Trong đời, thỉnh thoảng gặp lại những bài thơ nho nhỏ của các bậc tài danh ngày trước, giống như những bông hoa khiêm tốn, không lộng lẫy kiêu sa, nhưng hương thơm tinh khiết, không phai theo gió tháng ngày. Đó là hương thơm tiếp sức.
Xương rồng - Tranh: TRẦN TRƯỞNG |
Ngửi những bông hoa ấy, gợi một chút buồn buồn, nỗi buồn thấu đạt lẽ tuần hoàn vũ trụ, nhân sinh. Từ đấy, thay vì bi quan, lòng lại bình tĩnh vươn lên. Thế là không ủy mị nữa, không cuồng si hung hãn mà đầy tự chủ, ngập niềm vui và tràn nhân hậu.
Riêng tôi, vẫn muốn gặp lại những bông hoa ấy, ngửi không bao giờ chán. Những bông hoa bất tử ấy vẫn nở hoa rải rác đâu đây…
Mãn Giác thiền sư (1052-1096) đời Lý có viết bài thơ chữ Hán được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch Có bệnh bảo mọi người như sau:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Những câu thơ ngũ ngôn rồi thất ngôn tạo thành một đường ngang gây ấn tượng lõm xuống, nhưng thật sự lại vươn lên. Tưởng đã ngắt đoạn, nhưng lại nối tiếp dài ra. Chạm vào, lòng ta thú vị nở hoa viên mãn. Mới đọc nửa bài, ngỡ rằng luật trời khe khắt, tàn bạo, vô tình, rằng: “Thời gian là khách bốn phương, nó lạnh lùng bắt tay người bạn ra đi, và mở tay ôm lấy người bạn mới tới”(Shakespeare), ta sắp buồn phiền thì đột nhiên được nâng lên tầng cao có nắng. Mãn Giác thiền sư thi sĩ đã xoay đôi mắt ta nhìn theo hướng tan sương. Tâm hồn ta như thanh sắt gỉ dưới tay một thợ rèn vĩ đại. Ta bị nung đỏ, bị cong queo, lại được vuốt thẳng để nhúng vào nước. Ta đã được trui già, trở nên cứng rắn và hữu ích.
Cụ nhà thơ Cao Bá Quát, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên, có làm bài Hàn dạ ngâm được Nguyễn Huệ Chi dịch là Khúc ngâm đêm lạnh như sau:
Rét nhiều không ngủ được
Dậy chữa lại vần thơ
Dầu hết gọi nhỏ rót
Nhỏ cứ nằm ậm ờ
Vội vàng đi lấy chiếu
Đắp lên mình chú ta.
Thử hỏi ai được ấm giữa đêm đông lạnh giá? Chú nhỏ ngủ say hay cụ Cao Bá Quát? Xin mạo muội thưa rằng: cả ba người đều ấm. Tại sao lại đến ba người? Vì còn phải cộng thêm người đọc bài thơ vào nữa. Lời thơ, ý thơ, đơn giản chỉ là lòng nhân từ nhỏ nhoi, âm thầm, lặng lẽ. Lòng nhân từ ấy như bông hoa không tên, cứ mãi ngát hương. Lòng người đọc được nâng lên cao, ở đó bàng bạc niềm vui thanh thoát của bao dung đức độ. Bài thơ của cụ thật hay. Mà đã thật hay, thì không bàn nữa.
Cụ nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có bài Vô đề như sau:
Tóc đã thưa, răng đã mòn
Việc nhà đã phó mặc dâu con
Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu chốn nước non
Nhàn được thú vui hay bao nả
Bữa chiều muối bể chứa tươi ngon
Chín mươi thì kể xuân đã muộn
Xuân ấy qua ngày xuân khác còn.
Dẫu biết ở đời có tứ khổ là sinh, lão, bệnh, tử, nhưng với cụ thì “lão” không còn là khổ nữa mà là sự thâm trầm vui vẻ. Một tâm hồn không có vết nhăn, cho dù khuôn mặt nhăn nheo. Cái già chẳng việc gì mà đáng sợ cả. Cứ thuận theo tự nhiên mà sống. Đọc bài thơ, ta bỗng như con thiên nga, cứ thảnh thơi trên bập bềnh sóng nước. Thời gian và răng nhọn của thời gian mất đi vẻ tàn khốc, đã trở nên dịu dàng, thậm chí còn dễ mến.
Cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) tác giả áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, có làm bài tứ tuyệt Cuối xuân tức sự, được Khương Hữu Dụng dịch như sau:
Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
Quả là một cô đơn nghị lực, khí phách. Một nỗi buồn thoang thoảng của tất cả mọi thiên tài kim cổ. Một bóng dáng kiên cường đang di động, có thể là voi ra trận cũng nên.
Ngày trước, các bậc tiền bối ít phô trương cái “tôi” của mình. Đó là hương thơm của đức khiêm tốn mà bây giờ ít thấy. Thật êm ái và dễ chịu dường nào, khi cái “tôi” của mình không múa may trước mặt người khác. Và, người xưa thường cứ đẹp như vậy.
Cụ nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có vịnh bài Mùa đông như sau:
Nghĩ lại thì trời vốn cũng công
Chẳng vì rét mướt bỏ mùa đông
Mây về Ngàn Hống đen như mực
Gió lọt rèm thưa lạnh tợ đồng
Cảo mực hơi may ngòi bút rít
Phím loan cười nhuốm sợi tơ chùng
Bốn mùa ví những xuân đi cả
Góc núi ai hay sức lão tùng?
Một khí phách vững chãi, rắn chắc trước gian lao thử thách cuộc đời. Cụ là một nghệ sĩ rắn rỏi.
Đó chỉ mới là những đóa hoa tiếp sức điển hình. Và, còn nhiều nữa, nhiều nữa. Những đóa hoa tôi không quên. Xin tri ân những đóa hoa tiếp sức khiêm tốn mà vững mạnh đến tuyệt vời…
NGÔ PHAN LƯU