Bằng sở trường đờn ca tài tử, hai nông dân ở xã An Hòa (huyện Tuy An) đã đánh thức phong trào văn nghệ trong quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn.
Năm Dũng biểu diễn đờn ca tài tử - Ảnh: H.NAM |
Ở xã An Hòa (huyện Tuy An) không ai là không biết ông Trần Văn Dũng (thường gọi chú Năm), 57 tuổi và anh Trần Mót (Đức Thừa) 40 tuổi, vì bộ đôi này rất “tâm đầu ý hợp” trong lĩnh vực hát dân ca, tân cổ, từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi do huyện và tỉnh tổ chức.
Chú Năm kể: Năm 1975, sau một chuyến đi đánh cá giã cào ở Vũng Tàu, chú tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Lập – một người dạy đờn ca tài tử, ở Bến Tre. Hôm đó, tiếng đàn luyến láy, lúc trầm lúc bổng của ông Lập đã thu hút rất nhiều ngư dân đến thưởng thức. Mê tiếng đàn ấy nên chú Năm theo ông Lập học đàn. Gần 10 năm, vừa đi lưới giã cào vừa học đàn, chú Năm thuộc từng nốt nhạc: Xê, cống, xang, sự, hò, liêu…. Về quê, chú Năm biểu diễn một vài lần cho ngư dân vùng biển An Hòa xem. Thời gian gần đây, tụi trẻ không còn mặn mà với đờn ca tài tử nên ngón đàn của chú Năm đơ cứng. Chú Năm vào Nha Trang (Khánh Hòa) gặp Hữu Bé - học trò Văn Giỏi, kết bạn đàn hát cho vui. Thông qua Hữu Bé, chú biết được vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Lan - Chương Liễu. Bây giờ, thỉnh thoảng khi buồn, chú Năm lại vào Nha Trang đờn ca cùng họ.
Tuổi ngày càng cao, sợ tiếng đàn của mình bị thất truyền nên chú Năm dạy đờn ca tài tử miễn phí cho những ai thích học. Trong 40 học trò mà chú Năm dạy, anh Đức Thừa là người “nối nghiệp” tốt nhất. Từ năm 2004 đến nay, vào các ngày lễ, tết, năm nào anh Thừa cũng đứng ra tổ chức văn nghệ cho người dân xã An Hòa thưởng thức. Sân khấu thường được dựng tại bãi biển thôn Nhơn Hội (xã An Hòa). Những lần tổ chức đờn ca như vậy, anh Thừa chỉ xin phép địa phương hỗ trợ về lực lượng làm công tác an ninh trật tự, các khâu còn lại anh tự bỏ tiền túi ra lo.
Anh Đức Thừa trong một lần “lưu diễn” miễn phí - Ảnh: H.NAM |
Không chỉ biểu diễn tại xã, anh Thừa còn bỏ tiền túi “lưu diễn miễn phí” ở xã An Ninh Đông. Từ năm 2006 đến nay, một số người góp ý kiến nên gây quỹ từ thiện từ những lần tổ chức văn nghệ như thế và anh Thừa đã làm. Hiện quỹ từ thiện này đã được 5 triệu đồng. Số tiền này được anh Thừa dùng vào việc mua sách vở tặng các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của xã. Anh Thừa tâm sự: “Tôi tổ chức văn nghệ trước phục vụ cho bà con xem, sau thì làm từ thiện”.
Ông Phạm Chí Ba, một người dân địa phương tâm sự: “Nghe có văn nghệ đờn ca tài tử người dân ở đây háo hức lắm. Tuy ca sĩ không chuyên nghiệp (chủ yếu là bạn của anh Đức Thừa) nhưng họ biểu diễn bằng niềm đam mê và làm từ thiện nên ai có điều kiện kinh tế khá thì ủng hộ nhiều, không có thì đến xem miễn phí”. Còn Chủ tịch UBND xã An Hòa Lê Minh Công thì bảo: “Phong trào văn hóa văn nghệ của xã đang lớn mạnh, thông qua phong trào này nhiều học sinh nghèo được tiếp sức đến trường. Kết quả này có phần đóng góp rất lớn của chú Năm và anh Đức Thừa”.
MẠNH HOÀI