặc sắc của tác giả Văn Công. Riêng bài thơ Người Cộng sản (được ông sáng tác khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật) được tuyển tập cùng nhiều tác giả ưu tú, được dịch ra tiếng Pháp xuất bản ở Paris năm 1969, trực tiếp phục vụ tuyên truyền ngoại giao.

 

Dù trọng trách công việc nặng nề, ông vẫn luôn nặng lòng với thơ và vẫn sáng tác đều theo năm tháng. Nhưng ông vẫn thích thú những bài thơ vượt tuyến thời 1954-1960 như thành quả vang bóng một thời.

 

Di sản để lại

 

Trong lễ tang tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đặc biệt xúc động khi già làng Ma Nghĩa và Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ So Bếp thay mặt Đảng bộ và bà con dân tộc vùng căn cứ Thồ Lồ - Ma Dú xưa lặn lội đường xa thắp nén hương thơm tưởng nhớ Ông cách mạng Ma Pốp - Ma Xoong, Ma Xí còn lưu dấu ấn địa danh tên các con suối của buôn làng.

 

Ông để lại cho đời một tấm gương trong vắt về đạo đức cách mạng, về tình nghĩa thủy chung, về tình yêu cuộc sống và khát vọng vươn tới tương lai.

 

Thời còn làm Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, ông đã giải quyết triệt để hàng trăm giấy báo trúng tuyển đại học được đến trường, vượt qua rào cản hẹp hòi của một số rất ít địa phương. Nhiều em thành nhân và thành danh hôm nay nhắc đến ông với tất cả sự yêu kính về tấm lòng công tâm của một người cách mạng.

 

Sau ngày tái lập tỉnh, Tỉnh ủy cử ông và ông Ma Noa trực tiếp xác nhận công lao cho bà con các dân tộc thiểu số Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh. Ông đã thực hiện chu toàn chính sách này như một lời tri ân đồng bào ruột thịt, gắn bó tử sinh với cách mạng trong hai cuộc chiến tranh.

 

Là một trong những bộ sử sống phong phú, ông đã tham gia biên soạn, cung cấp tư liệu, thẩm định hàng trăm tập sách lịch sử, truyền thống địa phương từ tỉnh đến cơ sở.

 

Ông để lại cho đời và cho con cháu 15 tác phẩm in riêng và 7 tác phẩm in chung. Trong đó có những tác phẩm như Người Ba Na ở Phú Yên giàu giá trị khoa học và thực tiễn, được các nhà dân tộc học đánh giá rất cao. Con gái của ông - cử nhân văn chương Cao Thị Hiền Lương và tôi có vinh dự được ông đề cử tham gia biên tập quyển sách Văn Công - cuộc đời và trang viết do Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên. Tôi tâm đắc và thấm thía với mấy vần thơ của ông kết thúc tập sách này:

 

…Tất cả sẽ trở thành quá khứ

Tôi như con sóng vỗ xa bờ

Vỗ suốt ngày đêm trên đất Phú

Cuối cùng chỉ đọng lại hồn thơ.

 

Vĩnh biệt bác Sáu Công kính yêu - vĩnh biệt một hồn thơ có những bài thơ đi cùng năm tháng.

 

LỜI CẢM TẠ

 

Ban Lễ tang và gia đình đồng chí Cao Xuân Thiêm xin chân thành cảm ơn các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên; các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện các tổ chức trong và ngoài tỉnh; đồng bào, đồng chí, bà con thân bằng quyến thuộc và bạn bè gần xa đã gửi điện chia buồn, gửi vòng hoa, đến viếng, dự lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Cao Xuân Thiêm về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong quá trình tổ chức lễ tang đồng chí Cao Xuân Thiêm, Ban Lễ tang và gia đình đã hết sức cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi những sơ suất, kính mong đồng bào, đồng chí thông cảm.

 

Ban Lễ tang và gia đình xin trân trọng cảm ơn.

 

PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek