Thứ Tư, 27/11/2024 04:25 SA
Click chuột xem văn chương
Thứ Tư, 18/06/2008 07:10 SA

Nhiều độc giả hiện nay, thay vì đến các nhà sách để tìm mua những cuốn sách văn học thì họ lên mạng internet. Và ngày càng có nhiều cây bút - kể cả các nhà văn chuyên nghiệp - quan tâm đến việc phổ biến những tác phẩm của mình thông qua mạng toàn cầu.

 

E-truyen-2-080617.jpg

Lên mạng đọc văn chương - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

VĂN HỌC TRÊN MẠNG: KHO TÀNG ĐỒ SỘ

 

Bạn rất muốn sở hữu một cuốn sách đang khiến dư luận xôn xao, hay tìm lại một tác phẩm văn học kinh điển đã xuất bản từ lâu lắm? Nếu cách đây khoảng chục năm, đó là việc… hơi bị khó, vì có thể giá của cuốn sách đó vượt quá túi tiền của bạn, hoặc cũng có thể bạn chẳng biết phải tìm mua nó ở đâu. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác. Bạn chỉ cần lên mạng và click chuột, cả một kho tàng văn chương đồ sộ từ cổ chí kim, từ  Đông sang Tây sẽ lập tức hiện ra, đáp ứng nhu cầu của bạn.

 

Trên mạng internet hiện có rất nhiều website tiếng Việt chuyên đăng tải những tác phẩm cũng như những bài phê bình văn học, trong đó có thể kể đến các trang web www.vnthuquan.net, www.evan.com.vn, thothe.com, vietkiem.com, vanhoanghethuat.com, xemsach.com v.v… Ngoài ra, trên nhiều tờ báo điện tử như www.laodong.com.vn, www.tuoitre.com.vn, vnexpress.net… và vô vàn các trang web khác, chẳng hạn www.edu.net, www.ttvnol.com, www.slnafc.com... đều đăng tải tác phẩm văn học. Đây phần lớn là những trang web “mở”, chỉ cần đăng ký tên và password (mật khẩu), bất cứ ai cũng có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình, hay đơn giản là “tung” một tác phẩm nào đó lên mạng để mọi người cùng đọc.

 

Vì được nhiều người cùng góp tay xây dựng nên “kho” văn học trên mạng internet nên có thể nói là… vô tận. Bạn có thể tìm thấy trên những trang web này từ những bộ truyện từ thời xa xưa như Thần thoại Hy Lạp, Lĩnh Nam chích quái đến những tác phẩm văn học kinh điển như Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bông hồng vàng… hoặc những cuốn sách đang “hot” như Mật mã Da Vinci, Rừng Nauy, Chơi vơi trời chiều

 

Không chỉ tiện lợi - vì cần gì cũng có và có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn bất cứ lúc nào, miễn là máy tính được nối mạng  internet - thế giới văn học trên mạng  còn hấp dẫn người ta bởi hoàn toàn miễn phí. Chính vì vậy, lượng độc giả của các trang văn học điện tử ngày một tăng. Có “cầu” thì có “cung”, các website văn chương lại càng thêm nở rộ. Một số cây bút tên tuổi cũng đã lập ra những trang web riêng để quảng bá các tác phẩm của mình như Nguyễn Huy Thiệp với địa chỉ www.nguyenhuythiep.fre.fr, Vũ Hồng với www.vuhong.com… Những người trẻ khác như Phan Huyền Thư, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Hoàng Diệu…, khi chưa xây dựng website riêng, cũng đã gửi gắm các sáng tác và bình luận của mình qua những diễn đàn văn chương trên mạng.

 

VĂN HỌC ĐIỆN TỬ “ĐÈ BẸP” SÁCH VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG?

 

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mang lại cho đời sống văn học một luồng gió mới. Các trang web văn học thu hút sự quan tâm của rất nhiều người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Điều đó góp phần rất quan trọng trong việc kích thích các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Nhiều cây bút trẻ khẳng định được tên tuổi của mình như  Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Thu Trang…

 

Liệu sự phát triển của văn học trên mạng có lấn át văn học in trên giấy theo kiểu truyền thống? Đọc truyện, đọc thơ trên mạng tiện lợi thật đấy, nhưng vẫn không thể nào mang lại cho người đọc những cảm giác, cảm xúc như khi được nâng niu trên tay một cuốn sách, đọc đi đọc lại từng câu chữ mình yêu thích; hay đơn giản hơn, là được ngắm giá sách trong nhà mình.

 

Còn người viết, sau khi đưa tác phẩm lên mạng internet, họ có rất nhiều độc giả, lại gần như không phải chịu một sự kiểm duyệt nào. Nhưng bất cứ một cây bút nào cũng mong muốn “đứa con tinh thần” của mình được in thành sách… “Nhà văn chỉ thực sự tồn tại với những độc giả cầm trên tay cuốn sách của anh ta để vui buồn cùng nó mà thôi. Đó là lý do tại sao tôi xuất bản 2 tập sách cùng một lúc, mặc dù hầu hết các tác phẩm đó đã được công bố trên mạng internet” - nhà thơ Phan Huyền Thư  đã từng tâm sự như thế.

 

Rõ ràng là, văn chương trên mạng internet không thể “đè bẹp” sách văn học in trên giấy, mà cả hai hình thức này sẽ tồn tại song song, khiến cho đời sống văn học thêm đa dạng và phong phú hơn.

 

TRẦN NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek