Thứ Hai, 30/09/2024 02:19 SA
Nhà văn Đoàn Thạch Biền:
Tôi thích đọc tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ
Chủ Nhật, 15/06/2008 07:30 SA

Phong trần, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 60. Có lẽ vì hơn 30 năm qua, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã quá đỗi thân thiết với các bạn trẻ, đầu tiên là bằng những tập truyện tươi rói và cực kỳ lôi cuốn, sau đó là bằng sự quan tâm, khích lệ - với vai trò chủ biên tuyển tập thơ văn Áo Trắng. Anh là “bà đỡ” mát tay cho rất nhiều tác phẩm khi các cây bút chập chững vào đường văn chương, và nhiều người trong số họ đã thành danh.

 

Đến bây giờ, Đoàn Thạch Biền vẫn dành tâm huyết cho những tác phẩm đầu tay, vẫn theo đuổi mảng đề tài về các bạn trẻ. 

 

DTBien-080614.jpg

Nhà văn Đoàn Thạch Biền (thứ hai, bên trái), trò chuyện với các cộng tác viên Áo Trắng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: P.V

 

THỂ NGHIỆM THÌ LUÔN LUÔN TỐT

 

* Các nhà văn đi trước không bao giờ muốn những người viết trẻ giẫm lên lối mòn, song họ cũng có cái nhìn nghiêm khắc đối với những thể nghiệm “không giống ai”. Riêng anh thì sao?

 

- Dĩ nhiên tôi cũng không muốn ai giẫm lên lối mòn, còn thể nghiệm thì luôn luôn tốt chứ. Có thể lúc đầu, sự thể nghiệm đó chưa được mọi người hiểu và thông cảm, nhưng cái hay là người ta đã dám thể nghiệm. Chẳng hạn nếu chúng ta cứ tiếp tục với thể thơ thất ngôn bát cú mà không “bước qua” thơ mới thì làm sao có thơ ngày nay? Đến bây giờ người ta lại “chê” thơ mới và làm thơ tự do, thơ hậu hiện đại. Dĩ nhiên, khi mới bắt đầu, có thể họ không được chấp nhận, nhưng riết rồi tạo thành thói quen, người ta đọc và cũng sẽ hiểu. Nếu chúng ta thật sự quan tâm và chúng ta khám phá thì trước sau cũng thành công, chứ đừng làm dáng.

 

* Có ý kiến cho rằng một số cây bút trẻ bây giờ nói về cái tôi nhiều quá. Anh thấy thế nào, điều này có tốt không?

 

- Đầu tiên, ai cũng nói về cái tôi, vì điều đó dễ nhứt. Một thời gian văn học nói về “chúng ta” nhiều rồi, cho nên cũng phải nói về cái tôi. Tâm hồn rất phong phú, “đào” được vào tâm hồn của chính mình thì tốt thôi. Nhưng nếu rất nhiều người viết như vậy thì cũng đi vào lối mòn, cho nên lại phải tìm một cách khác. Cứ đi vào cái tôi hoài thì sẽ nhàm chán.

 

* Anh nhận xét gì về các cây bút Áo Trắng ở Phú Yên?

 

- Theo tôi nhận thấy, các cây bút Áo Trắng ở Phú Yên mạnh về thơ, truyện thì chưa có ai nổi bật.

* Trong gần 20 năm gắn bó với tuyển tập thơ văn Áo Trắng, có bao giờ anh đọc tác phẩm của một người và nghĩ “bạn này dứt khoát không thể viết được”, thế nhưng sau đó họ lại trở thành nhà thơ, nhà văn?

 

- Tôi nghĩ ai cũng có thể lầm lẫn (cười). Dĩ nhiên mình không tự hào là có con mắt xanh, nhưng mà trong khi các tờ báo khác khẳng định một tác giả đã thành đạt, như  cây đã cho quả, và người ta bắt đầu khen quả đó ngon, thì nhiệm vụ của Áo Trắng là bồi dưỡng cái cây để nó ra hoa ra quả. Những người viết cho Áo Trắng lúc đầu chưa thành đạt. Sau đó người ta đi làm báo, viết văn, làm thơ và thành đạt, như  Dương Bình Nguyên, Trang Hạ, Phong Điệp… Áo Trắng giúp họ có cảm hứng để tiếp tục sáng tác. Chứ còn thời áo trắng mà biểu người ta viết một tác phẩm xuất sắc để đời thì… chưa có. 

 

BẠN TRẺ LÀM SAO XA

 

* Thưa anh, điều gì xui khiến một thầy giáo, một nông dân, một công nhân tên Thịnh  trở thành nhà văn Đoàn Thạch Biền?

 

- Mỗi người có một ý thích, người thích bóng đá, người thích chơi cây kiểng… Tôi yêu thích văn chương từ thời trung học - lúc đó tôi học ban C - và nghĩ văn chương sẽ theo mình cả đời. Lúc trẻ tôi viết, giờ tôi làm “huấn luyện viên”, làm “ông bầu”. Mai sau không thể làm “huấn luyện viên” thì tôi làm “cổ động viên”. Những bạn đã viết những tác phẩm hay thì tôi sẽ viết giới thiệu lên báo.

 

Với tôi, tác phẩm văn chương cũng như những… mối tình. Mối tình đầu có thể chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn, nhưng luôn khiến người ta dễ xúc động. Đó là lý do tại sao tôi thích đọc tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ hơn là những tác phẩm đoạt giải.

 

* Anh được độc giả yêu mến, ngưỡng mộ bởi những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn. Bây giờ, ở tuổi 60, anh có định tiếp tục chinh phục những độc giả tuổi xế chiều?

 

- Tôi nghĩ không phải cứ ở tuổi 60 thì viết để chinh phục độc giả tuổi 60. Những tác phẩm viết về tuổi trẻ của tôi có thể không còn hợp với các bạn trẻ bây giờ. Tôi phải cố gắng gần gũi các bạn để hiểu và viết những tác phẩm thích hợp với tuổi trẻ  hôm nay. Mỗi nhà văn chọn một đề tài chứ không phải cứ thấy người ta làm cái này thành công là mình đi theo. Không nên như vậy. Tôi cũng viết truyện về công nhân - vì tôi là công nhân - rồi viết về chiến tranh, về cái chết, về vợ chồng… nhưng tôi nghĩ những tác phẩm đó không thành công, thua rất nhiều người khác. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục viết về giới trẻ.

 

* Được biết anh còn viết kịch. Anh có tự tin rằng mình sẽ thành công như viết văn?

 

- Thật ra tôi viết kịch trước khi viết văn. Ngày trước tôi viết những vở kịch ngắn cho sinh viên biểu diễn trong những đêm văn nghệ. Sau đó tôi có in một tập kịch là Đêm của cỏ, cũng đã dựng nhiều trên đài nhưng không ra thị trường, bởi lẽ một đêm kịch thường khoảng hai tiếng rưỡi, còn kịch ngắn chỉ có 45 phút. Chẳng lẽ diễn hai ba vở một đêm? Nhưng nếu các bạn sinh viên muốn tập để diễn trong liên hoan văn nghệ thì kịch ngắn rất thích hợp.

 

* Anh sẽ nói gì với những bạn đã gởi hàng chục tác phẩm cho Áo Trắng nhưng vẫn chưa được đăng?

 

- Thì tiếp tục gởi. Nếu đã gởi 10 tác phẩm rồi thì gởi thêm một tác phẩm nữa, có khi tác phẩm thứ 11 sẽ được đăng. Đừng có nản! Nếu bạn yêu thích một công việc nào đó và bạn chăm chỉ làm thì sẽ thành công. Đừng vì gởi một hai bài không đăng là nản, không viết nữa. Đó là thử thách. Các bạn cũng đừng tin tưởng tờ Áo Trắng đến mức Áo Trắng không đăng thì nghĩ là tác phẩm đó dở. Nếu sau đó các bạn gởi cho những tờ báo khác, mà không nơi nào đăng thì đúng là tác phẩm dở thiệt. Còn tại sao tác phẩm của bạn đăng ở đây mà nơi khác không đăng là do không phù hợp với tờ báo đó, và do quan niệm của người chọn.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1948 tại Nam Định. Anh từng dạy học ở Bình Thuận, làm nông ở Bảo Lộc, làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Báo Người Lao Động. Đoàn Thạch Biền nổi tiếng với những tập truyện dành cho tuổi mới lớn: Ví dụ ta yêu nhau (1974), Tình nhỏ làm sao quên (1990), Tôi thương mà em đâu có hay (1998), Mùa hè khắc nghiệt (2002) và nhiều tác phẩm khác… Đoàn Thạch Biền là người khai sinh tuyển tập thơ văn Áo Trắng cách đây 18 năm, hiện vẫn là thành viên chính trong nhóm chủ biên, khi tuyển tập này tái ngộ với bạn đọc vào năm 2007.

 

LÂM VY (Thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek