Hàng chục năm qua, tại Phú Yên, các nghệ sĩ sân khấu và những người hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật luôn tề tựu trong ngày giỗ Tổ Sân khấu (12/8 âm lịch). Họ tri ân Tổ nghiệp, động viên nhau cùng gìn giữ nghệ thuật truyền thống do người xưa để lại. Năm nay, do đại dịch, các nghệ sĩ chỉ có thể dâng tâm hương và bày tỏ lòng mình trên trang cá nhân.
Lòng thành dâng lên Tổ nghiệp
Năm 2006, Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức giỗ Tổ Sân khấu vào ngày 12/8 âm lịch, sau đó duy trì hoạt động này hàng năm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tiền nhân, đồng thời lan tỏa niềm đam mê các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng có kết luận về việc lấy ngày giỗ Tổ Sân khấu 12/8 hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam, nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Phú Yên, một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng và bài chòi, giỗ Tổ Sân khấu và Ngày Sân khấu Việt Nam là sự kiện đặc biệt của các nghệ sĩ sân khấu và những người hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật. Năm nay, do đại dịch, nghệ sĩ sân khấu chỉ có thể giỗ Tổ tại nhà riêng, như nghệ sĩ Bình Thảng, lặng lẽ dâng tâm hương lên Tổ nghiệp.
Trước ngày giỗ Tổ Sân khấu, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên), Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, đã gửi thư đến các hội viên, chia sẻ những khó khăn mà họ đã và đang trải qua do đại dịch, cảm ơn họ đã và đang tiếp tục góp sức mình cùng các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến với “giặc” COVID-19 bằng những việc làm thiết thực, ấm áp tình người.
“Những hành động đẹp của anh chị em nghệ sĩ sân khấu, hội viên chúng ta là sự động viên và tiếp thêm sức mạnh để mọi người cùng vững tâm vượt qua đại dịch. Không tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và không tổ chức giỗ Tổ Sân khấu trang trọng như mọi năm tại thời điểm này, nhưng anh chị em nghệ sĩ sân khấu, hội viên chúng ta vẫn luôn thành tâm hướng về Tổ nghiệp và đồng lòng góp sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để ánh đèn sân khấu truyền thống sớm tỏa sáng trở lại phục vụ người dân và khán giả hâm mộ”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu viết.
Vào ngày giỗ Tổ Sân khấu, trên trang facebook cá nhân, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển nhớ về những năm giỗ Tổ Sân khấu được tổ chức trang nghiêm, thành kính: “Từ đêm 11/8 âm lịch, các nghệ sĩ đã dâng đèn hoa rực rỡ, hương khói nghi ngút trên bàn thờ Tổ; các buổi biểu diễn chào mừng rộn ràng, tràn đầy niềm vui và một đêm không ngủ. Chiều nay nhớ lại, bỗng thương anh em nghệ sĩ mình lắm. Hai năm rồi dịch giã căng thẳng, các sân khấu tắt đèn, các nhà hát, tụ điểm biểu diễn đóng cửa.... nên giỗ Tổ Sân khấu năm nay cũng buồn hiu. Thôi thì với tấm lòng, dù đạm bạc, anh em vẫn cung kính dâng lên Tổ. Cầu mong Tổ Sân khấu và các vị tiền hiền phù hộ anh em nghệ sĩ thanh - sắc vẹn toàn, cùng với toàn dân chung tay đẩy lùi dịch..., ta lại vui như xưa”.
Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật trình Tổ trong giỗ Tổ Sân khấu, khi đại dịch chưa xuất hiện. Ảnh: YÊN LAN |
Lan tỏa năng lượng tích cực
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc vừa phổ nhạc một bài thơ của tác giả Nhanh Cao thành ca khúc Thầm lặng ngành Y. Ca khúc này do NSND Thanh Hải hòa âm, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Vân và ca sĩ Quỳnh Như trình bày. Đây là nhạc phẩm tôn vinh các “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu, được nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc ấp ủ thực hiện sau khi sáng tác ca khúc Thông điệp 5K khi dịch bệnh vừa bùng phát tại Phú Yên.
Có nhiều năm làm Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển) trước khi giữ cương vị Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Ngọc Quang đam mê sáng tác và nặng lòng với các hoạt động biểu diễn. Sau ca khúc Phú Yên chung tay chống dịch, cuối tháng 8 vừa qua, nhạc sĩ Ngọc Quang sáng tác ca khúc Thương lắm Sài Gòn ơi! (lời: Đỗ Xuân Thu - Ngọc Quang, trình bày: ca sĩ Minh Khương). Bản nhạc ra đời từ niềm xúc động trước tình cảm và nghĩa cử của người dân cả nước dành cho Sài Gòn, như một lời động viên Sài Gòn cố gắng vượt qua đại dịch. Sau đó, nhạc sĩ Ngọc Quang sáng tác ca khúc Về đi em như một lời cảm ơn những người đã chia sẻ và giúp đỡ đồng bào trong gian khó, cảm ơn Tập đoàn Phương Trang đã hỗ trợ người dân Phú Yên trở về quê nhà bằng những chuyến xe đầy ắp tình người. Ca khúc này do ca sĩ Trần Vũ ở TP Hồ Chí Minh trình bày. Hiện nhạc sĩ Ngọc Quang vẫn đang tập hợp và giới thiệu các ca khúc của ông đến với bạn yêu nhạc, trên trang facebook cá nhân. Ông hy vọng âm nhạc sẽ mang đến cho bạn bè năng lượng tích cực trong những ngày thực hiện giãn cách, phòng chống dịch COVID-19.
YÊN LAN