Một cuộc hội thảo mang tên “Đọc - thói quen hay văn hóa” vừa được tổ chức tại TP HCM, thu hút khá đông đảo sự quan tâm của giới tri thức trẻ. Các diễn giả như Chu Hảo, Tôn Nữ Thị Ninh, Bùi Văn Nam Sơn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đọc sách, xem đó là phương pháp thể dục trí não tốt nhất. Thế nhưng, giữa thời đại nghe - nhìn, đọc sách đòi hỏi sự thích thú và nề nếp hình thành ngay từ ấu thơ. Vì vậy, số lượng người đọc sách hôm nay vẫn còn hạn chế cũng có nguồn gốc sâu xa.
Nhiều người Phú Yên đến với cà phê sách (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT |
Khó phân biệt rạch ròi hành vi đọc sách là một thói quen hay một văn hóa. Bởi lẽ, khi hình thành thói quen đọc thì cũng xuất hiện văn hóa đọc và ngược lại. Điều cấp bách nhất hiện nay là chúng ta phải có một cuộc điều tra xã hội học tin cậy để nhận diện thực trạng đọc sách của nước ta, mới mong tìm ra một hướng khắc phục. Thật chủ quan và vội vàng, khi nhìn vào số bản sách văn chương hay triết học phát hành ít ỏi để khẳng định rằng, giới trẻ bây giờ không đọc sách. Bên cạnh internet, giới trẻ vẫn đang đọc những loại sách có chọn lựa, có mục đích như cẩm nang thành đạt hay bí quyết đầu tư chứng khoán! Và thực sự cần sòng phẳng với nhau, không có cuốn sách nào không bổ ích cho sự trưởng thành của một con người và sự phát triển của một xã hội!
Thời gian gần đây, dư luận bắt đầu sốt ruột về vấn đề đọc sách. Nhiều tổ chức được thành lập với mục đích kích cầu người đọc như trang web hay dự án “Một cuốn sách”. Thế nhưng, chỉ cần bình tĩnh hơn một chút, sẽ dễ dàng nhận thấy, đó là cách giải quyết vướng mắc từ… ngọn. Tại sao chúng ta không nghiêm túc đánh giá lại công tác phát hành sách. Trong khi sách chỉ tập trung tại các đô thị lớn thì vùng sâu, vùng xa vẫn đói sách, khát sách. Những nhà kinh doanh sách vì lợi nhuận của họ đã và đang nâng giá sách lên rất cao, thì ai sẽ trợ giá cho những người dân còn khó khăn? Tại sao sách tại Hà Nội hay TP HCM có thể giảm giá đến 80% mà không chuyên chở về nông thôn để giảm giá khoảng 30% cho người nghèo? Hơn nữa, hệ thống thư viện trường học đã hoạt động hiệu quả chưa?
Không thể có người đọc sách, nếu không có sách, đó là sự thật đáng giật mình!
TUY HÒA